Điều hành tỷ giá linh hoạt vì 'sức khỏe' nền kinh tế

Thứ Sáu, 17/04/2015, 08:18
Tiếp tục giữ hay điều chỉnh tăng tỷ giá đồng USD- đó là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, dù cách đây gần 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố chưa điều chỉnh. Theo các chuyên gia, việc tuyên bố mức điều chỉnh “cứng” của tỷ giá trong năm có tác dụng tốt về mặt tâm lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đồng thời thể hiện quyết tâm duy trì sự ổn định thị trường.

Tác động đa chiều và lợi - hại của việc neo tỷ giá

Sau nhiều ngày đi ngang, tỷ giá đồng bạc xanh trên thị trường Việt Nam lại dâng nhẹ, mỗi USD tăng thêm 5-10 đồng tùy từng ngân hàng. Tại Vietcombank, đồng USD ở chiều bán đã lên đến 21.635 đồng.

Với mức này, tỷ giá chỉ còn cách trần quy định của NHNN 28 đồng - một khoảng cách rất mong manh. Trong khi đó, giá USD trên thị trường thế giới cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tính trong khoảng 1 năm trở lại đây, giá trị đồng EUR so với đồng USD đã giảm khoảng 23%, mức giảm giá của đồng yên Nhật Bản cũng vào khoảng 18%.

Những biến động mạnh mẽ trên thị trường tiền tệ quốc tế đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Các diễn biến này khiến cuộc tranh luận về chính sách tỷ giá của Việt Nam thu hút được nhiều ý kiến khác nhau. Giữ hay tăng tỷ giá là câu hỏi được quan tâm không chỉ riêng doanh nghiệp. Bởi vậy, Hội thảo “Chính sách tỷ giá của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” đã thu hút được rất đông nhà khoa học, nhà quản lý tham gia bàn luận về vấn đề này.

Giao dịch ngoại tệ tại một ngân hàng.

Nhìn lại chính sách của NHNN trong những năm gần đây, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu tỷ giá tăng không quá 2%/năm. Với tầm nhìn dài hạn, đây là một định hướng hoàn toàn đúng đắn, bởi một quốc gia không thể giàu lên, nếu chỉ nhờ vào việc in tiền và phá giá đồng nội tệ. Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, cùng với chính sách tài khoá, các chính sách tiền tệ và tỷ giá lại giữ vai trò to lớn trong việc điều tiết tổng cầu và ổn định sản lượng, nhất là khi nền kinh tế gặp những cú sốc tiêu cực.

Theo TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Bộ Công Thương, tỷ giá tăng thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu nhưng lại làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài của doanh nghiệp nói riêng và toàn quốc gia nói chung. Thực tế cho thấy, tỷ giá tăng cũng đẩy lạm phát lên cao.

“Đồng Việt Nam tăng giá quá cao so với USD và các đồng tiền ngoại tệ khác dẫn tới năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam bị giảm mạnh, không khuyến khích xuất khẩu, trong khi lại khuyến khích nhập khẩu. Tình trạng tỷ giá chính thức có thời điểm chênh lệch lớn so với thị trường tự do khiến hoạt động đầu cơ ngoại tệ vốn giảm mạnh thời gian qua có thể quay trở lại. USD liên tục tăng giá trong khi NHNN vẫn duy trì tỷ giá ổn định trong một thời gian dài dẫn tới khi phải điều chỉnh cho sát thực tế sẽ phải áp dụng biên độ lớn gây ra cơn sốc”, TS Phương phân tích.

Nên điều chỉnh thường xuyên hơn

Về chính sách điều hành tỷ giá của NHNN, PGS.TS Ngô Văn Hiền (Học viện Tài chính) cho rằng việc ổn định hay phá giá tiền đồng phải được cân nhắc, xem xét trong mối quan hệ tổng thể kinh tế. Tăng tỷ giá hay giữ tỷ giá một cách duy ý chí không tuân thủ quy luật nền kinh tế thị trường, đến mức độ nào đó, sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Vì thế, cần thiết phải cân nhắc các mục tiêu một cách rõ ràng để có các quyết định phù hợp

Phân tích ở góc độ lợi hại, TS Lê Quốc Phương cho rằng, chế độ neo tỷ giá có điều chỉnh giúp tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế, giữ cho hoạt động của doanh nghiệp được ổn định, giữ gánh nặng nợ quốc gia, giảm áp lực lạm phát. Tuy nhiên chế độ neo tỷ giá có điều chỉnh cũng gây ra không ít bất lợi.

Để tỷ giá tăng 1-2 VND/ngày giúp ổn định trong ngắn hạn và linh hoạt trong dài hạn.

“Theo tôi, không nên neo tỷ giá vào một ngoại tệ duy nhất là USD. Nên có công thức neo tỷ giá theo rổ ngoại tệ chủ chốt. Mặt khác, nên tránh đưa ra tuyên bố về mức điều chỉnh cứng của tỷ giá trong năm. Bởi hiện USD tăng giá mạnh thì việc tuyên bố này sẽ đẩy NHNN vào thế khó xử. Tỷ giá nên được điều chỉnh thường xuyên hơn song mỗi lần với biên độ điều chỉnh nhỏ để tránh gây sốc thị trường”- TS Phương đề xuất

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Độ kiến nghị: “Trong bối cảnh hiện nay, một chính sách tỷ giá “bò trườn” 1-2 VND/ngày có thể hữu ích cho nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo được sự ổn định trong ngắn hạn và linh hoạt trong dài hạn. Việc xác định giới hạn điều chỉnh tỷ giá tối đa cho mỗi năm cần dựa trên tốc độ phục hồi của nền kinh tế”.

Trong khi đó, PGS TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân lại cho rằng: “Cần kiên định mục tiêu neo buộc trực tiếp đồng Việt Nam với đồng USD do các đồng tiền khác như nhân dân tệ, EUR và yên Nhật Bản không ổn định. Không nên vội vàng điều chỉnh chính sách tỷ giá từ song phương sang rổ tiền tệ, cho dù cơ chế rổ tiền tệ ổn định nhưng không khai thác kịp thời các tác động nhanh chóng và với lợi ngắn hạn của thị trường. Thực tế cũng đã cho thấy, việc neo theo đồng USD đã góp phần đảm bảo sự ổn định của đồng Việt Nam trong khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu”...

Lệ Thúy
.
.
.