Tỷ giá USD tiếp tục dâng cao

Thứ Sáu, 03/04/2015, 09:52
Sau một phiên giảm nhẹ, hai ngày giao dịch đầu tiên của tháng mới, hầu hết các ngân hàng đều tăng trở lại giá mua – bán USD. Việc tỷ giá “không yên” khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng, dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố giữ ổn định tỷ giá.

Nỗi lo doanh nghiệp

Sau khi tăng thêm từ 20-30 đồng trong ngày giao dịch 1/4, ngày 2/4, giá bán đồng bạc xanh của các ngân hàng tiếp tục dâng cao, thêm từ 20-25 đồng, phổ biến là 21.610 đồng/USD. Cá biệt có ngân hàng bán ra ở mức 21.620 đồng/USD.

Cụ thể, giá mua – bán USD của Vietcombank đang được niêm yết ở mức 21.555/21.615 đồng/USD, tăng 25 đồng/USD ở cả hai chiều mua – bán so với sáng 1/4.

Tại BIDV, giá mua – bán USD cũng tăng thêm 20 đồng, lên 21.550/21.610 đồng/USD.

“Khiêm tốn” hơn, Agribank chỉ nâng giá giao dịch đồng bạc xanh thêm 15 đồng mỗi chiều lên 21.525/21.605 đồng/USD.

Với khối NHTMCP, giá mua – bán USD của Eximbank, ACB và LienVietPostBank đều tăng thêm 20 đồng lên 21.530/21.610 đồng/USD

Giá giao dịch USD của Sacombank cũng được niêm yết ở mức 21.530/21.610 đồng/USD, mức giá này cao hơn ngày 1/4 tới 30 đồng ở chiều mua và cao hơn 20 đồng ở chiều bán.

Techcombank cũng tăng giá mua vào USD thêm 25 đồng lên 21.535 đồng/USD, song chỉ nâng giá bán ra có 20 đồng, lên 21.615 đồng/USD. Cá biệt, DongA Bank đang niêm yết tỷ giá USD ở mức 21.530/21.620 đồng/USD.

Như vậy, giá mua vào thấp nhất trên thị trường là 21.525 đồng/USD, trong khi giá mua vào cao nhất là 21.555 đồng/USD. Còn giá bán ra thấp nhất là 21.605 đồng/USD và giá bán ra cao nhất là 21.620 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn là 21.458 đồng/USD.

Câu chuyện tỷ giá tăng gây khó khăn cho DN lại được đặt ra. Tại cuộc họp bàn việc tháo gỡ khó khăn xuất khẩu nông - lâm - thủy hải sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, hàng loạt DN, hiệp hội ngành hàng như chè, gỗ, rau quả, thủy sản… đều đồng loạt kêu khó vì tỷ giá không được điều chỉnh, khiến tiền đồng tăng giá mạnh do tiếp tục neo với USD.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, xuất khẩu thủy sản quý I-2015 đang giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm gần đây (giảm 23%). Việc sút giảm diễn ra ở cả 3 thị trường chủ lực là Mỹ, EU, Nhật Bản, với con số giảm tương ứng lần lượt là 44%, 11% và 15%.

Theo phân tích của VASEP, ngoài thuế chống bán phá giá (khiến xuất khẩu sang Mỹ giảm) thì tỷ giá là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên.

Cụ thể, các DN xuất khẩu chủ yếu thanh toán bằng USD, trong khi đồng yên và euro đều giảm giá so với USD. Cách tính tỷ giá chéo này đã làm cho các đơn hàng xuất khẩu sang EU, Nhật giảm mạnh.

Ngoài ra, còn lý do nữa do tỷ giá của Việt Nam thời gian qua luôn được giữ ở mức ổn định, trong khi các đối thủ bạn là Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan thực hiện chính sách thả nổi tỷ giá, nên giá hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt hơn so với các nước trong khu vực, thiếu tính cạnh tranh…

Biến động vẫn dưới mức trần

Từ phía NHNN, cơ quan này đã chính thức công bố không điều chỉnh tỷ giá trong thời điểm này. Lãnh đạo NHNN khẳng định, tỷ giá tăng trong thời gian vừa qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý trước xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới, và mức tăng vẫn nằm trong phạm vi trần của NHNN. Còn đối với các yếu tố kinh tế, về cơ bản không có biến động lớn và không đáng quan ngại.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết: “Hiện đồng USD đang tăng mạnh so với hầu hết các đồng tiền, nhưng theo quan sát của chúng tôi về diễn biến thị trường trong nước và thế giới thì thấy USD chỉ tăng giá mạnh với một số đồng tiền chủ chốt như đồng EUR, GPB, CAD…, còn so với các đồng tiền khác, nhất là các đồng tiền trong khu vực châu Á như đồng Nhân dân tệ, đô la Hồng Kông… thì mức độ tăng giá của USD không lớn.

Thực tế, tỷ trọng thương mại của Việt Nam so với các nước có đồng tiền mất giá mạnh so với USD chiếm tỷ trọng nhỏ hơn nhiều so với tỷ trọng thương mại của các nước có đồng tiền mất giá không nhiều so với USD.

Do vậy, chúng ta cũng không quá lo ngại đối với ảnh hưởng của VND lên giá so với các đồng tiền khác đối với xuất khẩu. Mức độ cho phép VND mất giá bao nhiêu cần phải cân nhắc hài hòa, không nhất thiết chúng ta phải điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá so với USD để tăng xuất khẩu”.

Cũng theo bà Hồng, nói đến cạnh tranh của hàng xuất khẩu, chúng ta phải thấy rằng, cạnh tranh không chỉ là yếu tố giá và trên thực tế, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều khi duy trì giá bán thấp hơn so với mức giá của các nước khác, nhưng sức cạnh tranh vẫn hạn chế bởi nhiều yếu tố như mẫu mã, chủng loại, thị hiếu, giá trị sử dụng chưa vượt trội, mức độ thỏa mãn của người tiêu dùng…

Bởi vậy, nếu quá chú trọng đến yếu tố giá thì việc điều chỉnh tỷ giá với liều lượng nhiều hơn, có thể cải thiện xuất khẩu, nhưng mức độ cải thiện không lớn, nhất là khi nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu.

Và đứng trên góc độ rộng hơn thì điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ làm tăng giá  nhập khẩu tính bằng đồng bản tệ gia tăng. Như vậy, các DN sẽ gặp khó khăn khi chi phí đầu vào tăng lên.

Với cơ cấu hàng hóa nhập khẩu hiện nay có tới 90% là hàng hóa phục vụ sản xuất, còn 10% là hàng hóa tiêu dùng thì tác động này cần phải được cân nhắc.

NHNN thấy rằng, việc tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá sẽ có lợi nhiều hơn việc điều chỉnh tỷ giá trong giai đoạn này.

Thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm. NHNN theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, chủ động điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, cũng như thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Lệ Thúy
.
.
.