40 năm ngày Bác đi xa

Thứ Năm, 22/01/2009, 10:54
Dù Bác có nguyện vọng “hoả táng thi hài” sau khi mất nhưng việc gìn giữ thi hài Bác cho đời đời con cháu mai sau được chiêm ngưỡng lại là nguyện vọng thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân ta. Đó sẽ là phần thưởng vô giá mà Đảng ta dành cho những thế hệ tương lai của đất nước.

Mùa xuân này, vừa tròn 40 năm ngày Bác Hồ - Vị lãnh đạo kính yêu của chúng ta đã đi xa. Đây cũng là mùa xuân mà toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Đây cũng là dịp toàn Đảng, Toàn dân nhìn nhận đánh giá về 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tài sản vô giá mà Người đã để lại trước lúc Người đi xa.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, hiếm có người nào mà tên tuổi và sự nghiệp lại gắn bó với vận mệnh của cả một dân tộc, một đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể tìm thấy hình ảnh Người trong từng hơi thở của mỗi người dân và cũng có thể tìm thấy số phận mỗi người dân trong từng ý nghĩ của Người: “Bác Hồ”, đó là tên gọi trìu mến, thiêng liêng nhất mà cả dân tộc đã dành để gọi vị lãnh tụ kính yêu của mình.

Bác Hồ giản dị và gần gũi. Không có khoảng cách nào giữa người dân bình thường với lãnh tụ lại được rút ngắn đến như vậy. Từ lâu, Bác đã trở thành một lẽ sống không thể thiếu được trong đời sống chính trị và tinh thần của đất nước. Người là một cá nhân, nhưng Người cũng đã trở thành tất cả.

Có biết bao nhiêu anh hùng trước lúc hy sinh đã hô lớn: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Bác Hồ muôn năm!”. Lời hô giản dị và tha thiết trước kẻ thù trên nhiều pháp trường đã vang lên như một lời thề, thể hiện khí phách “tận trung với nước, tận hiếu với dân” của người chiến sĩ cách mạng. Đó cũng là niềm mong mỏi da diết, là lời cầu chúc của người chiến sĩ cách mạng đối với sức khỏe của Bác. Người sắp hy sinh cầu chúc cho Bác mãi mãi mạnh khỏe, sống lâu. Người sống cũng luôn khát khao Bác trường sinh cùng với dân tộc, với đất nước.

Nhưng sức khỏe Bác lại hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của toàn Đảng, toàn dân ta. Còn nhớ, vào giữa những năm 60, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang vào giai đoạn quyết liệt nhất. Sau khi bị thất bại trong cuộc chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ đã đưa nửa triệu quân Mỹ đổ bộ ồ ạt vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ tàn khốc nhất trong lịch sử. Tin tức về những người dân vô tội bị giết hại, những làng mạc trù phú ở miền Nam bị tàn phá đã trở thành nỗi đau nhức nhối thường xuyên của Bác. Cùng với tuổi tác, sức khỏe của Bác cứ mỗi ngày một suy giảm. Đã có một câu chuyện kể rằng, thấy Bác suy giảm sức khỏe vì hút thuốc lá nhiều, các bác sĩ đề nghị Bác không hút thuốc nữa. Bác chấp hành.

Năm 1962, khi phái đoàn đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, trước khi về, thay mặt cho 14 triệu đồng bào miền Nam lúc đó, đoàn chỉ có một yêu cầu với Trung ương Đảng và nhân dân miền Bắc: “Phải cố gắng giữ gìn sức khỏe của Bác cho thật tốt, để đồng bào miền Nam có thể được gặp Người khi nước nhà hoàn toàn thống nhất”.

Tháng 5 năm 1967, sau lễ mừng thọ nhân ngày sinh thứ 77 của Bác, Bộ Chính trị đã tổ chức một cuộc gặp bất thường để bàn về việc bảo vệ sức khỏe của Người và chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác lâu dài sau khi Người. Cuộc họp do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng chủ trì. Hội nghị đã xác định: Vấn đề quan trọng đặt ra lúc này là phải đảm bảo hai yêu cầu:

1. Phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu không, nhân dân sẽ hoang mang lo lắng và Bác sẽ phê bình Bộ Chính trị, không cho phép triển khai thực hiện chủ trương này.

2. Phải chọn một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học gìn giữ thi hài. Nhân sự cụ thể giao cho Ban Tổ chức Trung ương lựa chọn.

Hội nghị cũng nhất trí giao nhiệm vụ đặc biệt này cho Quân ủy Trung ương vì quân đội sẵn có truyền thống nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Mặt khác, Bộ Chính trị cũng chỉ định đồng chí Nguyễn Lương Bằng thay mặt Trung ương Đảng trực tiếp theo dõi và chăm sóc sức khoẻ của Bác.

Vốn là người sống giản dị, Bác luôn luôn lo lắng đến vận mệnh của dân tộc, của đất nước, Bác thường kêu gọi toàn Đảng, toàn dân ta thực hành tiết kiệm. Bởi vậy, quyết định của Bộ Chính trị là hoàn toàn trái với ý nguyện của Bác. Bác chỉ có nguyện vọng: Hoả táng thi hài Bác, lấy tro đựng vào ba chiếc bình đặt trên ba ngọn đồi thấp ở ba miền Bắc, Trung, Nam đề đồng bào cả nước có thể đến với Bác và để Bác mãi mãi được gần gũi với dân, với nước. Bác còn dặn thêm rằng, trên mỗi ngọn đồi phải được trồng thật nhiều cây có bóng mát và làm nhà để nhân dân có thể ngồi nghỉ mỗi khi lên viếng Bác.

Nhưng việc gìn giữ thi hài Bác cho đời đời con cháu mai sau được chiêm ngưỡng lại là nguyện vọng thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân ta. Đó sẽ là phần thưởng vô giá mà Đảng ta dành cho những thế hệ tương lai của đất nước. Để công việc được triển khai sớm, Bộ Chính trị quyết định cử đồng chí Lê Thanh Nghị thay mặt Đảng và Chính phủ ta sang Liên Xô để hội đàm và đề nghị bạn giúp đỡ, từ công tác đào tạo đến việc gìn giữ lâu dài thi hài Bác. Dĩ nhiên, chuyến đi này, đồng chí Lê Thanh Nghị cũng phải giấu không để Bác biết.

Xuất phát từ lòng kính trọng và nhận rõ vị trí lớn lao của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào Cộng sản Quốc tế, Đảng và Chính phủ Liên Xô khẳng định ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam không hoàn lại trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Chuyến đi là một thành công lớn, nhưng cũng bắt đầu từ đó, trong lòng những người biết tường tận về sức khoẻ của Bác, bắt đầu xuất hiện một khoảng trống, một khoảng trống còn mơ hồ nhưng không gì có thể bù đắp. Đó là sự thiếu vắng Bác trong tương lai mà mỗi người dân, mỗi người lính sẽ phải gánh chịu. Không ai muốn tin điều đó, nhưng lại không thể không nghĩ đến nó...

Gần 40 năm, kể từ ngày Bác Hồ đi xa, nhưng với mỗi người dân Việt Nam hình ảnh của Bác, tấm gương đạo đức của Bác, những lời dặn dò của Bác trong bản di chúc trước lúc Người đi về cõi vĩnh hằng vẫn mãi mãi để các thế hệ hôm nay và ngày mai học tập và làm theo

Nguyên Trung
.
.
.