Nước Pháp lại nóng về cải cách Luật Lao động

Thứ Năm, 14/09/2017, 08:51
Trong bối cảnh tỷ lệ tín nhiệm đang ở mức thấp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại tiếp tục phải đối mặt với một vấn đề khó khăn khác từ chuyện cải cách Luật Lao động.


Hãng tin The Guardian của Anh số ra ngày 13-9 cho biết, hàng loạt cuộc biểu tình và bãi công đã diễn ra trên toàn nước Pháp hôm 12-9 nhằm phản đối những cải cách về Luật Lao động mà chính phủ mới công bố hôm 1-9. 

Các cuộc biểu tình này do các nghiệp đoàn lớn của Pháp gồm CGT, FSU, Solidaires và UNEF tổ chức với sự tham gia của hàng trăm ngàn người. Đây là đợt biểu tình đầu tiên kể từ khi chính phủ mới được thành lập ở Pháp sau cuộc bầu cử Tổng thống hồi đầu năm. 

Tin từ tờ Le Monde cho hay, trước khi có các cuộc biểu tình này, hơn 4.000 lời kêu gọi đình công trên toàn quốc đã được FSU, Solidaires và UNEF đưa ra với mục đích là tiến hành gần 200 cuộc biểu tình. 

Riêng tại thủ đô Paris, cuộc biểu tình đầu tiên được thực hiện đúng 12 giờ GMT ngày 12-9 đã làm xáo trộn các chuyến xe lửa ngoại ô và khiến 100 chuyến bay bị hủy. 

Các tuyến đường lưu thông trên đại lộ Champs-Elysee và một số đường dẫn tới thủ đô Paris lâm vào cảnh tắc nghẽn. Còn tại thành phố Marseille, cảnh sát ước tính có khoảng 7.500 người tham gia, ít hơn nhiều so với con số 60.000 người mà nghiệp đoàn FSU đưa ra.

Các cuộc biểu tình và bãi công đã diễn ra trên toàn nước Pháp hôm 12-9 nhằm phản đối những cải cách về Luật Lao động. Ảnh: Getty 

Giới quan sát nhận định, mặc dù biểu tình được tổ chức ở nhiều nơi nhưng xem ra, số lượng người ủng hộ không phải là nhiều. Nguyên nhân được cho là ngay từ trong nội bộ các nghiệp đoàn cũng đã xảy ra mâu thuẫn. Chẳng hạn, các nghiệp đoàn FO, CFE-CGC và CFDT đều không ủng hộ hành động này với lý do sẽ tạo nên “nguy cơ lũng đoạn trật tự xã hội vì lợi ích kinh tế”. 

Một số người khác thì cho rằng, người lao động cần phải cân nhắc kỹ trước những lời kích động và kêu gọi của các nghiệp đoàn, bởi lẽ hồi năm ngoái, khi được đưa ra, Luật Lao động mới cũng đã vấp phải sự phản đối rất nhiều với lý do là quá ưu ái giới chủ và đe dọa quyền cơ bản của người lao động. 

Nay, khi chính phủ tập trung cải cách để đổi mới theo hướng ưu tiên thỏa thuận nội bộ của từng doanh nghiệp và tập trung chống thất nghiệp hàng loạt thì sự phản đối vẫn tiếp diễn.

Vậy sự cải cách trong Luật Lao động của Chính phủ Pháp là như thế nào? Hồi tháng 6, tại một cuộc họp báo tổ chức tại Điện Matignon (Phủ Thủ tướng), Thủ tướng Pháp Edouard Philippe và Bộ trưởng Bộ Lao động Muriel Pénicaud đã công bố Chính phủ dự định tiến hành 6 cuộc cải cách trong thời gian 18 tháng nhằm đổi mới mô hình xã hội Pháp. 

Theo đó, một dự luật cho phép Chính phủ thông qua việc cải cách bộ luật lao động bằng các sắc lệnh hành pháp được thảo luận tại phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng. Đến ngày 2-8, với 225 phiếu thuận và 109 phiếu chống, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật này. 

Tờ New Statesman đã có bài phân tích kỹ về vấn đề này, nói rõ rằng, Tổng thống Emmanuel Macron muốn cải cách lao động là muốn hiện đại hóa và tự do hóa thị trường lao động ở Pháp. Ý tưởng này có từ thời ông còn là Bộ trưởng Kinh tế dưới thời chính quyền Tổng thống Francois Hollande. Tuy nhiên, chỉ đến khi trở thành ông chủ điện Elysee, Emmanuel Macron mới có cơ hội thúc đẩy mạnh hơn. 

Phiên bản đầu tiên của cuộc cải cách này được soạn thảo theo "luật El Khomri" nhưng những cải cách mới nhất của Emmanuel Macron đã đi xa hơn luật El Khomri. Nó nhằm mục đích hoàn toàn tổ chức lại thị trường lao động của Pháp, theo truyền thống là bảo vệ quyền của người lao động, đồng thời chuyển mạnh quyền lực vào tay người sử dụng lao động và các công ty. 

Tổng thống Pháp hứa rằng "những cải cách này sẽ mang lại nhiều tự do hơn, bảo vệ tốt hơn và bình đẳng hơn cho 18 triệu nhân viên, 3 triệu công ty và 2,6 triệu người tìm việc". Và để việc cải cách này được thực hiện một cách trôi chảy thì chính phủ đã đưa ra 5 kế hoạch cùng 36 biện pháp để củng cố đối thoại xã hội.

Giới chuyên môn nhận định, đây là những thay đổi táo bạo bởi so với trước đây khi Luật Lao động của Pháp duy trì một hình thức hội đồng hòa giải giữa doanh nghiệp và người lao động khi có tranh chấp. Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp đã dao động quanh mức 10% trong nhiều năm (gấp đôi mức của Anh). Một trong những mục tiêu của Tổng thống Emmanuel Macron là làm cho thị trường lao động trở nên trôi chảy hơn - nhưng nhiều công nhân có thể thấy các biện pháp này là bãi bỏ quy định thị trường hơn là hiện đại hóa thị trường. 

Dự luật lao động cải cách sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: đảm bảo sự hài hòa giữa các "thỏa thuận ở phạm vi doanh nghiệp và thỏa thuận ở phạm vi ngành nghề", "đơn giản hóa và tăng cường đối thoại kinh tế và xã hội giữa chủ doanh nghiệp và người lao động", "đảm bảo mối quan hệ trong công việc" giữa các tác nhân nói trên. 

Ngoài ra, dự luật cũng bao gồm các quy định cụ thể về điều kiện lao động tại cơ sở tư nhân, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng lao động trong việc sa thải và tuyển dụng nhân công, cùng những quy định về các mức trần bồi thường trong trường hợp chủ lao động sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng…

Gia Nam
.
.
.