Mua xe thanh lý: Cẩn trọng với nhiều rủi ro

Thứ Hai, 03/05/2021, 16:07
Dịch bệnh bùng phát, kinh tế khó khăn, nợ xấu gia tăng, câu chuyện các ngân hàng đua nhau thanh lý tài sản bảo đảm từ bất động sản đến xe ô tô. Dĩ nhiên tài sản thanh lý luôn có giá (có vẻ) hời hơn mua bán ở những kênh khác. Thế nhưng, đừng “thấy đỏ tưởng là chín”, vì mua hàng thanh lý kiểu này không hề dễ ăn.


Phong trào thanh lý ô tô của các ngân hàng rải rác từ lâu nhưng bắt đầu rầm rộ từ cuối năm 2020. Có thể điểm danh các nhà băng có nhiều ô tô thanh lý như VPBank với thông báo bán đấu giá 62 chiếc ô tô các loại thuộc nhiều nhãn hiệu khác nhau sản xuất năm 2014 - 2018. Theo nội dung tin đấu thầu, hầu hết các tài sản đều có giá chưa tới 500 triệu đồng, có những chiếc ô tô hiệu Changan chỉ được bán với giá 61 và 67,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, một vài dòng xe cao cấp hơn như BMW 640i sản xuất năm 2016 được rao bán với giá 1,76 tỷ đồng, Hyundai Universe sản xuất năm 2017 có giá 1,656 tỷ đồng hay 1 chiếc Toyota Fortuner chỉ có giá 800 triệu đồng. 

Á quân hiện tại là VIB với lượng xe ô tô con rao bán thanh lý tới hơn 40 xe các loại, có giá rao bán từ hơn 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, nhiều xe được VIB rao bán thanh lý có giá rẻ hơn thị trường xe cũ từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Một loạt các ngân hàng khác cũng có từ vài đến dăm chiếc ô tô đấu giá như TPBank, NCB, Sacombank… cũng góp mặt làm “xôm tụ” thị trường.

Mua xe thanh lý gặp nhiều rắc rối về thủ tục.

Xe ô tô mà các ngân hàng thanh lý là xe thu hồi từ những người vay ngân hàng lấy chiếc xe đó làm tài sản thế chấp. Khi không đủ khả năng trả nợ thì người vay buộc phải trả bằng chính chiếc xe đó. Tài sản này được các ngân hàng thu hồi, đưa về kho bãi một thời gian rồi tiến hành đấu giá, thành lý tài sản nhằm thu hồi vốn. 

Đáng chú ý, mức giá mà các ngân hàng đưa ra luôn có sức hấp dẫn bởi nó thấp hơn giá thị trường, phù hợp với khả năng kinh tế của nhiều người hơn, và nó cũng “đánh” vào tâm lý thích mua đồ cũ của người Việt, cũng như quan điểm hàng thanh lý thường là hàng đại hạ giá. Điều này lôi kéo được đông đảo số lượng người tham gia đấu giá. 

Tuy nhiên, cái này có tính hai mặt rõ ràng, vì ban đầu, khi ngân hàng đưa ra mức giá xe thấp thu hút người tham gia đấu giá, đến khi bán, thì do cạnh tranh nhau người mua sẽ trả giá cao lên. Với hình thức mua bán đó, đôi khi giá bán chiếc xe thực sự sẽ không rẻ như người mua vẫn nghĩ. 

Phân tích cụ thể, các chuyên gia cho rằng mua xe thanh lý của ngân hàng sẽ có 2 mặt, thuận lợi và hạn chế. Về thuận lợi, giá thành mua xe thanh lý rẻ hơn so với mua xe mới. Xe thanh lý có giấy tờ đầy đủ, rõ về nguồn gốc không lo ngại các vấn đề về xe vi phạm, xe trộm cắp khi mua ngoài. Về giá cả, mọi người được quyền thương lượng giá mua với bên phía ngân hàng. Chưa kể, mua xe thanh lý có nhiều sự lựa chọn, bởi ngân hàng thanh lý một lúc rất nhiều xe khác nhau, trong đó có xe ô tô các loại của các thương hiệu lớn… 

Về mặt hạn chế, việc mua xe thanh lý của ngân hàng sẽ phải mất thời gian nghiên cứu tìm hiểu, đặc biệt là cần thuê hoặc nhờ người có khả năng để thẩm định lại xe mua. Giá thanh lý của ngân hàng ban đầu đưa ra thường cao hơn so với giá trị trường bên ngoài. Để giá thấp mọi người phải chờ thời gian, khi xe “ế” thì ngân hàng sẽ thực hiện chiến lược “đại hạ giá”. 

Ngoài ra, xe thanh lý ở ngân hàng, có nhiều chiếc đã lâu không hoạt động để ở kho bãi không được tân trang, sửa chữa nên về thẩm mỹ và chất lượng là điểm đáng lo ngại. Và rắc rối lớn nhất phải đề cập đến đó là về thủ tục. Chắc chắn sẽ có nhiều bất cập, người mua mất rất nhiều thời gian để làm giấy tờ sang tên đổi chủ. 

Thêm nữa, nếu mua xe mới hay xe cũ ở ngoài, ở các công ty dịch vụ hay cá nhân nào đó đều có cam kết bảo hành, còn đối với mua xe thanh lý ngân hàng mọi người sẽ không có dịch vụ này, sau khi mua nếu có hư hỏng hay vấn đề gì đều phải tự chịu hoàn toàn mọi chi phí.

“Tất nhiên đối với người mua xe thanh lý thì giá cả là điều quan tâm đầu, nghe đến giá rẻ ai cũng thích. Nhưng mọi người nên hiểu với ngân hàng không hề dễ qua mặt, họ không có khái niệm bán rẻ. Chỉ có những chiếc xe hư hỏng nặng mới được bán với mức giá rẻ. Bình thường thì giá thanh lý của ngân hàng sẽ ngang giá thị trường, thậm chí còn cao hơn. Vậy nên việc mua xe thanh lý ngân hàng thì nên xem xét kỹ không nên vội vàng, bởi giá sẽ giảm theo thời gian. Bên phía ngân hàng không hỗ trợ trả góp mà lấy toàn bộ bằng tiền mặt, vậy nên rất khó cho những ai có tài chính hạn hẹp. Người mua có thể mất cả 1 tháng để hoàn tất thủ tục, nhận giấy tờ thủ tục từ phía ngân hàng, chưa kể nếu có tranh chấp xảy ra lại rất khó”, các chuyên gia khuyến cáo. 

Ngoài ra, với người mua xe, nếu là người có tiền thì không nói, nhưng nếu chưa đủ tài chính nhưng muốn mua xe ô tô thì hãy chuẩn bị  tầm 60 -70% giá trị của chiếc xe sau đó đi vay thêm ngân hàng hay công ty tài chính 30 – 40% còn lại. Bởi việc vay quá nhiều sẽ có rất nhiều bất lợi, khả năng chi trả cũng lớn. Chưa kể khi mua về xe không như mong muốn, hư hỏng thường xuyên còn tốn thêm một khoản tiền lớn như vậy tổng chi phí cho 1 chiếc xe thanh lý là rất lớn, vậy nên vay càng ít càng tốt cho mọi người. 

“Việc các ngân hàng ồ ạt thanh lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, theo các chuyên gia là do dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ. Việc phải thanh lý tài sản cũng là việc “cực chẳng đã” của cả đôi bên, vì thế, tài sản đưa ra rao bán thường có giá "mềm" hơn nhiều so với thị trường. Tuy nhiên, có một thức tế là dù nhìn thì “ngon ăn”, nhưng với những người có ý định mua tài sản phát mãi lại là vấn đề cần phải tính toán vì việc mua bán này phải qua nhiều thủ tục giải chấp, nếu phát sinh trục trặc thì người mua sẽ phải chịu thiệt”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Hà An
.
.
.