COVID-19 đã giết chết hơn một triệu người trên toàn thế giới

Thứ Ba, 29/09/2020, 08:00
Hơn một triệu người đã thiệt mạng vì COVID-19 kể từ khi căn bệnh này bùng phát ở Trung Quốc, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Ảnh minh họa AP. 

Chỉ tính riêng tại Mỹ, số ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã lên đến 200.000, xếp số một thế giới, theo sau là Brazil với 142.000 và Ấn Độ với 95.000.

Hồi tuần trước, 7 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận chỉ tính riêng tại Mỹ, đồng thời, các chuyên gia nhận định rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai vào mùa thu đông này còn có thể khủng khiếp hơn, khi bệnh viện phải đóng cửa hoặc cắt giảm những dịch vụ cần thiết.

Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu không có dấu hiệu lắng dịu, các quốc gia trên thế giới đang trải qua những làn sóng lây nhiễm mới và các nhà khoa học đang tăng cường nỗ lực để đưa ra một loại vaccine hiệu quả.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng số người chết có thể tăng lên hai triệu người trước khi một loại vaccine thành công được sử dụng rộng rãi và con số này có thể cao hơn nữa nếu không có hành động phối hợp để kiềm chế đại dịch.

Trợ lý Bộ trưởng Y tế Mexico Hugo López-Gatell cho biết, tại quốc gia có số người chết vì COVID-19 cao thứ tư thế giới này, với hơn 76.430 ca, sẽ mất một vài năm mới có được những số liệu chính thức.

Mexico tiến hành rất ít xét nghiệm và nhiều người đã chết khi chưa kịp xét nghiệm, điều này có nghĩa là nhiều trường hợp tử vong do COVID-19 chưa được xác nhận và số liệu hiện nay vẫn còn thấp so với thực tế.

Không giống như ở Mỹ và các quốc gia khác, nơi đại dịch đã giết chết hàng chục hoặc hàng trăm nghìn người, ở Trung Quốc, nơi khởi nguồn của đại dịch, số ca tử vong được báo cáo thấp hơn nhiều. Theo số liệu của ủy ban y tế nước này, đã có 4.634 trường hợp tử vong và hơn 85.000 trường hợp mắc bệnh kể từ khi đại dịch bùng phát.

Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc cố gắng che đậy sự bùng phát trong giai đoạn đầu, cáo buộc Bắc Kinh và WHO đã không hành động đủ sớm để ngăn chặn virus lây lan trên toàn cầu, làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung.

Những hạn chế khắt khe được các chính phủ trên toàn thế giới thực thi để ngăn chặn sự lây lan của virus đã đồng thời tàn phá nền kinh tế toàn cầu, làm tổn thương thị trường việc làm và các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô.

Ngân hàng Thế giới đã gọi đại dịch này là “cú sốc kinh tế lớn nhất mà thế giới phải trải qua trong nhiều thập kỷ”, dự đoán tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ giảm hơn 5% trong năm 2020.

Đại dịch cũng đã làm gián đoạn các sự kiện thể thao trên toàn thế giới, khiến những người hâm mộ không thể tham dự vì các hạn chế về khoảng cách xã hội.

Tuần trước, tân Thủ tướng Nhật Bản, Yoshihide Suga, cho biết Tokyo quyết tâm đăng cai Thế vận hội vào năm 2021 sau khi các trận đấu, dự kiến ban đầu cho mùa hè này, bị hoãn lại vì đại dịch. Tuần trước, nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo đã công bố kế hoạch tổ chức một sự kiện được sắp xếp hợp lý trong bối cảnh đại dịch.

Duy Tiến
.
.
.