Bộ Công an thống nhất quản lý về thi hành án hình sự

Chủ Nhật, 08/11/2009, 08:34
Dự án Luật Thi hành án hình sự (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo) được trình Quốc hội tại phiên họp chiều 7/11. Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đọc tờ trình trước Quốc hội về dự án luật này.

Thi hành án hình sự và thi hành án dân sự trước đây gộp chung trong dự án Bộ luật Thi hành án, giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, xem xét, Quốc hội không đồng ý phương án này và giao Chính phủ soạn lại theo hướng tách thành hai dự án độc lập: Thi hành án hình sự và Thi hành án dân sự.

Dự án lần này quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự, Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự.

Xác định rõ trách nhiệm các cấp trong thi hành án hình sự

Dự luật quy định Bộ Công an có nhiệm vụ: Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thi hành án hình sự và bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động này. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án hình sự; đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về thi hành án hình sự trái với quy định của luật; ban hành các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm; sơ kết, tổng kết, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về thi hành án hình sự. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm thực hiện quản lý thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân.

Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thi hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân, trục xuất và tham gia thi hành án tử hình; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thi hành án hình sự theo quy định.

Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định hình sự của toà án quân sự, trừ hình phạt trục xuất. Bộ Y tế tổ chức thi hành quyết định về bắt buộc chữa bệnh.

UBND các cấp tổ chức thi hành án phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề và làm công việc nhất định, biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Bộ trưởng Lê Hồng Anh đọc tờ trình trước Quốc hội.

Nghiêm cấm việc cản trở người phải chấp hành án

Dự luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự.

Nghiêm cấm phá trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng.

Nghiên cứu tổ chức vượt trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, đánh tháo người bị giam giữ, người bị áp giải thi hành án; trốn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng.

Nghiêm cấm việc không chấp hành quyết định thi hành án; trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm thi hành án hình sự; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người có trách nhiệm thi hành án hình sự.

Nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị miễn, giảm thời hạn chấp hành án cho người không đủ điều kiện được miễn, giảm; không đề nghị miễn, giảm thời hạn chấp hành án cho người đủ điều kiện được miễn giảm; cản trở người phải chấp hành án thực hiện quyền được đề nghị miễn, giảm thời hạn chấp hành án...

Giám thị trại giam phải có trình độ đại học trở lên

Dự luật quy định rõ các chức danh công tác tại trại giam bao gồm giám thị, phó giám thị; trưởng phân trại, phó trưởng phân trại; đội trưởng, phó đội trưởng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ vũ trang bảo vệ và công nhân, viên chức.

Giám thị, phó giám thị, trưởng phân trại, phó trưởng phân trại, đội trưởng phải là người đã tốt nghiệp Đại học Cảnh sát, Đại học An ninh, Đại học Luật trở lên hoặc có trình độ tương đương.

Phó trưởng phân trại, phó đội trưởng, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, và sĩ quan vũ trang bảo vệ phải là người đã tốt nghiệp Trung học Cảnh sát, Trung học An ninh trở lên hoặc có trình độ tương đương.

Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật phải là người có trình độ trung học trở lên về lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhận.

Hạ sĩ quan, chiến sĩ vũ trang bảo vệ phải là những người đã được huấn luyện về nghiệp vụ bảo vệ trại giam.

Công nhân, viên chức phải là người được đào tạo, nắm vững kiến thức về lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhận.

Giám thị trại tạm giam chịu trách nhiệm quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân, người bị kết án tử hình ở trại tạm giam theo quy định. Giám thị trại giam có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án phạt tù, xét đặc xá, miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của phạm nhân theo quy định của pháp luật tại trại giam do mình phụ trách.

Sự phối hợp giữa trại giam và gia đình

Dự luật cũng có những quy định thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam với gia đình phạm nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục cải tạo phạm nhân. Theo đó, định kỳ sáu tháng trại giam phải thông báo tình hình chấp hành án của phạm nhân cho gia đình phạm nhân.

Trại sẽ cùng gia đình phạm nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cho phạm nhân; động viên họ yên tâm chấp hành án, tích cực học tập, lao động, rèn luyện để được khoan hồng.

Trại phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy nghề, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phạm nhân hòa nhập cộng đồng sau khi thụ án tù xong

Đăng Bá
.
.
.