Bổ sung cơ quan điều tra chuyên trách về tội phạm buôn lậu

Thứ Sáu, 19/06/2015, 19:53
Nhấn mạnh buôn lậu đang là vấn đề nhức nhối, gây nhiều tác hại đối với nền kinh tế và ngân sách Nhà nước, các đại biểu Quốc hội tán thành việc bổ sung lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu vào tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Việc xây dựng mô hình cơ quan điều tra là điểm nhấn của dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự được Quốc hội thảo luận ngày 19/6.

Lo ngại kinh tế ngầm trong buôn lậu

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) phân tích: Việc bổ sung đơn vị điều tra chuyên trách về buôn lậu là cần thiết bởi lẽ từ năm 2010 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 58.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại nhưng chỉ xử lý hình sự 7,3% tổng số vụ vi phạm đó. Như vậy hầu hết các vi phạm chỉ xử lý hành chính thông qua lực lượng hải quan, quản lý thị trường.

Đại biểu Quyền cũng nhắc lại, trong buổi thảo luận về kinh tế, xã hội các đại biểu Quốc hội đã đưa ra con số chênh lệch lên tới hàng chục tỷ USD về kim ngạch xuất nhập khẩu giữa nước ta với các nước, nhất là với Trung Quốc. Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại về kinh tế ngầm trong buôn lậu, gian lận thương mại, vừa làm thất thu cho nguồn ngân sách nhà nước, vừa phá hoại nền sản xuất trong nước, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

“Do đó, với địa bàn chống buôn lậu, gian lận thương mại rộng lớn trên phạm vi cả nước, việc giao nhiệm vụ điều tra theo tố tụng cho Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về buôn lậu là cần thiết, bảo đảm điều tra theo hướng chuyên sâu, nhưng điều quan trọng hơn làm rõ được cơ chế quy trách nhiệm của các đơn vị chuyên trách trong vấn đề này” - đại biểu nhấn mạnh.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội bổ sung: “Việc tổ chức lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu không phải tăng thêm đầu mối mà chúng ta tổ chức theo hệ thống đảm bảo tính chuyên môn hóa cao cũng như chuyên nghiệp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm”.

Thiếu tướng Chung lấy dẫn chứng, phát hiện tình hình tội phạm ma túy nghiêm trọng thì tại Quốc hội khóa X năm 1997 đã bổ sung một loạt các điều luật về ma túy và tổ chức các lực lượng CSĐT phòng, chống tội phạm về ma túy. Hơn nữa, tình hình chống tội phạm buôn lậu hiện nay xuyên quốc gia và có tính đặc thù là phải qua biên giới, do vậy, cần phải tổ chức một lực lượng chuyên nghiệp mới có thể đấu tranh có hiệu quả, ngăn chặn được chống gian lận thương mại, trốn thuế và giúp bảo hộ hàng trong nước…

Đồng ý đưa Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu vào hệ thống tổ chức cơ quan Cảnh sát điều tra trong CAND như quy định tại các khoản 1, Khoản 2, Điều 18 dự thảo Luật Tổ chức CQĐT hình sự, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) nhận xét: “Nhìn chung số lượng các vụ buôn lậu xử lý hình sự chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu xử lý hành chính, do vậy không có tính răn đe cao”.

Đại biểu thảo luận tại hội trường ngày 19/6.

Nhất trí việc xây dựng cơ quan chuyên trách đủ mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh và có hiệu quả các loại tội phạm này nhằm góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trong nước, bảo vệ sức khỏe và lợi ích của người tiêu dung là một yêu cầu khách quan, đại biểu Huyền đề nghị tới đây cần thành lập Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu ở các tỉnh, thành phố trọng điểm, phức tạp về buôn lậu hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm này.

Bổ sung thêm kiểm ngư, thuế gây phức tạp

Về vấn đề mở rộng quyền điều tra ban đầu đối với một số cơ quan nhà nước như thuế, uỷ ban chứng khoán, kiểm ngư, đa số đại biểu tại hội trường không đồng tình.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung khẳng định quan điểm cá nhân là không nên mở rộng bổ sung quy định được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan này. Đồng thời đưa ra hàng loạt lý do để bảo vệ quan điểm của mình, chẳng hạn như theo định hướng cải cách tư pháp của Bộ Chính trị thì cần phải dần thu gọn CQĐT, chứ không phải mở rộng. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 92 của Bộ Chính trị thì từ nay đến năm 2020 giữ nguyên hệ thống tổ chức CQĐT.

Và thực tế hiện nay, trong quá trình điều tra, khi có yêu cầu điều tra liên quan đến lĩnh vực trốn thuế hay lĩnh vực chứng khoán, các CQĐT đều có quyền ra quyết định trưng cầu chuyên gia về lĩnh vực này. “Lâu nay, việc phát hiện các tội danh liên quan đến lĩnh vực chứng khoán phần lớn là do nội bộ hoặc bằng biện pháp nghiệp vụ” - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cùng chung quan điểm bởi ông lo ngại việc thực hiện công tác điều tra, thực thi pháp luật có đảm bảo chuyên sâu hay không. Bên cạnh đó, các cơ quan này không có đội ngũ điều tra viên chuyên nghiệp nên kỹ năng làm hồ sơ kém, không có nghiệp vụ điều tra chuyên môn, khi chuyển hồ sơ đến cơ quan cảnh sát điều tra rất nhiều khả năng sẽ phải củng cố lại từ đầu.

Ông cũng đặt vấn đề, nếu bổ sung 3 cơ quan này thì còn nhiều cơ quan khác nữ thì sao, ví dụ như lĩnh vực tài nguyên môi trường, an ninh mạng và một số lĩnh vực khác hiện nay cũng có nhiều tội phạm liên quan.

Chỉ giao Công an xã hỗ trợ một số hoạt động điều tra

Về việc tăng thẩm quyền cho lực lượng Công an xã, đại biểu Lù A Lừu (Lào Cai) lập luận: “Về lý luận cũng như thực tiễn cho thấy, Khoản 6, Điều 9 của Pháp lệnh Công an xã năm 2008 thì chúng ta đã giao nhiệm vụ, quyền hạn cho Công an xã thực hiện một số nhiệm vụ như tiếp nhận, phân loại, bảo vệ hiện trường ban đầu, bắt quả tang, lấy lời khai ban đầu, thu giữ, bảo quản vật chứng...”.

Điều này chứng minh thực tiễn Công an xã đã tham gia một phần vào công tác của hoạt động điều tra và thực tế họ cũng đang và đã làm. Bên cạnh đó, có những địa bàn xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, cách trung tâm huyện rất xa, giao thông đi lại khó khăn, nếu chúng ta không giao cho Công an xã hỗ trợi điều tra ban đầu mà đợi Công an điều tra cấp huyện đến nơi xảy ra vụ án thì dễ dẫn đến chứng cứ đã mất hoặc không được như nguyên trạng.

Vũ Hân - Quỳnh Vinh
.
.
.