Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông:

BOT có rủi ro lớn nhất trong các loại tham nhũng

Thứ Tư, 23/08/2017, 21:59
“Tại sao không thể công khai được chi phí xây hết bao nhiêu? Tại sao không thể công khai được lưu lượng xe đi trên tuyến đó? Chừng nào còn tù mù xã hội và doanh nghiệp còn ý kiến” – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông nêu quan điểm về lùm xùm quanh các dự án BOT hiện nay.

Bên lề Tọa đàm “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” sáng 23-8, ông Đặng Huy Đông đã có những chia sẻ thẳng thắn về BOT, một loại phí cũng làm doanh nghiệp thêm nặng gánh. 

Theo ông Đông: Không thể nói chung chung một câu “hài hòa lợi ích giữa các bên” được. Đấy là nguyên lý chung chung, nhưng điều quan trọng hơn là phải tường minh về chi phí, về lưu lượng xe qua tuyến, vì những điều này sẽ quyết định mức phí. Nếu không tường minh, người dân và doanh nghiệp sẽ còn phản ứng.

Ông Đông bày tỏ: “Bộ Kế hoạch & Đầu tư là cơ quan đưa ra chính sách về đối tác công - tư (PPP) và bây giờ họ vẫn lobby để bỏ đấu thầu, họ bảo mất thời gian, bây giờ cứ chỉ ông này chỉ ông kia là xong, là có đường. Hậu quả bây giờ là như thế. Họ hay dùng từ hài hòa, nhưng hài hòa phải trong sự tường minh. Muốn hài hòa tại sao không tường minh? Tôi không hiểu tại sao có cái đếm lưu lượng thôi, mà cứ nêu ra rồi để đấy. (Thậm chí), cổ đông của dự án đặt camera đếm lưu lượng để đảm bảo quyền lợi mà cũng bị cấm, bị tịch thu? Bản thân điều đó đã nói lên sự thiếu tường minh”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông

Về vấn đề thu phí đường tránh - lùm xùm cơ bản của BOT Cai Lậy, bên cạnh mức phí, ông Đông cho biết: “Từ những năm trước, tôi đã nói về đường tránh Tào Xuyên rồi. Tôi đưa cán bộ đi trực tiếp ngồi 3 ngày 3 đêm ở dưới đó. Làm 1 đường nhưng thu 1 đường thì hiệu quả lợi ích là như thế nào? Hồi ấy tôi đã cảnh báo, cần đếm (lưu lượng) cả ngày thường, ngày cuối tuần để tính toán số năm thu phí”. “Bài toán làm PPP thế nào để chuẩn mực, chúng tôi khẳng định Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có ngay từ đầu từ năm 2009. Thực tế chứng minh: Những gì chúng tôi đặt ra mà không làm, giờ đã bộc lộ hậu quả” – ông Đông nhấn mạnh.

“Suốt quá trình làm chính sách về đối tác công - tư (PPP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nói rõ: Nguyên tắc là việc thiết kế đề án phải bỏ ngân sách nhà nước ra làm để chủ động tính toán chi phí, chủ động với con số đầu vào đầu ra, chủ động tính toán về lưu lượng xe vì con số lưu lượng vô cùng quan trọng trong tính toán chi phí. Nếu đưa cho DN hết, chúng ta vào vị trí thụ động. Nhà nước phải bỏ tiền ra nghiên cứu, tính toán các chi phí ấy, thuê các chuyên gia hàng đầu. Nếu dự án lớn, có thể bỏ chi phí ra thuê chuyên gia quốc tế họ làm mẫu cho một hai dự án. Chúng tôi chỉ mong muốn có thế thôi. Riêng về tư vấn dự báo lưu lượng giao thông họ phải thuê 3 đơn vị khác nhau để bảo đảm tính độc lập”. Ông Đông cũng nhấn mạnh, nhà đầu tư ngoài có năng lực, có kinh nghiệm, cần phải có “tiền tươi thóc thật” đặt vào dự án thì mới được làm.

Theo ông Đặng Huy Đông, thu phí đường BOT là một dạng thu thuế và “không thể tù mù được”. “Năm 2009, tôi đã đưa ra cảnh báo: BOT là rủi ro tham nhũng lớn nhất. Nếu làm đúng làm tốt, rất có lợi cho quốc gia, nhiều quốc gia làm thành công; nhưng nếu làm không tốt, không đúng quy trình, nới lỏng một chút thôi, thì rủi ro tham nhũng của BOT là lớn nhất trong các loại tham nhũng” – ông Đông nhấn mạnh. 

Vũ Hân
.
.
.