Xuất khẩu lao động “chui”, tiền mất tật mang

Thứ Hai, 23/04/2018, 09:54
Thời gian gần đây nở rộ cò lao động về các làng quê ở Quảng Bình sử dụng nhiều mánh khóe lừa đảo người dân đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Không ít hộ gia đình đã cầm cố nhà cửa vay mượn để nộp tiền cho con đi XKLĐ, song sau khi nhận được tiền, các cò lao động đã tắt điện thoại, trốn biệt tăm.

Mới đây, Công an Quảng Bình cùng với Công an một số địa phương liên tục phát hiện, bắt giữ các đường dây xuất khẩu lao động trái phép. Điều đáng nói mặc dù biết khi bị bắt, pháp luật sẽ xử lý nghiêm, song vì lợi nhuận lớn nên các cò lao động vẫn nhắm mắt làm liều, còn người dân nhiều nơi vẫn rất nhẹ dạ, cả tin.

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ hướng ra biển, anh Nguyễn Văn Ba, trú xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cặm cụi vá lại tấm lưới đánh cá và tâm sự với chúng tôi, sau hơn 3 năm bôn ba làm việc ở nước ngoài, giờ hai vợ chồng anh trở về với cảnh trắng tay, nghèo khó, nguyên do cũng bởi tin vào lời cò lao động. Ngày cò lao động đến đặt vấn đề đưa vợ chồng anh qua Trung Quốc làm việc với thu nhập tốt, thấy phí lao động để đi rẻ nên hai vợ chồng vay mượn trả cho cò để đi.

Người lao động có nhu cầu lao động ở nước ngoài cần tìm hiểu rõ thông tin để tránh bị lừa đảo. Ảnh minh họa.

Sang tới Trung Quốc, anh Ba mới vỡ lẽ, công việc làm nặng nhọc, lương thấp và đến tháng nhận lương lại phải trích một khoản cho môi giới, ví dụ như nhận lương 1 triệu thì phải cho chúng 200 ngàn. Ngoài ra, lại luôn luôn bị người lao động nước ngoài cùng chỗ làm liên tục tìm cách mượn tiền, không cho mượn thì chúng gây sự, hoặc ông chủ tìm cách để phạt không trả lương…

Giữa năm 2017, vợ chồng anh Ba quyết định khăn gói trở về quê, quay lại nghề cũ là chèo thúng đánh cá trên biển chắt chiu nuôi ba đứa con trai ăn học.

Chúng tôi về xã biển Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình. Người dân ở đồi cát này hầu hết 100% làm nghề biển. Hiện nay, nhiều người dân nơi đây chọn đi XKLĐ để thay đổi cuộc sống.

Biết được điều đó nên rất nhiều đối tượng cò lao động đã tìm đến để lừa đảo. Đánh vào tâm lý của người dân đang nóng lòng đi XKLĐ để kiếm việc làm và có thu nhập cao trang trải cuộc sống gia đình, các đối tượng đã đưa ra giấy tờ quảng cáo là chúng có thể đưa lao động đi thị trường nhiều nước, vẽ ra viễn cảnh thu nhập từ 30 triệu đồng trở lên như lao động ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc… thủ tục nhanh chóng, đi lại dễ dàng. Rất nhiều người dân nơi đây đã chọn để đi XKLĐ Hàn Quốc.

Khi biết người dân đã tin tưởng, lúc đầu chúng chỉ thu mỗi lao động 30 triệu đồng và đưa ra Hà Nội đào tạo tiếng Hàn Quốc trong vòng hơn 1 tháng. Mọi sinh hoạt, chi phí đi lại, tiền học người lao động phải đóng cho chúng.

Sau đó, chúng cho người lao động về quê chuẩn bị thêm tiền để chờ visa qua Hàn Quốc làm việc. Song sau khi đóng hàng trăm triệu đồng cho các “cò lao động”, người lao động về quê chờ đợi được gọi để đi XKLĐ trong mòn mỏi. Và các đối tượng cò lao động sau khi nhận được tiền thường khóa máy điện thoại, chuyển nơi làm việc và trốn tránh.

Người lao động đang kể lại việc bị “cò lao động” lừa đảo với phóng viên Báo Công an nhân dân.

Mới đây, vào ngày 6-3-2018, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện trên xe khách BKS 37B-011.10 đang chở 50 người từ Quảng Bình ra thành phố Móng Cái, Quảng Ninh để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Lực lượng Công an đã làm rõ đối tượng Phạm Văn Thắng, trú huyện Bố Trạch, Quảng Bình chính là kẻ chủ mưu tổ chức cho nhiều đối tượng ở địa bàn các xã miền Tây huyện Bố Trạch XKLĐ sang Trung Quốc trái phép.

Tại cơ quan điều tra, Thắng khai nhận, năm 2016 và 2017, Thắng đã từng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động nên biết cách thức và lộ trình, sau đó đối tượng lại quay về tìm cách làm “cò lao động” để thu tiền.

Thủ đoạn của nhóm đối tượng môi giới lao động là nhắm vào những gia đình có hoàn cảnh nghèo khó. Chúng dùng lời lẽ ngon ngọt, hứa hẹn với mức lương cao, không phải tốn tiền học hành để sang nước ngoài làm việc. Khi qua đến nơi rồi, các nhân công mới ngã ngửa là mình bị lừa, phải bán mồ hôi, công sức của mình chỉ để trả nợ, trả lãi vay cho bọn môi giới.

Nhiều trường hợp gia đình ly tán, vợ chồng ly dị, anh em, láng giềng không thèm nhìn mặt nhau… cũng do “sập bẫy” cò lao động. Mỗi đối tượng lừa đảo XKLĐ luôn ngụy trang cho mình những chiêu thức khác nhau, chúng “biến hình” thành muôn hình vạn trạng, trong khi đó người dân lại nhẹ dạ, cả tin vì vậy các “cò lao động” luôn nắm phần thắng khi lừa đảo.

Anh Nguyễn Thiện Thân và Nguyễn Văn Thoại ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình hai gia đình nhà sát tường nhau bị “cò lao động” lừa ngậm ngùi cho biết, sau khi thấy có visa, chuyển tiền và nhận lịch ngày bay, hai người dặn dò vợ con ở nhà phải nương tựa giúp đỡ nhau, láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau để các anh yên tâm lao động gửi tiền về trả nợ ngân hàng. Tính ra mỗi người mất gần 200 triệu đồng nhưng nay các ảnh chẳng biết đối tượng lừa đảo mình đang ở đâu…

Ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, số lượng đi lao động bất hợp pháp qua các năm tương đối lớn, và không thể thống kê được bao nhiêu trường hợp.

Hiện nay, không chỉ các đối tượng làm nghề môi giới mà xuất hiện một số công ty giả danh để lừa đảo người lao động. Các công ty này không đăng ký làm việc, không phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh mà đã tự ý đi thông báo tuyển dụng lao động. Vừa qua, đơn vị này phối hợp cùng với Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xử phạt một số công ty vi phạm. Ông Phạm Thành Đồng lưu ý, khi có nhu cầu việc làm, các lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin trên mạng, báo chí để tránh cảnh “tiền mất tật mang”.

Sông Lam-Lam Hồng
.
.
.