Than trong nước ứ đọng nhưng vẫn nhập khẩu mạnh (?!)

Thứ Sáu, 07/07/2017, 09:22
Theo báo cáo của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, thời gian qua, than trong nước dư thừa nhiều nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một khối lượng lớn than từ nước ngoài để phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp. Điều này được cho là nghịch lý đã và đang tồn tại nhiều năm nay…

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2017, tổng lượng than xuất khẩu của cả nước đạt gần 900.000 tấn, gấp hơn 3 lần so cùng kỳ năm trước. Nhật Bản và Malaysia là hai thị trường dẫn đầu về nhập khẩu than đá của Việt Nam với số liệu lần lượt là 478.000 tấn, tăng 7 lần; 115.000 tấn, tăng 11 lần. Ở chiều ngược lại, than đá cũng thuộc nhóm hàng có biến động mạnh.

Nghịch lý than dư thừa nhưng vẫn phải nhập khẩu đã tồn tại nhiều năm. Ảnh: Lê Hải.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, nhập khẩu than đá vào Việt Nam tuy giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng mạnh trên 72% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016 (đạt trên 4,6 triệu tấn, trị giá trên 498 triệu USD). Cụ thể, nhập khẩu gần 1,6 triệu tấn than đá từ Indonesia, trị giá 108,5 triệu USD, tăng 93% về lượng và tăng 201% về trị giá so cùng kỳ năm 2016. Nhập từ Australia 1,4 triệu tấn, trị giá 166,8 triệu USD, giảm 7% về lượng nhưng tăng mạnh trên 83% về trị giá.

Xuất tăng, nhập mạnh nhưng lượng than tồn trong nước cũng rất lớn. Báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng ngày 19-6 vừa qua, thông tin than sạch tồn kho của Tập đoàn hiện ở mức 9,3 triệu tấn. Số tồn kho nêu trên chủ yếu là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, nhưng trong tháng 5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản đề nghị giảm lượng than mua xuống còn 17,92 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với kế hoạch. Đại diện Tận đoàn Than - Khoáng sản bày tỏ lo lắng, với mức tồn kho lớn như vậy, tập đoàn không thể cân đối được về mặt tài chính và có thể khiến 4.000 lao động mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa.

Một điều đáng bàn ở đây chính là việc giá thành sản xuất than trong nước những năm qua tăng. Theo lý giải của nhiều chuyên gia thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản, nguyên nhân là do khai thác than ngày càng xuống sâu và xa hơn làm tăng cung độ vận chuyển; suất đầu tư tăng kéo theo tăng chi phí khấu hao và lãi vay; chính sách thuế và phí tăng nhanh tạo sức ép lên giá than. Mặc dù doanh thu 6 tháng đầu năm 2017 tăng 10% so với 6 tháng đầu năm 2016, nhưng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam vẫn chưa “giải cứu” được 9,3 triệu tấn than thương phẩm tồn kho. Không cứu nguy được than tồn kho thì tập đoàn sẽ gặp khó khăn lớn.

Hoạt động khai thác than.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh gia kinh tế, Tập đoàn Than - Khoáng sản được nhận rất nhiều sự ưu đãi hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng. Nhưng hoạt động lại không được “khỏe khoắn”, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay, đồng thời chưa chú trọng vào việc sử dụng công nghệ mới và tiên tiến để thay thế toàn bộ công nghệ cũ, lạc hậu khi khai thác than ngày càng xuống sâu và xa hơn.

Việc “giải cứu” 9,3 triệu tấn than thương phẩm đang tồn kho hiện đang là “bài toán” khó khi than nhập khẩu rẻ hơn than trong nước. Tập đoàn chưa chắc đã chấp nhận việc bán than dưới giá sản xuất, còn việc dùng ngân sách Nhà nước mua than tồn kho có lẽ càng khó hơn nếu không nói là gần như không thể. Dù việc “giải cứu” than tồn kho rất khó, nhưng phải làm. Nếu không, có thể một số mỏ than sẽ phải đóng cửa, hàng nghìn lao động có nguy cơ mất việc làm.

PGS.TS chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Bình cho biết, khó khăn hiện tại của tập đoàn nếu không giải quyết được sẽ là thách thức cho sự phát triển bền vững. Điều cần thiết phải làm ngay trong lúc này chính là phải đẩy nhanh việc tái cơ cấu Tập đoàn gắn với việc đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó lấy việc đổi mới quản trị doanh nghiệp, chiến lược sản xuất, kinh doanh... là trung tâm để chi phí sản xuất than rẻ hơn, chất lượng hơn, năng suất nhiều hơn. Nhìn nhận đúng sức mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp sẽ làm mới doanh nghiệp nhanh nhất, phát triển bền vững nhất, thay vì... tìm kiếm sự trợ giúp

Lý giải cho những nghịch lý trên, chuyên gia kinh tế Ngô Đức Lâm phân tích: Than sản xuất nội địa chia làm 2 loại là than cám dùng cho các nhà máy nhiệt điện và than cục có giá trị cao dành để xuất khẩu phục vụ các nhà máy công nghiệp. Về loại than cục, các nước như Nhật Bản, Trung Quốc cũng phải nhập từ Việt Nam nên xuất khẩu tăng cao là điều dễ hiểu. Vấn đề là than chúng ta nhập hiện nay chủ yếu làm chất đốt cho các nhà máy nhiệt điện, cũng là loại than gần 10 triệu tấn đang tồn kho hiện nay. Sở dĩ dẫn đến tình trạng trong nước dư thừa mà vẫn phải nhập là do chênh lệch giá.

Trong những năm trước, nhờ sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, giá than trong nước bao giờ cũng thấp hơn thế giới 10%. Tuy nhiên từ năm 2015 trở lại đây, do cách khai thác khiến giá than nội tăng cao hơn giá nhập. Theo chuyên gia, có 2 lý do khiến khai thác than trong nước giá cao. Thứ nhất do các mỏ than lộ thiên, giá thành thấp đã khai thác hết. Chỉ còn lại các mỏ than yêu cầu các hầm mỏ có độ sâu từ 600m trở xuống, khai thác khó khăn nên đẩy giá cao hơn. Lý do thứ hai là do công nghệ lạc hậu, khiến năng suất khai thác thấp.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định tương lai của ngành than Việt Nam càng khó khăn vì nhu cầu của thế giới đang có xu hướng giảm. Những cam kết giảm phế thải CO2 trong các hiệp định kinh tế yêu cầu Việt Nam nói riêng cũng như toàn thế giới nói chung không chấp nhận sử dụng điện than - ngành công nghiệp được coi là thảm họa của hành tinh. Về lâu về dài, xu hướng sẽ thay thế điện than bằng các loại năng lượng tái tạo, năng lương mặt trời, gió…

“Chính vì thế, cần có phương án tái cơ cấu ngành công nghiệp khai thác than, tìm cách nâng cao năng suất, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao hiệu quả khai thác, chất lượng sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng”, ông Doanh nói.

Về giải pháp trước mắt cho gần 10 triệu tấn than đang tồn kho, ông Ngô Đức Lâm cho rằng số than này không phải không dùng được mà “ế” là do giá cao. Vì thế, Nhà nước nên có chính sách trợ giá, hỗ trợ EVN và các doanh nghiệp có thể mua với mức giá tương đương giá than nhập, giải quyết hết số lượng than dư thừa. “Tuy nhiên đây chỉ là phương án tình thế. Về lâu về dài, ngành than cần đổi mới từ phương thức sản xuất để nâng cao năng suất lao động, thực hiện đúng luật cạnh tranh, không để Nhà nước phải đứng ra hỗ trợ”, ông Lâm nêu ý kiến.

Hoàng Phạm
.
.
.