Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng về đoạn băng ghi âm vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Thứ Sáu, 19/10/2018, 20:00
Trong bối cảnh truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin rằng Ankara đã chia sẻ bằng chứng mà Ankara có được cho Washington liên quan đến vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích bí ẩn, ngày 19-10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut đã chính thức lên tiếng về vấn đề này. 

Reuters đưa tin, ngày 19-10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố, Ankara chưa hề chia sẻ bất kỳ đoạn băng ghi âm nào với các bên liên quan, trong bối cảnh có thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bật đoạn băng ghi âm lại việc nhà báo Khashoggi bị sát hại, trong cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 17-10. 

Dù lên tiếng phủ nhận, nhưng Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu đã tái khẳng định nước này có bằng chứng và thông tin thu thập được từ cuộc điều tra vụ án nhà báo Khashoggi. 

Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu khẳng định chưa chia sẻ bằng chứng vụ việc nhà báo Khashoggi bị sát hại với bất kỳ ai. Ảnh: trend.az.

Được biết, với việc khẳng định ông Khashoggi bị sát hại bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia và thi thể đã được đưa ra ngoài, nhóm điều tra Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng phạm vi tìm kiếm, lần theo đường di chuyển và các chặng dừng của những chiếc xe hơi rời Lãnh sự quán Saudi Arabia vào hôm 2-10, ngày mà ông Khashoggi mất tích. 

“Các nhà điều tra nghi ngờ những kẻ sát hại Khashoggi đã phi tang các phần thi thể của nhà báo này theo hai hướng ngược nhau tính từ Istanbul, đó là khu rừng Belgrad thuộc ngoại ô thành phố và tại một khu vực ở Yalova, gần biển Marmara, cách Istanbul khoảng 90km”, Anadolu dẫn nguồn tin từ quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.

Những manh mối mà phía Thổ Nhĩ Kỳ thu thập được ở hai khu vực nêu trên sẽ được đối chiếu với kết quả phân tích ADN từ những mẫu đất và nước mà nhóm điều tra lấy được trong đợt khám xét Lãnh sự quán Saudi Arabia và dinh thự của Tổng lãnh sự nước này. 

Về phía Saudi Arabia, cho đến nay, Riyadh tiếp tục bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng đây là một sự việc “dối trá” có thể khiến nước này rơi vào khủng hoảng chính trị, làm lung lay quan hệ đồng minh với Mỹ và phải “lùi một bước” trước các kế hoạch nhằm dẫn đầu khu vực Trung Đông. 

Trong một diễn biến khác, Reuters cùng ngày đưa tin, trước lo ngại về vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị mất tích, một số quốc gia châu Âu như Anh, Đức, Hà Lan và Pháp đã đình chỉ các chuyến công tác của quan chức những nước này tới Saudi Arabia trong thời gian tới. 

Các nước này đánh giá vụ việc của nhà báo Khashoggi là vô cùng nghiêm trọng và kêu gọi Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc điều tra minh bạch và tin cậy. 

Trước đó, phía Mỹ cũng đã ra tối hậu thư, yêu cầu Saudi Arabia phải hoàn tất việc điều tra mất tích bí ẩn của nhà báo Khashoggi trong vòng 72 giờ, nếu nước này muốn tránh việc làm xấu vị thế trên trường quốc tế.

N.U
.
.
.