2 con đê vỡ, nhiều kè bị nước tràn qua

Thứ Tư, 03/10/2007, 21:32
Chiều ngày 3/10/2007, tuyến kè biển dài 1,2km của xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị đe dọa nghiêm trọng. Tại biển Thiên Cầm xuất hiện các dợt sóng lớn tràn qua cả con đập, đe dọa đến hàng trăm ngôi nhà của các hộ dân ven biển. Trước khi sóng lớn xuất hiện vào sáng nay, tất cả các hộ dân đã đươc di dời lên các đất cao, các trụ sở, trường học…

Toàn bộ khu vực chợ cá bị nước cuốn trôi hoàn toàn, 34 ki ốt chìm trong nước biển. Thôn Cơ Đa và thôn Lô Ngà bị nước lũ đe dọa

Toàn thể cán bộ xã thường trực 24/24 trên tuyến kè xung yếu này, cùng với lực lượng tăng cường của quân khu 4, công an tỉnh hà tĩnh đắp bờ chắn. Cho đến 2 giờ chiều hôm nay, xã đã huy động 800 rọ sắt, 1400m2 bạt để gia cố chân kè.

Chủ tịch xã Cẩm Nhượng, ông Nguyễn Triều Dâng lo lắng không biết kè có chịu được qua đêm nay không. Trên thực tế việc sóng tràn qua cả chiều cao của kè đã vượt qua dự tính và rất ó thể khi cơn bão quét qua, sóng dâng cao, con đập sẽ khó có thể trụ vững.

Tại xã Cẩm Lộc, sự cố vỡ đê đã xảy ra, hơn 200m đê đã không thể trụ vững trước triều cường. Rất may trước khi con đê vỡ, công tác di dân đã được triển khai kịp thời nên không có thiệt hại về người. Gần ½ diện tích Cẩm Lộc ngập trong dòng nước lũ.

Tại huyện Nghi Xuân, nơi có tuyến đê biển xung yếu nhất, tuyến đê hội thống dài hơn 10km sự cố vỡ đê nghiêm trọng đã diên ra tại khu vực xã Xuân Đan.

Xã đảo Xuân Giang 2 (Nghi Xuân) hiện cũng đang bị cô lập hoàn toàn bởi dòng sông Lam dữ dội. Muốn qua được xã, phải thuê tàu lớn. Nhưng đến thời điểm này, cũng chẳng có chiếc tàu nào dám rời bến.

Đến 12h trưa nay, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Cao Xuân Vị - Trưởng công an xã cho biết, cả xã đang chuẩn bị di dời thì bị cô lập từ sáng sớm đến giờ.

Hiện xóm Hồng Lam có khoảng 60 người gia và 60 trẻ em cần phải di tản khẩn cấp nhưng chỉ mới vấn động được bảy cụ, một số thì nhất quyết không chịu đi. Hiện xã đang cố gắng vận động toàn bộ bà con lên trú ẩn tại trường cấp I của xã. Được biết xóm Hồng Lam có khoảng 850 khẩu, trong đó có khoảng 200 học sinh.

Ông Vị cho biết thêm, công việc vận động bà con di dời đang hết sức gay go, nhưng chúng tôi phải làm quyết liệt và sẽ cho số người già, trẻ em di dân hết trong chiều nay, quyết không để sai sót nào xảy ra.

Ngay từ trưa hôm nay (3/10) cầu Cẩm Lĩnh, chiếc cầu duy nhất nối xã đảo Cẩm Lĩnh với phần còn lại của huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã bị nhấn chìm trong dòng nước. Cầu chìm, sóng quá to và gió quá lớn, tàu thuyền phải buộc chặt vào ven bờ nên xã đảo Cẩm Lĩnh đã bị cô lập hoàn toàn. X ã đảo Cẩm Lĩnh được coi là một nơi cực kỳ xung yếu. Đây được coi là rốn bão của tỉnh Hà Tĩnh.

Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới vào được xã Cẩm Lĩnh. Ngược những đợt gió rát mặt, từng đoàn người dân đang khẩn trương sơ tán vào những vùng sâu hơn, cao hơn trong đất liền để tránh bão. Vào thời điểm này, bão chưa đổ bộ vào nhưng gió đã mạnh cấp 7, cấp 8.

Ông Trần Quốc Lựu, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, ngay từ 4h sáng, xã đã huy động bốn chiếc công nông để chuyển tài sản cho bà con vào những vùng cao hơn.

"Công nông chở chủ yếu là lương thực và quần áo, còn bà con thì tự đi bộ. Chúng tôi bố trí trụ sở UBND xã, trạm y tế và trường học để bà con trú ngụ đến khi bão tan".

Ông Lựu cho biết, ở Cẩm Lĩnh có 211 hộ với 1.500 người nằm trong thôn ngay sát mặt đê, vùng nguy hiểm bắt buộc phải sơ tán. Công tác sơ tán dân được tiến hành khẩn trương và quyết liệt, bởi vì ở Cẩm Lĩnh có những gia đình khá đặc biệt.

Tuyến đê biển Cẩm Xuyên đang thi công thì bị sóng biển tràn vào cuốn trôi.

Trường hợp nhà chị Bùi Đình Hiến sáu mẹ con thì trong đấy có bốn đứa con còn rất nhỏ, một mẹ già yếu không đi được.

Chồng chị Trần Thị Mơ hiện đang làm ở TP HCM. Anh chị có bốn đứa con, đứa lớn nhất mới học lớp tám, đứa nhỏ nhất hiện chưa đầy một tuổi.

Đặc biệt là gia đình bà Nguyễn Thị Hải, không có nhà trên bờ. Gia đình bốn người quanh nắm sống trên một chiếc thuyền con. Khi bão về, chính quyền xã đã động viên và tích cực giúp những trường hợp đặc biệt này sơ tán về trụ sở UBND xã.

Sâu trong đất liền, mọi hoạt động chằng chống nhà cửa cũng đang được thực hiện khẩn trương. Nhà ở đây đa phần là nhà mái tôn, mái lá tạm bợ. Hiếm lắm mới gặp những nhà mái ngói cấp bốn và nhà mái bằng thì hầu như không có.

Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Nghĩa ở thôn 7 đang cố gắng tháo gỡ những tấm tôn trên mái nhà xuống. Anh Nghĩa cho biết, những trận bão lần trước, vì chủ quan không tháo xuống nên mái tôn bị bay mất sạch. "Bão tan mà không có nhà để ở thì khổ lắm, còn các cháu nhỏ nữa".

Trường tiểu học và trường cấp hai cũng được mọi người cùng nhau chằng chống cẩn thận để không làm ảnh hưởng của học sinh  sau khi bão tan.

Con đê biển Cẩm Lĩnh đang thi công, còn một đoạn dở dang 500m đã bị sóng biển tràn vào cuốn trôi. Người dân đã sơ tán, nhưng những nhà cửa ở đoạn đê bị vỡ có nguy cơ không còn gì khi bão thật sự tràn về. Hàng chục hecta đầm tôm đang vào vụ thu hoạch cũng đã bị nhấn chìm dưới làn nước trắng.

Tính tới 13h chiều nay (3/10), theo báo cáo chưa đầy đủ của lực lượng Bộ đội Biên phòng, tỉnh Hà Tĩnh đã có lệnh di dời 24.561 người của 28 xã thuộc 5 huyện là Nghi Xuân (1.070 người), Lộc Hà (11.400 người), Thạch Hà (11.400 người), Cẩm Xuyên (4.870 người), Kỳ Anh 7.221 người) ra khỏi vùng nguy hiểm.

Sau những đợt mưa lớn kéo dài từ hôm qua đến nay, nhiều đê điều của Hà Tĩnh đã bị sạt lở; riêng đê Tả Nghèn (xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà), đê Kỳ Hà (huyện Kỳ Anh) nước dâng tràn cả mặt đê. Để gia cố các tuyến đê xung yếu, tỉnh đã xuất hơn 12.000m vải bạt và 10.000 bao tải để tiếp ứng cho Lộc Hà, Kỳ Anh và Cẩm Xuyên.

Điều lo lắng nhất của Hà Tĩnh thời điểm này là mực nước của các hồ đập ngày một lên cao. UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo huyện Hương Khê phải làm việc gấp với Ban quản lý dự án thủy điện Hố Hô (Quảng Bình) để tìm cách xả nước, tránh tình trạng lũ gây ra những thiệt hại lớn như cơn bão số 2 vừa qua.

* Chiều 3/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát và đoàn cán bộ đã vào nhiều vùng xung yếu ở Quảng Bình trực tiếp chỉ huy phòng, chống bão số 5.

Sau đó, đoàn làm việc với UBND xã Thanh Trạch và đi thị sát tình hình thực tế tại đập Mù U (xã Thanh Trạch-Bố Trạch). Tại đây, xã đã cử 35 chiến sĩ dân quân túc trực ngày đêm; 5 máy bộ đàm cũng đã sẵn sàng liên lạc để kịp ứng cứu khi có bất trắc xảy ra.

Xã Thanh Trạch là nơi tập trung những yếu tố "trọng điểm" như gần sông, biển, có chợ..., Phó Thủ tướng đã chỉ đạo nhanh chóng di dân đến nơi an toàn.

* Thông tin tổng hợp gửi về Đoàn công tác Chính phủ đang chỉ đạo phòng chống bão số 5 tại miền Trung cho biết, đến 18h tỉnh Hà Tĩnh đã báo về xác định tâm bão số 5 đang hướng vào khu vực đèo Ngang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Tại đây, gió đã mạnh lên cấp 9, giật trên cấp 10. Riêng khu vực đèo Ngang, cả phía Kỳ Anh và phía Quảng Trạch (Quảng Bình), sức gió cấp 11, giật trên cấp 12. Mưa lớn diễn ra nhiều nơi, tại Sông Rác là 415mm, tại Kỳ Anh là 352mm, tại TP. Hà Tĩnh là 200,6mm, tại Hương Khê là 242,3mm, tại Hương Sơn là 147mm, tại Chu Lễ là 262mm.

Hiện mực nước các hồ chứa nước ở Hà Tĩnh đang dâng lên rất nhanh. Tại hồ Sông Rác, mực nước đã đạt 19,3m, vượt mực cho phép hơn 1 m. Tại hồ Kim Sơn, mực nước đã vượt giới hạn 0,4m. Chính quyền địa phương đang cho tiến hành xả nước, tránh vỡ đập.

Đoàn công tác Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương, tập trung cao độ vừa chống bão, vừa triển khai các phương án chống lũ. Đặc biệt là những vùng có nguy cơ lũ quét là Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Thượng Kỳ Anh, ngoài đê Lam Giang... Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Hà Tĩnh khẩn trương rà soát các điểm xung yếu trên các tuyến đê, bố trí đủ lực lượng ứng phó kịp thời với các sự cố.

Căn cứ trên các báo cáo tình hình từ các địa phương khác gửi về, Đoàn công tác Chính phủ cũng chỉ thị các tỉnh như Quảng Bình, Thanh Hóa có thể giảm bớt chống bão, tập trung chống lũ. Hiện tại, sức gió tại các tỉnh này giật không cao, nhưng mưa lớn và mực nước biển, mực nước sông đang lên nhanh. Lúc 16h, tại Quảng Bình một số khu vực sông mực nước đã trên báo động 3.

* Tiếp tục cập nhật
Hoàng Thắng - Hồng Phú
.
.
.