An ninh, trật tự trên cả nước được đảm bảo

Thứ Năm, 23/10/2008, 22:13
Chiều 23/10, Quốc hội đã nghe các báo cáo về công tác tư pháp. Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an đã đọc báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Theo Bộ trưởng Lê Hồng Anh, thời gian qua, mặc dù tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trong các lĩnh vực còn phức tạp, nhưng nhìn chung tình hình an ninh chính trị trên cả nước được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội vẫn đảm bảo ổn định.

Bộ trưởng Lê Hồng Anh đọc báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Thời gian qua, tình hình tội phạm nói chung, đặc biệt là tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, tội phạm về môi trường diễn ra phức tạp. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, pháp luật để quản lý, chấn chỉnh các lĩnh vực này nên đã nâng cao được hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này.

Lực lượng Cảnh sát môi trường từ khi được thành lập đã phát hiện hơn 700 vụ vi phạm về môi trường, xử phạt hành chính nhiều tỉ đồng, khởi tố hàng chục vụ với hàng chục bị can,... Tuy nhiên, vi phạm về môi trường vẫn diễn ra rất nghiêm trọng, số liệu thống kê sơ bộ cho thấy có tới 70% doanh nghiệp, 90% cơ sở kinh doanh có vi phạm liên quan đến xử lý chất thải.

Nhìn chung, theo Bộ trưởng Lê Hồng Anh, tình hình vi phạm và tội phạm thời gian qua vẫn đáng lo ngại, một phần do công tác phòng ngừa vẫn chưa được làm tốt. Một trong những nguồn dễ phát sinh vi phạm, tội phạm là các đối tượng nghiện ma túy. Thống kê cho thấy, từ đầu năm tới nay, trên cả nước, số người nghiện đã tăng trên 11% so với cùng kỳ năm 2007; 43/63 địa phương có số người nghiện tăng;… Đây là một ví dụ cho thấy công tác phòng ngừa tội phạm vẫn còn có sơ hở.

Bên cạnh đó, việc giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chưa đạt được hiệu quả cao. Tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập đua xe, phóng nhanh vượt ẩu; sự yếu kém về ý thức của người tham gia giao thông,… vẫn còn là những tồn tại chưa có chuyển biến rõ rệt, mặc dù trong lĩnh vực giao thông, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, xử lý, đặc biệt với những lỗi vi phạm trực tiếp gây tai nạn giao thông, xử phạt hơn 900 tỉ đồng, thu hồi hàng nghìn giấy phép lái xe, tạm giữ hàng chục nghìn phương tiện vi phạm.

Phân tích nguyên nhân của thực trạng, Bộ trưởng Lê Hồng Anh cho biết: Nguyên nhân khách quan là do mặt trái của hội nhập, nhiều lĩnh vực quản lý bị buông lỏng, tạo sơ hở cho tội phạm lợi dụng. Bên cạnh đó, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, một bộ phận nhân dân qua quá trình đô thị hóa không còn đất sản xuất; tình trạng đình công, lãn công gia tăng,… khiến tình hình vi phạm, tội phạm có điều kiện phát triển phức tạp.

Nguyên nhân khác là một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới việc phòng chống tội phạm và vi phạm. Vẫn còn nhiều địa phương làm chưa tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc triển khai một số chính sách pháp luật về đất đai, đền bù,... cũng còn chưa tốt, hơn nữa là thái độ chưa tích cực của một bộ phận cán bộ ở cơ sở dẫn đến tình trạng một số nơi mất trật tự, an toàn xã hội.

Bộ trưởng Lê Hồng Anh cũng nêu ra một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong thời gian tới. Trong đó, thời gian qua, Bộ Công an đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phòng chống tội phạm trong nhiều lĩnh vực, tới đây sẽ tiếp tục mở các đợt cao điểm phát động quần chúng tham gia phát hiện, trấn áp tội phạm; sẽ tăng cường hiệu quả của công tác điều tra, xử lý vi phạm, tội phạm, không để xảy ra oan sai hay bỏ lọt tội phạm,…

Bên cạnh đó, phối hợp cùng các ngành, cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, góp phần làm giảm vi phạm và tội phạm, đồng thời tham gia tích cực vào công tác phòng chống tội phạm.

Theo Bộ trưởng Lê Hồng Anh, để công tác này đạt hiệu quả cao, ngoài nỗ lực của lực lượng Công an, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần tập trung đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách về trật tự xã hội, về lĩnh vực tài chính, chứng khoán,…; cải cách nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, đảm bảo sự công khai, minh bạch của bộ máy công quyền, không còn kẽ hở để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Buổi chiều cùng ngày, Viện trưởng Viện NSND tối cao, Chánh án TAND tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng trình bày báo cáo công tác trước Quốc hội

Bá Tuấn - Đăng Trường
.
.
.