Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014

Thứ Năm, 16/01/2014, 13:57
Chiều ngày 15/1, tại TP Cần Thơ, Ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ công tác năm 2013 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2014. Đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị. Tham dự còn có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Quân Khu 9; lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy vùng Tây Nam Bộ.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ cho biết, trong năm 2013, nhờ chủ động triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, KT-XH của các tỉnh, thành ĐBSCL có bước chuyển biến tích cực; hầu hết các ngành, lĩnh vực đều duy trì tốc độ tăng so cùng kỳ. Lãi suất huy động của ngân hàng giảm, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; lạm phát được kiềm chế, giá cả thị trường được quản lý, kiểm soát tốt, không xảy ra những đợt tăng giá bất ngờ. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện có kết quả, chính sách người nghèo, chính sách dân tộc-tôn giáo được quan tâm. An ninh chính trị, TTATXH được đảm bảo; AN-QP được củng cố, tăng cường; các vụ việc phức tạp, đột xuất được chủ động giải quyết có hiệu quả, không để xảy ra các tình huống bất ngờ, khó kiểm soát…

Đồng chí Vũ Văn Ninh - Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Tây Nam Bộ, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vùng ĐBSCL vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một số chỉ tiêu KT-XH chưa đạt được so với kế hoạch. Sản xuất các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, cá tra, tôm, cây ăn trái… thiếu tính bền vững, sức cạnh tranh chưa cao, còn nhiều rủi ro. Sự liên kết giữa các địa phương chưa thật sự chặt chẽ và đi vào chiều sâu. Chính sách hỗ trợ kêu gọi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài còn thấp, quy mô nhỏ. Tình trạng sạt lở ven sông, ven biển, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp. Một số công trình dân sinh triển khai chưa đạt kết hoạch như chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2. Công tác giải quyết khiếu nại còn nhiều khó khăn, nhiều vụ khiếu nại vượt cấp kéo dài chưa giải quyết dứt điểm…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành trong vùng Tây Nam Bộ, thành viên Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Thường trực Ban chỉ đạo đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2013.

Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả tăng trưởng kinh tế của toàn vùng đạt gần 9,1%, đây là chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn so bình quân chung của cả nước. Mức thu nhập bình quân đầu người của toàn vùng trong năm 2013 tăng hơn 2,3 triệu đồng so với năm 2012; công tác an sinh xã hội đạt được những kết quả tích cực; an ninh chính trị và TTATXH được giữ vững… 

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng chỉ ra một số khó khăn hạn chế trong phát triển KT-XH của vùng Tây Nam Bộ, như: năm 2013 sản xuất kinh tế vùng Tây Nam Bộ tuy có tăng trưởng tốt, nhưng vẫn chưa phát triển bền vững. Một số cơ chế chính sách cho các sản phẩm trọng điểm quốc gia nghiên cứu vẫn còn chậm, chưa phù hợp với thực tiễn nên hiệu quả chưa cao. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm. Việc phối hợp với các Bộ, ngành, giữa Bộ, ngành với địa phương vẫn còn chậm, chính vì vậy nên chưa phát huy tốt tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế xã hội của vùng; cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; chính sách kêu gọi nhà đầu tư vào ĐBSCL còn rất yếu; AN-QP tiềm ẩn một số nguy cơ gây bất ổn…

Về nhiệm vụ công tác trong năm 2014, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương vùng Tây Nam Bộ cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Qua đó tạo động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá; kiểm tra, kiểm soát giá cả trên địa bàn, đảm bảo cung cầu hàng hóa, quản lý chặt chẽ, chống đầu cơ, tăng giá… Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, quy hoạch lại sản xuất một cách hợp lý; xây dựng sản phẩm chủ lực của từng địa phương; đẩy mạnh việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý; ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp….

Văn Đức
.
.
.