Bộ Công an tổ chức thi tìm hiểu Luật cư trú

Thứ Năm, 20/09/2007, 08:59
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lê Hồng Anh vừa ký quyết định thành lập Ban tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Cư trú.

Theo đó, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an làm Trưởng ban; các đồng chí đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Cục Công tác chính trị Bộ Công an; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam, tham gia Ban Tổ chức.

Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ Công an, Trưởng ban Tổ chức đã ký thông báo về thể lệ cuộc thi tìm hiểu Luật Cư trú.

Đối tượng dự thi bao gồm tất cả công dân Việt Nam.

Về bài dự thi, phải trả lời đủ 10 câu hỏi theo thứ tự (kèm theo), thể hiện trên giấy khổ A4, đánh số trang, đóng thành tập gửi đúng thời gian quy định; phía trên bài phải ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, dân tộc, địa chỉ, đơn vị công tác.

Nơi nhận bài dự thi là Ban Tổ chức thuộc các Bộ hay tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phong bì ghi rõ: Bài dự thi tìm hiểu Luật Cư trú.

Thời gian tổ chức tính từ 15/9/2007, kết thúc ở cấp Bộ, tỉnh, thành phố vào ngày 30/12/2007, kết thúc ở cấp Trung ương vào ngày 15/1/2008.

Việc tổ chức nhận và chấm thi thực hiện theo 2 vòng. Vòng 1 là đợt thi của cấp Bộ, tỉnh, thành phố, chậm nhất là ngày 30/12/2007 phải công bố kết quả dự thi. Mỗi địa phương chọn 20 bài, mỗi Bộ, ngành Trung ương chọn 10 bài có kết quả tốt nhất gửi về Ban Tổ chức cấp Trung ương (qua Vụ Pháp chế Bộ Công an, 44 Yết Kiêu, Hà Nội).

Vòng 2, Ban Tổ chức cấp Trung ương sẽ chấm và trao thưởng vào dịp cuối tháng 1/2008. Về giải thưởng, Ban Tổ chức sẽ trao 38 giải cho cá nhân và 18 giải cho các tập thể kèm theo bằng khen của Bộ Công an.

 

Câu hỏi thi tìm hiểu Luật Cư trú

1. Luật Cư trú được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày, tháng, năm nào? Chủ tịch Nước ký lệnh công bố ngày, tháng năm nào? Luật Cư trú có hiệu lực kể từ ngày, tháng, năm nào; có bao nhiêu chương, bao nhiêu điều?

2. Điều nào trong Hiến pháp năm 1992 quy định quyền tự do cư trú của công dân và được cụ thể hóa như thế nào trong Luật Cư trú? Luật Cư trú có những quy định nào để bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú?

3. Luật Cư trú quy định có bao nhiêu nhóm hành vi bị nghiêm cấm? Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gì trong việc chống lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân?

4. Những điều nào trong Luật Cư trú quy định quyền, trách nhiệm của công dân về cư trú; nơi cư trú của công dân; nơi cư trú của người chưa thành niên; nơi cư trú của người được giám hộ; nơi cư trú của vợ, chồng; cư trú của người làm nghề lưu động?

5. Luật Cư trú quy định như thế nào về đăng ký thường trú; điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh; điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; vì sao lại có sự khác nhau về điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh với điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương? So với quy định của pháp luật trước đây thì Luật Cư trú có những điểm gì mới về đăng ký thường trú?

6. Luật Cư trú quy định như thế nào về thủ tục đăng ký thường trú? Xóa đăng ký thường trú?

7. Luật Cư trú quy định như thế nào về đối tượng cấp sổ hộ khẩu và giá trị pháp lý của sổ hộ khẩu; tách sổ hộ khẩu; giấy chuyển hộ khẩu; điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu?

8. Luật Cư trú quy định như thế nào về trường hợp phải đăng ký tạm trú, thủ tục đăng ký tạm trú, thẩm quyền đăng ký tạm trú, đối tượng được cấp sổ tạm trú, giá trị pháp lý của sổ tạm trú, xóa tên trong sổ tạm trú? So với quy định của pháp luật trước đây thì Luật Cư trú có những quy định nào là mới về đăng ký tạm trú?

9. Luật Cư trú quy định như thế nào về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng? So với quy định của pháp luật trước đây thì Luật Cư trú có những điểm gì mới về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng?

10. Để thực hiện quyền tự do cư trú của mình, mỗi công dân cần phải làm tốt những việc gì?

PV
.
.
.