Cách “đọc” đèn báo xe hơi

Thứ Ba, 27/08/2013, 17:18
Thông thường, khi ôtô “trở bệnh” bạn có thể dễ dàng nhận biết bằng âm thanh hoặc các dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trục trặc tới thầm lặng và bạn chỉ có thể biết khi nhìn và hiểu các loại đèn báo. Vậy những đèn báo nào là không thể bỏ qua và bạn cần mang xe đi sửa ngay nếu nó nổi?

Trên thực tế, đèn báo cũng như ngôn ngữ nên đôi khi không thật dễ hiểu bởi chúng có thể thay đổi theo từng dòng xe tại từng thị trường. Có những đèn báo bạn sẽ nhìn thấy thường xuyên nhưng cũng có loại “hàng hiếm” ít khi bắt gặp. Dù vậy, vẫn có những đèn báo thuộc dạng phổ thông và cần phải lưu ý nhất để trong trường hợp nó nổi lên bạn sẽ phải mang xe đi kiểm tra sớm.

Hãy cùng các chuyên gia của tập đoàn Britannia Rescue tổng hợp và xem lại những ký hiệu đèn báo cơ bản không thể lơ là trên mọi chiếc xe. 

- Đèn báo còi xe (car horn): Khi ký hiệu đèn với hình dáng chiếc còi bật sáng cùng màu sắc đỏ, bạn nên mang xe đi kiểm tra bởi bộ phận còi (kèn) của chiếc xe đang gặp trục trặc và có thể đang trong tình trạng ngừng hoạt động.

- Đèn áp suất dầu (oil pressure warning): Đèn báo có hình bình tra dầu này luôn bật sáng với màu da cam khi bật chìa khóa điện và tắt liền sau đó vài giây. Tuy nhiên, nếu trong quá trình vận hành, nếu chiếc đèn lại chuyển sang màu đỏ và không chịu tắt tức là dầu máy đang bị thiếu, chiếc xe cần ngừng hoạt động và bạn cần bổ sung dầu máy ngay để tránh những hỏng hóc lớn hơn ở động cơ.

Những đèn báo nào không thể bỏ qua?

- Đèn Phanh (brake/handbrake warning): Thông thường đèn này có màu da cam xuất hiện rồi tắt sau vài giây khi bật chìa khóa điện. Tuy nhiên, khi có sự cố hoặc phanh tay chưa hạ xuống, đèn sẽ chuyển màu đỏ trên bảng đồng hồ và bạn cần kiểm tra xe sớm để đảm bảo an toàn.

- Đèn báo hệ thống chống bó cứng phanh (ABS warning): Loại đèn cảnh báo này chỉ xuất hiện trên những chiếc xe có trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS và khi đèn báo hiệu màu đỏ, có nghĩa hệ thống chống bó cứng phanh đang gặp trục trặc và chi tiết này cần được khắc phục sớm trước khi ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống an toàn.

- Đèn ắc-quy (battery warning): Bình thường, đèn này sẽ nổi màu da cam rồi tắt sau vài giây khi bật chìa khóa điện nhưng khi đèn hiệu hiển thị màu đỏ, bạn nêu lưu ý rằng ắc-quy bắt đầu bị yếu điện và cần được xử lý.

- Đèn báo động cơ (engine warning): Giống như đèn phanh hay đèn báo áp suất dầu, đèn báo động cơ cũng nổi màu da cam và tắt sau vài giây mở chìa khóa điện. Do đó, nếu đèn chuyển màu đỏ và giữ nguyên có nghĩa là động cơ xe bạn đang có vấn đề cần kiểm tra sửa chữa. Còn nếu ở thời điểm bật chìa khóa điện, đèn này không nổi màu da cam thì lái xe cũng phải mang xe đi kiểm tra để luôn đảm bảo đèn báo hoạt động bình thường.

- Đèn báo nhiệt độ (engine overheat/coolant warning): Nếu đèn báo nổi màu đỏ có nghĩa động cơ của xe đang bị quá nhiệt. Trong trường hợp này, bạn cần dừng xe khẩn cấp, giúp xe hạ nhiệt và bổ sung nước làm mát nếu không muốn phá hỏng động cơ.

- Đèn báo túi khí (airbag warning): Đèn báo này đưa ra thông điệp về tình trạng hoạt động của hệ thống túi khí và khi đèn này nổi màu đỏ rất có thể, túi khí sẽ không bung khi xảy ra va chạm hoặc bung bất thường mặc dù xe chẳng đụng vào đâu.

- Đèn báo đai an toàn (seatbelt warning): Đèn báo hiệu dây an toàn luôn nổi màu đỏ kèm âm thanh tít tít (ở một vài dòng xe) sẽ xuất hiện khi người ngồi ở hàng ghế trước quên không thắt đai an toàn trong quá trình vận hành xe trên đường.

- Đèn pha (main beam): Đèn này sẽ có màu xanh khi người lái bật đèn chiếu xa. Nếu đèn báo không sáng, có nghĩa chi tiết này đang có lỗi và không thể hoạt động.

- Đèn sương mù/gầm phía trước (front fog light): Hầu hết các dòng xe hơi hiện nay đều được trang bị đèn gầm hoặc đèn sương mù (theo từng thị trường) nằm ở hai bên trên cản trước của xe. Khi sử dụng hệ thống đèn này, thông thường trên bảng đồng hồ sẽ hiển thị đèn tín hiệu màu trắng, tuy nhiên ở một số loại xe sẽ có màu da cam. Nếu đèn báo hiệu trong xe không sáng, có nghĩa bộ phận này đang gặp trục trặc

Toàn Hòa
.
.
.