Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2013:

Không vì tăng trưởng trước mắt khiến lạm phát cao trở lại

Chủ Nhật, 26/05/2013, 22:05
Chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 (ngày 26/5), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, song song với việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phải thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng, song phải là tăng trưởng bền vững, không vì tăng trưởng trước mắt mà đẩy lạm phát cao trở lại và làm ảnh hưởng tới tái cơ cấu nền kinh tế ...

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, Chính phủ đánh giá, kinh tế vĩ mô tiếp tục đạt được kết quả tích cực, đúng hướng; lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định; lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định...

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế mà nền kinh tế cần tập trung khắc phục, trong đó nổi lên là cả khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều gặp nhiều khó khăn, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản giảm sút. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay chậm được thu hẹp. Tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng như tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chậm được giải quyết... 

Nhiều thành viên Chính phủ đề xuất cần quyết liệt hơn nữa trong tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nhằm duy trì đà phục hồi tăng trưởng, thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2013.

Theo đó, phải tiếp tục rà soát, kịp thời điều chỉnh những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, tìm đầu ra cho sản phẩm, giảm hàng tồn kho, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đẩy nhanh việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng nhằm tạo tiền đề cho phục hồi tăng trưởng kinh tế trong dài hạn… Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, ngoài việc đẩy mạnh bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hiện nay Bộ Xây dựng đang tập trung mạnh vào cấu trúc lại các dự án bất động sản, cơ cấu lại sản phẩm bất động sản để phù hợp với nhu cầu của người có thu nhập thấp, có nhu cầu thực sự về nhà ở. Hiện đã có 56 dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi thành dự án nhà ở xã hội. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề xuất cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn FDI, ODA... cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm, có tác động tích cực đối với sự phát triển của đất nước...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2013. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan, lơ là trong thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là tiền đề có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện các mục tiêu khác. Do đó, song song với việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phải thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng, song phải là tăng trưởng bền vững, không vì tăng trưởng trước mắt mà đẩy lạm phát cao trở lại và làm ảnh hưởng tới tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo đó, cần tiếp tục giữ ổn định về giá cả; kiểm soát chặt chẽ mức lãi suất huy động, cho vay; hướng tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, có đầu ra, có thị trường như nông nghiệp, công nghiệp, hỗ trợ những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, có sức lan tỏa lớn. Chú trọng việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bởi đây là trụ cột của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển sản xuất.

Thủ tướng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, lưu ý đến công tác quản lý, giám sát nhằm bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thị trường vàng. Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo công tác quản lý thu ngân sách, chống thất thu, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về xử lý nợ xấu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ hiện cơ chế, chính sách đã được ban hành đầy đủ, Ngân hàng Nhà nước phải tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện việc xử lý nợ xấu, dứt khoát không được để xảy ra các tiêu cực phát sinh. Thực hiện tái đầu tư công, tránh đầu tư dàn trải cũng như đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, nhất là đối với các dự án giao thông huyết mạch. Thủ tướng cũng lưu ý việc thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh thông tin, an toàn hệ thống mạng, đề xuất các hình thức xử lý nghiêm khắc các hành vi lợi dụng mạng Internet để bôi nhọ, vu khống, xuyên tạc tình hình đất nước, gây phương hại đến lợi ích của nhân dân...

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương xử lý trách nhiệm sự cố “một xe cẩu làm toàn miền Nam mất điện”

Trả lời câu hỏi tại phiên họp báo trưa 26/5 về sự cố mất điện gây thiệt hại lớn ở các tỉnh phía Nam, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thừa nhận: Đây là sự cố từ trước tới giờ chưa có, hậu quả đến bây giờ chưa tính toán được chính xác, nhưng rất lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội. Đây cũng là một nội dung được đề cập trong phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghe ý kiến của Bộ Công thương, yêu cầu Bộ Công thương xem xét một cách rất nghiêm túc tất cả mọi mặt để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm. “Trường hợp này quy định đã có rồi, vậy thì trách nhiệm của ngành, cấp liên quan tới việc thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hành lang này đã nghiêm túc chưa, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo ngành điện xem xét nghiêm túc” - ông Đam giải thích.

Liên quan dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 1A đang “khát vốn”, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, các Bộ trưởng liên quan đề xuất và đồng ý phương án báo cáo, trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ thay vì phát hành trái phiếu doanh nghiệp có sự bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện xây dựng quốc lộ 1A và các dự án trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây Nguyên. “Tôi xin báo cáo thêm, nhiều Bộ trưởng sau khi tiếp thu ý kiến từ nhân dân, cử tri cũng báo cáo Chính phủ rằng bên cạnh 2 công trình giao thông đó, còn nhiều dự án đặc biệt bức xúc, đặc biệt quan trọng và nhân dân hết sức quan tâm như một số dự án thủy lợi, một số bệnh viện lớn” - ông Đam nói.

Về vấn đề kết luận thanh tra tại Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông vì sao bị “câu giờ”, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam giải thích: Theo quy định của pháp luật, khi nào kết luận thanh tra chính thức được thông qua thì Thanh tra có trách nhiệm tổ chức thông báo tới công luận, trừ những điểm liên quan đến bí mật Nhà nước. Nhà nước có quy định về bí mật Nhà nước và cái nào là bí mật Nhà nước thì không công khai, còn tinh thần là kết quả thanh tra phải công khai, minh bạch. Ngay sau khi hoàn thành kết luận thanh tra theo đúng quy định sẽ công khai cho công luận...

Đăng Minh
.
.
.