Bế mạc kỳ họp HĐND TP Hà Nội: Nhiều vấn đề nóng còn để ngỏ

Thứ Sáu, 07/12/2007, 10:08

Nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội vẫn chưa hài lòng với biện pháp giải quyết của UBND TP Hà Nội bởi lãnh đạo ban, ngành vẫn chưa đưa ra được mốc thời gian cụ thể để giải quyết dứt điểm các bức xúc mà cử tri kiến nghị.

Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, các đại biểu HĐND TP Hà Nội tham dự kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XIII đã nhất trí thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, ấn định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 12,5-13%. Nhiều vấn đề xã hội đang "nóng" như ùn tắc giao thông, quản lý nguồn vốn, sử dụng đất, quy hoạch treo, giá đất, quản lý hè đường… đã được các đại biểu phân tích kỹ lưỡng để tìm ra giải pháp.

Quy hoạch "treo" 17, 18 năm

Ngày họp cuối cùng tại phiên chất vấn, chưa kỳ họp nào các đại biểu lại phải đặt nhiều câu hỏi tái chất vấn như phiên chất vấn sáng 6/12. Nhiều câu hỏi thậm chí đã được nêu trong 3 kỳ họp liên tiếp nhưng vẫn chưa được giải quyết. Bức xúc nhất vẫn là các vấn đề quản lý sử dụng đất, quản lý hè đường và ùn tắc giao thông.

Theo báo cáo giải trình của UBND TP, từ năm 1996 đến nay, Hà Nội đã giao đất, cho thuê đất phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội hơn 11 ngàn hécta đất. Nhưng hiện trên địa bàn thành phố có 79 dự án đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện đầu tư với tổng diện tích là 1.218,79ha đất, nhưng triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm.

Trong đó có một số dự án tiến độ triển khai GPMB kéo dài như Dự án Công viên Đống Đa, Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (CIPUTRA), Dự án đường vành đai III...

Trong số 54 dự án đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư, với tổng diện tích là 329,56ha đất, tuy đã hoàn thành công tác GPMB, nhưng chưa đưa đất vào sử dụng hoặc chậm so với tiến độ.

Nhiều đại biểu chưa hài lòng khi được nghe ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP giải thích, nguyên nhân khiến nhiều dự án bị "đắp chiếu" là do các dự án lớn thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư qua hai thời điểm trước và sau ngày Luật Đất đai đã gặp rất nhiều khó khăn do giá bồi thường, hỗ trợ thay đổi, người dân khiếu nại…

Có một số trường hợp sử dụng đất ngoài đê không làm thủ tục xây dựng công trình được do chưa đủ điều kiện theo quy định của Pháp lệnh Đê điều năm 2001 và Luật Đê điều có hiệu lực từ ngày 1/7/2007 như dự án xây dựng trụ sở của Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ; Dự án xây dựng nhà ở kết hợp dịch vụ của Công ty Xây lắp và Vật tư xây dựng số 5 tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.

Theo ông Khanh, trung bình mỗi năm có khoảng trên 300 dự án cần GPMB với diện tích tới gần 1.000ha đất. Điều kiện để thực hiện chưa đáp ứng đầy đủ, thủ tục giải ngân cho đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư còn nhiều vướng mắc, quỹ nhà đất tái định cư chưa được chuẩn bị đầy đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, vấn đề giải quyết việc làm và tổ chức cuộc sống cho hàng ngàn hộ phải tái định cư tại nơi ở mới là những vấn đề xã hội lớn. Nhưng, nguyên nhân chính vẫn là từ phía các nhà đầu tư, chưa có kinh nghiệm, lúng túng trong việc phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác GPMB.

Nhiều đại biểu bức xúc, có những dự án treo, quy hoạch treo đã 17, 18 năm như đường Ngô Gia Tự giáp ranh giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm nhưng hiện nay phần đất để mở rộng đường vẫn bị bỏ hoang hóa.

Có dự án treo chỉ vì một ngôi nhà như trường hợp ở đường Bưởi, dự án mở rộng làn đường ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Dịch Vọng đến đường Hoàng Quốc Việt không hiểu sao bị bỏ hoang nhiều năm nay, hay hai dự án của Công ty Chất đốt Hà Nội, Công viên Đống Đa...

Trả lời câu hỏi này, ông Khanh cho biết: "Thành phố sẽ kiên quyết không để các chủ đầu tư chây ỳ, tiêu cực trong việc chậm triển khai dự án, để lãng phí đất đai ở Hà Nội".

Vỉa hè là của ai?

Đại biểu Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội nêu ý kiến, UBND TP đã thực hiện Nghị quyết số 227 phân cấp vỉa hè và sau 1 năm thực hiện, nhiều ý kiến cho rằng quyết định này sai lầm.

"Trước đây, nhiều vỉa hè được quản lý theo tiêu chuẩn tuyến phố văn minh thương mại và văn minh đô thị, nhưng sau khi thực hiện Quyết định 227, toàn bộ vỉa hè được cho thuê kinh doanh, các phường tổ chức trông giữ xe đạp, xe máy… Đây chính là nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông". Nhiều đại biểu cũng đồng tình với cách đặt vấn đề của đại biểu Nguyễn Đức Nhanh.

Ông Nguyễn Văn Khôi cho rằng, thành phố cũng đã nhận thấy có sai lầm trong việc ban hành Quyết định 227. Hiện, UBND TP đã chỉ đạo ngành Giao thông công chính và Công an dự thảo xong những điểm sửa đổi trong quyết định này và trong quý I tới sẽ ban hành điều chỉnh này

Ngọc Yến
.
.
.