Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng lần II-2014:

Bình đẳng, đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư, 15/10/2014, 19:39
Đó là chủ đề của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Sóc Trăng lần thứ II-2014, tổ chức ngày 15/10 tại Trung tâm Văn hoá hội nghị tỉnh. Tham dự Đại hội có các đồng chí Ksor Phước, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban dân tộc. Về phía tỉnh Sóc Trăng có đống chí Võ Minh Chiến, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng; lãnh đạo UBND tỉnh; các ban ngành, đoàn thể tỉnh, cùng với 256 đại biểu đại diện cho hơn 465.000 đồng bào DTTS tỉnh Sóc Trăng.

Tại Đại hội, ông Lý Bình Cang, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng đã báo cáo tình hình công tác dân tộc trong nhiệm kỳ qua. Theo đó, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 1,3 triệu người, trong đó người DTTS chiếm trên 35%, chủ yếu là dân tộc Khmer, Hoa. Sóc Trăng cũng là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống nhiều nhất khu vực ĐBSCL. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm và chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân tộc và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và hành động vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Các đại biểu tham dự Đại hội.

Những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và vùng đặc biệt khó khăn. Hàng năm đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các tổ chức, cá nhân để triển khai đầu tư vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn phát triển ngang tầm với vùng thành thị. Ngoài triển khai thực hiện các chính sách đầu tư, tỉnh còn quan tâm phát triển nguồn nhân lực là đồng bào DTTS tăng về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng; tỷ lệ cán bộ, công chức DTTS đạt chuẩn ngày càng nhiều, tỷ lệ lao động là đồng bào DTTS qua đào tạo ngày càng tăng, so năm 2009 tăng khoảng 15%; cơ cấu lao động, ngành nghề, việc làm có chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp; trình độ dân trí của đồng bào DTTS được nâng lên, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng gắn hoa và tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các đại biểu DTTS xuất sắc.

Qua 5 năm (2009-2014), tỉnh đã triển khai xây dựng được 682 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường, trạm; đào tạo nghề cho 1.108 lượt thanh niên dân tộc, tập huấn khuyến nông, khuyến ngư cho 18.152 lượt người dân; hỗ trợ xây dựng 5.733 căn nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ; giải quyết đất ở cho 1.553 hộ, đất sản xuất cho 1.433 hộ, hỗ trợ 14.199 hộ dân tộc thiểu số nghèo chuyển đổi ngành nghề… với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng và triển khai Đề án kéo điện cho 20.000 hộ, chủ yếu là hộ Khmer nghèo, với kinh phí trên 305 tỷ đồng; xây dựng 92 lò hỏa táng cải tiến cho các chùa Khmer và một số Sa-la-ten trong tỉnh, trị giá gần 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai thực hiện tốt việc cho vay vốn phát triển sản xuất và các chính sách an sinh xã hội khác với số tiền hàng ngàn tỷ đồng. Nhờ sự tập trung đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng và nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS, cuộc sống của đồng bào không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS nghèo giảm hằng năm trên 3%; các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã và phần lớn đất nông nghiệp có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đánh giá cao những thành thành tựu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đạt được trong nhiệm kỳ qua. Các chỉ tiêu đề ra đều đạt và đạt cao, góp phần nâng cao đời sống, tình đoàn kết trong nhân dân, nhất là trong các vùng DTTS. Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ sở hạ tầng trong tỉnh chỉ mới đáp ứng được nhu cầu sử dụng tối thiểu, tỷ lệ thất học trong con em đồng bào dân tộc còn cao. Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới tỉnh cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh; xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới phải dựa vào chính ý thức tự lực, tự cường của người dân; phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc; thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, gắn sản xuất nông nghiệp với nền kinh tế thị trường…

Văn Đức
.
.
.