Du lịch xanh của người phố Hội làm xiêu lòng du khách

Thứ Sáu, 28/04/2017, 12:11
Trở lại Hội An (Quảng Nam) bây giờ, du khách sau khi hóa thân làm bác nông dân cưỡi trâu thăm ruộng; gánh nước trồng rau ở làng Trà Quế; hay mạo hiểm chèo thuyền thúng mùa nước lớn… thì việc bỏ 10 USD để được bơi thuyền Kayak làm “người bảo vệ môi trường” trên sông Hoài quả là một trải nghiệm đầy thích thú…


Từ trải nghiệm du lịch “lạ”

“Hội An à?, Very good”… cả hai vợ chồng chị Viky Jacque Line (du khách người Mỹ) cùng đoàn khách du lịch đang tham gia tour chèo thuyền Kayak và vớt rác trên sông Hoài đã đồng loạt vui vẻ khi được hỏi… Quả vậy, du lịch xanh, du lịch không khói thân thiện với môi trường thì không chỉ riêng ở Hội An, mà khắp cả nước, ở rất nhiều địa phương đã ứng dụng và thu được hiệu quả cao. Nhưng mỗi nơi có một “đặc sản” riêng của mình, mà có lẽ Hội An là nơi mà sự “độc quyền” lạ nhất, hấp dẫn nhất.

Xin kể câu chuyện làm du lịch tréo ngoe, có phần mạo hiểm nhưng lại rất hút khách nước ngoài, đã đem lại “thu nhập” không ít cho người dân phố Hội. Đó là trường hợp cụ Lê Trần Đường (67 tuổi), ngư dân thâm niên, dân chài miền Trung thấp thỏm lo âu, sợ nhất là vào mùa bão lũ từ khoảng tháng 9, 11 đến cận Tết. Do bởi thuyền thì phải nằm bờ tránh bão, gia đình bạn chài thì lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng thu vén tài sản để “chạy lũ”...

Du khách thích thú tham gia tour du lịch vớt rác trên sông Hoài.

Nhưng riêng vạn chài phố Hội tụi tui thì lại khác. Mùa lụt, nước từ thượng nguồn ào ào đổ về nhấn chìm nhiều đoạn trong khu phố cổ… đó cũng là lúc cánh thuyền chài chúng tôi vào mùa “tất bật”. Bởi bao nhiêu thuyền thúng, nan các loại đều được “huy động” để chở Tây đi “lội lụt”.

Mỗi thuyền chở từ 1 đến 2-3 khách Tây, chèo vòng quanh các con phố cổ bị ngập nước chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ đã có thể nhận được thù lao từ 80 - 120 nghìn đồng/khách, vậy mà vẫn luôn “đắt khách”.

Có chuyện lạ nữa, phố không động cơ, xe đạp, xích lô là phương tiện duy nhất khi tham quan phố cổ là chủ trương của thành phố Hội An và được người dân, du khách rất hưởng ứng. Nhưng kỳ lạ ở chỗ, mỗi khi các con phố ngập sâm sấp nước thì các cửa hàng, khách sạn có dịch vụ cho du khách thuê xe đạp lại trở nên rất “đắt hàng”.   

Trả tiền để được… vớt rác sông Hoài

Từ làng chài Cửa Đại, từng tốp 2-3 du khách trên một thuyền thúng, ngoài mái chèo, áo phao, mũ chống nắng họ còn được “tặng kèm” túi đựng rác và chiếc vợt lưới dài tầm 1.25m… vậy là thẳng hướng rừng dừa Bảy Mẫu. Từng thuyền thúng chai nhẹ nhàng lướt qua các con rạch nhỏ, những hàng dừa xanh ngắt, mát rượi.

Vừa ngắm cảnh họ vừa được nghe hướng dẫn viên kiêm “chủ thúng” lưu loát tiếng Anh kể lại lịch sử về chiến công của những du kích anh hùng của rừng Bảy Mẫu đã dựa lưng vào rừng dừa chiến đấu trong bom đạn.

Khách cũng rất thích thú khi được biết thêm ngoài vẻ đẹp, chính từ những lá dừa nước này còn được người dân địa phương khéo léo biến thành đồ thủ công mỹ nghệ hấp dẫn. Nhưng màn thú vị nhất đó chính là du khách cùng chủ nhà “làm sạch môi trường”. Bấy giờ những chiếc vợt lưới, túi đựng rác sẽ phát huy công dụng.

Cách làm du lịch xanh, thân thiện môi trường này đã được chàng trai trẻ Trần Văn Khoa và “công ty gia đình” Lữ hành Khoa Trần Hội An (Khoa Eco-tour) triển khai đầu tiên tại phố Hội từ cách đây gần 10 năm.

Hiện nay, không chỉ công ty của Khoa, mà ngoài những công ty lữ hành du lịch thì ngay cả dân làng chài phố Hội người người, nhà nhà cũng đầu tư thuyền thúng, trau dồi ngoại ngữ để làm du lịch xanh giống vậy.

Và với khoản phí 10 USD bỏ ra để được nhặt rác, nhiều du khách đã cho biết: Ở nước chúng tôi cũng có những hoạt động cộng đồng, nhặt rác để bảo vệ cộng đồng như vậy. Việc bỏ ra 10 USD chỉ là một khoản tiền rất nhỏ nhưng dùng để làm các công tác bảo vệ môi trường ý nghĩa rất lớn. Chúng tôi hy vọng thông qua những hoạt động này của người dân làm du lịch ở Hội An, người dân Việt sẽ có ý thức hơn và tích cực bảo vệ môi trường hơn...

Hội An là di sản văn hóa và cũng là điểm du lịch được yêu thích bậc nhất tại Việt Nam. Nhiều du khách quốc tế chia sẻ rằng, họ đã đến Hội An một lần và sẽ trở lại nơi đây nhiều lần nữa”. Bởi Hội An không chỉ là di sản văn hóa được UNESCO công nhận, mà Hội An còn có một tài sản quý giá đó chính là con người phố Hội.

Hoài Thu
.
.
.