Vẫn chậm trễ trong giải ngân vốn đối ứng cho các dự án ODA

Thứ Sáu, 20/05/2016, 07:08
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong năm 2015 đạt khoảng 4.600 triệu USD (trong đó ODA vốn vay khoảng 4.350 triệu USD, ODA viện trợ không hoàn lại khoảng 250 triệu USD).


Mức giải ngân này thấp hơn khoảng 18,6% so với năm 2014. Bên cạnh đó, số liệu báo cáo mới nhất của Bộ KH&ĐT cho thấy tổng số vốn ODA ký kết tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 4-2016 khoảng 1 tỷ USD, giải ngân ước đạt 610 triệu USD.

Nhiều công trình dự án trọng điểm quốc gia đã sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi hiệu quả.  Ảnh: Ninh Kiều.

Nhận định về công tác giải ngân vốn ODA, Bộ KH&ĐT cho rằng mặc dù có những mặt tích cực song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến mức giải ngân trong năm 2015 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, chỉ bằng 92% kế hoạch giải ngân vốn ODA đề ra năm 2015 (5 tỷ USD). Đặc biệt, vấn đề chậm trễ trong giải ngân vốn đối ứng được đánh giá là tồn tại lớn có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án, làm chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra.

“Nhu cầu vốn đối ứng của các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi là rất lớn. Mặc dù Quốc hội và Chính phủ xác định rõ vốn đối ứng là “vốn mồi” để giải ngân nguồn vốn nước ngoài và ưu tiên bố trí vốn đối ứng từ ngân sách tập trung và nguồn trái phiếu Chính phủ song vẫn chưa đáp ứng được tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi”, báo cáo của Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được đánh giá là bộ có mức giải ngân cao trong năm 2015.


Báo cáo thực tế từ Ban quản lý dự án các địa phương, một số dự án trọng điểm mặc dù được đánh giá là có mức giải ngân và tiến độ giải ngân tương đối tốt song thực tế vẫn đang đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ do bị chậm trễ trong giải ngân vốn đối ứng do chưa tìm được nguồn vốn bổ sung cho công tác GPMB. Đó là các dự án như dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ đầu tư.

Dự án này hiện đang thiếu vốn cho các địa phương thực hiện công tác GPMB mặc dù chủ đầu tư đã phải tự ứng trước hơn 700 tỷ đồng, dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng do VEC làm chủ đầu tư trong thời gian qua, do nguồn ngân sách nhà nước gặp rất nhiều khó khăn nên kinh phí bố trí cho công tác GPMB của các dự án do VEC làm chủ đầu tư luôn thiếu hụt và không kịp thời. Còn tại Hải Phòng, nhiều dự án giao thông lớn sử dụng vốn vay ODA với mức vốn đăng ký lên tới hàng trăm tỷ đồng/năm nhưng giá trị giải ngân chỉ đạt khoảng 30%, thậm chí có khi chưa tới 10% con số đăng ký..

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, mức giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương. Những chương trình, dự án trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng điện, phát triển đô thị có mức giải ngân cao hơn so với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục và đào tạo, thông tin truyền thông, lao động, thương binh và xã hội.

Tương tự, giải ngân của các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có mức cao hơn nhiều so với các địa phương khác trong cả nước.

 Riêng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được đánh giá là bộ có mức giải ngân cao trong năm 2015 với mức giải ngân cao trên 80% so với kế hoạch, 1 dự án giải ngân khá (40%-80%) và 12 dự án giải ngân dưới 40%. Trong đó, vẫn còn nhiều dự mức giải ngân chưa đạt yêu cầu bao gồm: Dự án Đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội – tuyến số 1, dự án Xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long (hợp phần B, C3ii và D), dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Trước thực tế trên, để góp phần khắc phục tình trạng này, Bộ KH&ĐT đề xuất Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2010/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, ban hành Nghị định chính quyền địa phương vay lại vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi và Nghị định cho vay lại thông qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng nhằm chia sẻ gánh nặng cho ngân sách trung ương đồng thời nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Với việc giảm bớt gánh nặng ngân sách Trung ương thông qua nguồn vốn bổ sung, sẽ góp phần giảm bớt áp lực tiến độ và thời hạn giải ngân vốn đối ứng vốn đang thường xuyên bị chậm trễ như hiện nay. 

Lưu Hiệp
.
.
.