Báo chí đi đầu trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng

Thứ Bảy, 29/11/2008, 10:53
"Trong hầu hết các vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn hành vi tham nhũng có tinh vi, phức tạp đến đâu, cũng khó qua được tai mắt của nhân dân, trong đó có báo chí. Báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng", Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn nhận xét.

Cuộc đối thoại diễn ra ngày hôm qua, 28/11, trước thềm Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam lần thứ 4 khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN).

Các tổ chức quốc tế, đại diện các đại sứ quán có mặt tại cuộc đối thoại đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và đề nghị tạo điều kiện hơn nữa cho báo chí tham gia đấu tranh PCTN hiệu quả.

Báo chí luôn đi đầu…

Theo Chánh Văn phòng BCĐ TW về PCTN Vũ Tiến Chiến, thời gian qua, công tác PCTN của Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp, ngành; đồng thời thể hiện quyết tâm, khả năng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCTN.

Chính phủ Việt Nam xác định PCTN là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó báo chí có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng. Nghị quyết TW 3 của Đảng và Luật Phòng, chống tham nhũng cũng khẳng định và kỳ vọng vào sự đóng góp của báo chí trong việc này.

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết, cả nước hiện có hơn 700 cơ quan báo chí với 15.000 nhà báo đã được cấp thẻ nhà báo, trong đó có hàng ngàn nhà báo chuyên viết về điều tra PCTN.

Theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực luôn được báo chí bám sát đưa tin, cập nhật hàng ngày, thậm chí hàng giờ về các vụ án được dư luận quan tâm, đáp ứng thông tin cho người dân, góp phần xây dựng ý thức PCTN trong nhân dân.

"Trong hầu hết các vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn hành vi tham nhũng có tinh vi, phức tạp đến đâu, cũng khó qua được tai mắt của nhân dân, trong đó có báo chí. Báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng", Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhận xét.

Quyết tâm chống tham nhũng chưa bao giờ "chùng"

Tại cuộc đối thoại, đại diện WB, UN và đại diện ĐSQ một số nước đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác PCTN thời gian qua và nêu ý kiến về một số vấn đề như tính hiệu quả của Ban chỉ đạo PCTN ở địa phương, liệu có việc "vừa đá bóng vừa thổi còi"?; quyết tâm chống tham nhũng thời gian qua ở Việt Nam liệu có "chùng" xuống không?…

Về những vấn đề này, Chánh Văn phòng BCĐ TW về PCTN Vũ Tiến Chiến cho biết, qua kiểm tra thấy dù mới thành lập nhưng các BCĐ về PCTN các địa phương đều làm tương đối tốt nhiệm vụ, thực hiện đúng chức năng chủ yếu là chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc xử lý các vụ án trên địa bàn, nhưng không làm thay, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan chức năng. Việc xử lý tham nhũng cũng theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng pháp luật, có tội đến đâu xử lý đến đó.

Cũng theo ông Vũ Tiến Chiến, quyết tâm chống tham nhũng ở Việt Nam chưa bao giờ "chùng" xuống mà hiện nay đang dần đi vào chiều sâu. Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng khẳng định việc ai đó cho rằng việc PCTN đang "chùng" xuống chính là ngộ nhận do có một số vụ án xử đi xử lại chưa xong, công tác này thực tế vẫn rất quyết liệt, hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra vẫn đang được tiến hành rất ráo riết, nghiêm túc. Hiện Việt Nam đang xây dựng Chiến lược về PCTN và chuẩn bị phê chuẩn Công ước LHQ về PCTN.

Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền không đồng tình với ý kiến cho rằng ở một số nơi lãnh đạo không muốn nghe những lời trái chiều và khẳng định trong hệ thống chính trị Việt Nam, từ trong đảng, từ cơ sở đến cấp cao nhất cũng phải tự phê bình. Không ai được phép trù dập cấp dưới vì phê bình mình. Trong các giải pháp liên quan đến phòng ngừa tham nhũng, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng vai trò của xã hội, trong đó có báo chí.

Tại cuộc đối thoại, các tổ chức quốc tế đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện hơn nữa cho cơ quan báo chí có đủ công cụ tác nghiệp để thực hiện tốt vai trò của mình. Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết, đó cũng là một trong những mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí và đạo luật này dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào năm 2009.

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng khẳng định: các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam đều có các quy định tạo thuận lợi cho báo chí hoạt động, tham gia hiệu quả vào việc PCTN; không có văn bản, quy định nào hạn chế, cản trở thực thi việc báo chí đấu tranh PCTN. Tuy nhiên, việc phát huy được quyền này đến đâu thì còn phụ thuộc năng lực, trình độ của nhà báo trong quá trình tác nghiệp.

Tại cuộc đối thoại, đại diện ĐSQ Nhật Bản cho biết, hiện đang có một dự án của Nhật Bản liên quan đến dấu hiệu tham nhũng ở Việt Nam. Sự việc đang được Chính phủ hai nước xem xét làm rõ với thái độ nghiêm túc. Hai bên đã đồng ý lập một Ủy ban Hỗn hợp về PCTN liên quan đến các dự án ODA. Mục đích của Ủy ban này là làm sao ra được các biện pháp cụ thể, rõ ràng để không để xảy ra tham nhũng liên quan đến các chương trình, dự án ODA của phía Nhật Bản dành cho Việt Nam.

Đ.B.T.
.
.
.