Thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài

Thứ Sáu, 16/06/2017, 08:53
Trong thời gian qua, thị trường phân phối tại Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Mở đầu là các nước châu Âu như Đức với Metro hay Pháp với Tập đoàn Bourbon. Cũng từ đó các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong nước đã tiếp cận trực tiếp để bán hàng vào các hệ thống phấn phối của nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy nhiên, dù có mặt tại nhiều hệ thống phân phối trên toàn thế giới, nhưng phải “gánh” quá nhiều khâu trung gian nên sản phẩm Việt khi đến tay người tiêu dùng (NTD) nước ngoài bị đẩy giá lên quá cao. Vì vậy, làm thế nào để sản phẩm Việt từ khâu sản xuất đưa trực tiếp đến tay NTD tại các nước đang là vấn đề được các DN, Bộ Công thương quan tâm.

Theo ông Nishitoghe Yasuo - Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, chất lượng hàng hóa của các nhà cung cấp Việt Nam đang ngày càng được cải thiện so với trước đây. Hiện có 1.675 nhà cung cấp Việt Nam đang cung cấp hàng hóa cho hệ thống của Aeon trên toàn quốc. Aeon cũng đã tích cực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua 14.000 cửa hàng của Aeon tại châu Á và Nhật Bản.

Chỉ tính riêng năm 2016, Aeon đã nhập 200 triệu USD hàng hóa của Việt Nam để xuất đi các thị trường, trong đó chỉ tính riêng cá tra đạt 1.500 tấn với trị giá 9 triệu USD.

Ông Lê Anh Đức - Phó Tổng giám đốc Liên Hiệp HTX thương mại Saigon Co.op cho biết, nhiều năm qua đơn vị sẵn sàng hợp tác với các cơ sở sản xuất trong nước, giúp các cơ sở quảng bá thương hiệu mở rộng thị trường theo sự phát triển mạng lưới của Saigon Co.op với hơn 400 cửa hàng, điểm bán… Hơn 90% hàng hóa kinh doanh tại hệ thống là hàng Việt Nam.

Saigon Co.op đã kết nối vùng nguyên liệu, ký kết sản phẩm với các tỉnh tiêu thụ khoảng 1.500 tấn các loại thủy hải sản, gia cầm, thực phẩm chế biến khu vực Đông Nam Bộ và tiêu thụ khoảng 1.850 tấn trái cây, thịt gia súc, gia cầm… khu vực Tây Nam Bộ.

Thống kê từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã tổ chức khoảng 10 sự kiện “Tuần hàng Việt Nam” tại châu Âu, châu Á, giúp DN thuận lợi hơn khi xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài, tiết kiệm được chi phí trung gian, mang lại giá trị gia tăng cao.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt được các hệ thống siêu thị đưa đi xuất khẩu.

Ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ châu Âu cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào hệ thống nhà phân phối Aeon (Nhật Bản) đã tăng từ 18,2 tỉ yên trong 2013 lên khoảng 23,4 tỉ yên trong năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu vào hệ thống Lotte (Hàn Quốc) đạt 19,6 triệu USD trong năm 2014. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt của Casino tăng mạnh lên 27 triệu USD trong năm 2014 và 30 triệu USD trong năm 2015.

Nhằm hỗ trợ DN Việt Nam tiếp cận trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng kim ngạch, đa dạng chủng loại hàng Việt tại các hệ thống phân phối nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án: “Thúc đẩy các DN Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến 2020” theo Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3-9-2015, đến nay đã nâng tầm thành Đề án của Chính phủ.

Mục tiêu, đến năm 2020 hàng hóa Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của các ngành hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, giày dép, nông sản, cà phê, chè, thủy sản, tăng thêm 10 - 15%.

Để triển khai đề án cần huy động sự tham gia tích cực của 3 tác nhân liên quan gồm: Các cơ quan quản lý nhà nước (chủ trì triển khai là Bộ Công Thương), các tập đoàn phân phối nước ngoài (đặt trọng tâm huy động các tập đoàn đã có đại diện tại Việt Nam và các tập đoàn chiếm thị phần lớn ở các thị trường có FTA với Việt Nam) và các DN sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có sự tham gia từ phía các Hiệp hội ngành hàng.

“Bộ Công Thương đóng vai trò cầu nối thúc đẩy liên kết giữa các DN Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài với mục tiêu là hàng Việt xuất khẩu trực tiếp có hiệu quả thông qua các kênh phân phối này. Trên cơ sở thực tế triển khai, Bộ sẽ xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho DN Việt Nam, hoặc các mô hình thí điểm, mô hình mẫu để hướng DN Việt Nam tận dụng hình thức xuất khẩu này”, ông Đặng Hoàng Hải cho biết.

Bước đầu, trong năm 2017 Bộ Công Thương kết nối DN Việt Nam với các hệ thống phân phối lớn của châu Âu và châu Á tại các nước: Italia (Coop Italia, Conad), Pháp (Auchan, Casino), Cộng hòa Séc (Makro), Thái Lan (Central Group), Nhật (Aeon) để quảng bá, xuất khẩu hàng Việt.

Thúy Hà
.
.
.