Trò chuyện Chủ nhật:

Để ngư dân đủ sức ra khơi giữ biển

Chủ Nhật, 15/06/2014, 10:25
Chủ trương dành 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt bám biển đang được ngư dân cả nước hết sức mong đợi. Nhưng có chủ trương, hỗ trợ vốn mới chỉ là điểm khởi đầu, việc triển khai thế nào cho hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực; mô hình tàu ra sao, mức đầu tư, hậu cần nghề cá thực hiện thế nào… vẫn chưa rõ câu trả lời. Xung quanh chủ đề này, phóng viên chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc. Xin trân trọng làm rõ vấn đề này cùng bạn đọc.
>> Ngư dân vươn khơi bám biển có thể vay vốn lãi suất 0%

Phóng viên (PV): Hiện nay, không chỉ ngư dân mà cả nước đang kỳ vọng việc hỗ trợ vốn đóng tàu vỏ sắt để ngư dân có điều kiện vươn ra khơi bám biển. Tuy nhiên, triển khai thực hiện như thế nào cho có hiệu quả vẫn là một câu hỏi lớn. Theo ông, nên lưu ý điều gì khi triển khai chương trình này?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Chủ trương thì rất rõ ràng rồi, vấn đề đúng là ở khâu thực hiện. Quốc hội đã bàn, Chính phủ cũng đang triển khai. Trong cân đối ngân sách, Quốc hội đã đồng thuận rất cao dành 16.000 tỷ để hỗ trợ ngư dân. Các chuyên gia và một số đại biểu cũng đang thảo luận là làm thế nào cho hiệu quả. Mình hỗ trợ mà không hiệu quả lại đưa bà con vào tình thế khó, dẫn đến nợ nần. Theo tính toán, một con tàu 5, 6 tỷ  đồng chứ không ít, mà Chính phủ chỉ cho vay chứ không phải cho không. Tuy nhiên, dù khó khăn thế nào thì trong tình thế như hiện nay, chủ trương đó cũng phải thực hiện cho bằng được. Tình hình biển Đông phức tạp, cần lực lượng như thế, phải quyết liệt thực hiện. Chúng ta cũng đã có mô hình thành công, có bài học rồi. Việc nghiên cứu để hỗ trợ ngư dân có tàu vỏ thép thì Chính phủ đã triển khai thí điểm ở Quảng Ngãi, trên cơ sở thí điểm đó phải mở rộng cho ngư dân ở các tỉnh ven biển, đặc biệt là những tỉnh có bà con đánh bắt xa bờ, để kết hợp, tham gia vừa làm kinh tế biển, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

PV: Thưa ông, hiện Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) cũng đã ký được một số hợp đồng với các địa phương để đóng tàu vỏ sắt, nhưng nhiều ngư dân vẫn chưa tán thành mô hình tàu của SBIC, cho rằng giá đắt và muốn tham gia vào quá trình đóng tàu. Ông có ủng hộ ý kiến này không?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Nếu vậy SBIC phải xem xét lại. Mục đích của chúng ta là bà con có con tàu để ra khơi. Anh đóng một con tàu không phù hợp thì phản tác dụng, nguy hiểm hơn là nguồn lực của quốc gia bị lãng phí. Ta đã nghĩ đến đóng tàu lớn mà chỉ có con tàu vỏ sắt của ngư dân mà lại nói không có mô hình hợp lý là vô lý. Đấy là chưa nói đến đi liền với việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt mới, còn phải có kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo nhân lực đủ trình độ để vận hành những con tàu đó cho hiệu quả, an toàn. Mô hình hợp lý hay không, người dân với tư cách là những lao động tích lũy kinh nghiệm thực tiễn từ ngư trường họ sẽ chỉ cho anh, cho các nhà quản lý.

Nhà nước phải có giám sát chặt chẽ SBIC, kể cả các cơ sở đóng tàu của quân đội, của tư nhân trong việc triển khai chương trình này. Phải có ý kiến tham gia của ngư dân, cụ thể thông qua hiệp hội nghề cá. Hoặc là anh phải làm việc với từng hộ người ta đặt hàng. Nhưng đối với hộ ngư dân, ta cũng phải hướng dẫn họ, chứ không phải hỗ trợ tiền để anh đóng con tàu không đúng tiêu chuẩn, quá nhỏ, không đủ an toàn khi xảy ra đụng độ chẳng hạn. Ở đây phải kết hợp giữa vai trò giám sát của Nhà nước, trách nhiệm của các Tổng Công ty nhà nước, trách nhiệm của Hiệp hội và trách nhiệm của từng hộ ngư dân.

Rõ ràng đóng tàu vỏ thép đòi hỏi kỹ thuật và muốn chi phí giảm phải có những mô hình nhất định, thiết kế chung nào đấy. Nếu mỗi hộ đóng một con tàu theo ý của mình thì chi phí rất lớn.

Đầu tư hỗ trợ ngư dân ra khơi giữ biển là nhu cầu thiết thực và cấp bách hiện nay.

PV: Chúng ta không phải lần đầu nói đến phải chú trọng vào kinh tế biển, và thực tế đã có chương trình hỗ trợ ngư dân có tàu tốt để đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, hiệu quả không được như mong muốn. Theo ông, bài học của những thất bại cũ là gì?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Trước đây, ta có chương trình đánh bắt xa bờ. Do cách làm dẫn đến không hiệu quả và nợ nần cho ngư dân. Những điều ấy vẫn ám ảnh đến bây giờ. Phải rút kinh nghiệm từ việc ấy. Thủ tướng vẫn kiên trì về chiến lược ngành đóng tàu, vẫn khẳng định quốc gia biển như Việt Nam không thể không phát triển ngành đóng tàu. Vấn đề tồn tại là giải ngân và hỗ trợ kỹ thuật. Đóng những con tàu này ta phải coi trọng cả hiệu quả kinh tế lẫn mục đích góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia. Các vị đại biểu Quốc hội thảo luận cũng nói đến có các loại tàu công suất khác nhau. Có những tàu lớn như tàu cung cấp dịch vụ hậu cần, thông tin, thu mua các hải sản, dịch vụ đông lạnh để đảm bảo chất lượng sản phẩm và ngư dân đỡ tốn kém khi phải cập bến mới tiêu thụ được hàng. Phải nghĩ đến cả chuỗi vấn đề như vậy thì mới hiệu quả được. Rồi thành lập các trung tâm nghề cá của các khu vực. Trong hội nghị về phát triển thủy sản bền vững do Thủ tướng chủ trì ở Đà Nẵng, bên cạnh bàn về lãi suất cho vay đóng tàu cũng nói đến hỗ trợ những dịch vụ như thế.

PV: Hiện nay tình hình rất cấp bách, quyết tâm cũng đã có, nhưng khó nhất là ở khâu thực hiện. Liệu Quốc hội có ra một mốc thời gian hay những chỉ tiêu nào đó để Chính phủ thực hiện chính sách này không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Quốc hội có lẽ sẽ không đưa ra hạn mức nào cả, nhưng khi ra nghị quyết để phân bổ ngân sách, đương nhiên cũng giao nhiệm vụ để triển khai phân bổ sao cho kịp thời. Và cho dù Quốc hội không ra nghị quyết thì những ý kiến phát biểu, những chất vấn của đại biểu, và không khí của kỳ họp cũng là yếu tố thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành phải triển khai càng sớm càng tốt. Chủ trương đúng đắn rồi, tình hình cấp thiết rồi, vấn đề là thực hiện. Tôi nhắc đi nhắc lại là phải quyết liệt, phải bám sát. Ta có rất nhiều chủ trương hay, nhưng thực hiện lại rất chậm.

Có ý kiến cho biết trong chương trình phải đóng 30 ngàn con tàu. Đây không chỉ vì hoạt động đánh bắt, không chỉ là hoạt động kinh tế, mà là lực lượng rất quan trọng. Sự hiện diện của bà con ta với những con tàu như vậy trên vùng biển Việt Nam sẽ hỗ trợ cùng Cảnh sát biển và kiểm ngư tạo ra một lực lượng hùng mạnh trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Do vậy, không có lý do nào để chậm thực hiện chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép ở thời điểm này.

PV: Ông có cho rằng đây cũng là một cơ hội lớn để chúng ta cải tổ ngành đánh bắt hải sản, điều mà chúng ta luôn khao khát nhưng vẫn chưa có cơ hội thực hiện hay không?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Khi gặp thách thức cũng tạo ra cơ hội. Đối với ngư dân, nghề cá là kế sinh tồn của họ, họ sẽ nghĩ ra và biết cách tận dụng cơ hội. Trung Quốc dùng bạo lực cản trở, đánh đập, bắt tàu… nhưng ngư dân của ta không bao giờ sợ. Họ luôn nói với công luận trong nước và quốc tế rằng, đó là nghề mưu sinh và ngư dân Việt Nam có quyền đánh bắt cá trên vùng biển của Việt Nam, luật pháp quốc tế thừa nhận, không thế lực nào có quyền ngăn cản quyền lợi chính đáng đó. Phải nói tinh thần của bà con ngư dân ta rất đáng khâm phục và ca ngợi. Ra biển là một ngành rủi ro lớn, trước hết về thiên tai, rồi các hành động của tàu Trung Quốc. Nhưng vì cuộc sống, cộng thêm quyết tâm bảo vệ chủ quyền, người dân vẫn bám biển với quyết tâm ngày càng lớn hơn. Nhà nước hỗ trợ, cộng với tinh thần đó, ý chí đó sẽ tạo thành sức mạnh.

PV: Xin cảm ơn ông!

V. Hân
.
.
.