Ban soạn thảo dự án Luật Phòng, chống khủng bố họp lần thứ nhất

Thứ Năm, 17/11/2011, 08:32
Chiều 16/11, Ban soạn thảo dự án Luật Phòng, chống khủng bố đã tổ chức cuộc họp lần thứ nhất. Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan xây dựng dự án Luật Phòng, chống khủng bố. Trung tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban soạn thảo Luật Phòng, chống khủng bố chủ trì cuộc họp.

Tham dự có các đồng chí là lãnh đạo và đại diện các Bộ, ngành: Quốc phòng, Tư pháp, Ngoại giao, Nội vụ, Tài chính, Giao thông Vận tải, Thông tin Truyền thông, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cùng dự còn có các đồng chí lãnh đạo các Tổng cục, vụ, cục, Bộ Tư lệnh thuộc Bộ Công an. Cuộc họp đã thông báo quyết định về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật Phòng, chống khủng bố.

Theo quyết định, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an là Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Phòng, chống khủng bố. Trung tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an là Phó trưởng ban. Các đồng chí lãnh đạo một số Bộ, ngành là thành viên Ban soạn thảo dự án.

Trung tướng Tô Lâm, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Phòng, chống khủng bố và các thành viên Ban soạn thảo dự án. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Theo dự thảo, dự án Luật Phòng, chống khủng bố quy định về phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh khủng bố, biện pháp, lực lượng, quan hệ phối hợp, quản lý Nhà nước, hợp tác quốc tế, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố. Dự thảo Luật gồm 6 chương, 45 điều với những nội dung cơ bản như: Phòng ngừa khủng bố; chống khủng bố; hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố...

Cuộc họp đã thông qua một số nội dung cần khẩn trương thực hiện như: Tổng kết 10 năm thực hiện công tác phòng, chống khủng bố (từ 2001 đến 2011); khảo sát thực tiễn công tác phòng, chống khủng bố ở một số ngành, địa phương; rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống khủng bố đang có hiệu lực thi hành; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về phòng, chống khủng bố; phòng chống tội phạm; thẩm định dự án Luật.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các thành viên, Thứ trưởng Tô Lâm kết luận: Mục đích của việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống khủng bố. Hoàn thiện một bước cơ sở pháp lý về nguyên tắc, biện pháp, tổ chức lực lượng đấu tranh phòng, chống khủng bố. Bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý có hiệu quả với các tổ chức khủng bố và hoạt động khủng bố để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và xây dựng đất nước trong tình hình hiện nay. Theo dự kiến, dự thảo dự án Luật Phòng, chống khủng bố có thể hoàn thành vào tháng 6/2012 để trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Theo dự thảo, Luật Phòng, chống khủng bố được xây dựng trên cơ sở:

1- Quán triệt và thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, đấu tranh với các âm mưu, hoạt động phản cách mạng, khủng bố, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

2- Tuân thủ các quy định của Hiến pháp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước, bảo đảm tính khả thi và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

3- Nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố và phòng, chống tội phạm mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; tham khảo có chọn lọc pháp luật phòng, chống khủng bố; phòng chống tội phạm của một số nước phù hợp với điều kiện, thực tiễn Việt Nam, đảm bảo quyền và lợi ích của Việt Nam.

4- Phù hợp với thực tiễn Việt Nam trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động phòng, chống khủng bố của Nhà nước trong thời gian qua.

Nguyễn Hưng
.
.
.