Sôi động thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp

Thứ Ba, 09/08/2016, 08:40
Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam năm 2015 đã trở lại mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012.

Đặc biệt, chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A ước tính đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2015 và dự báo một năm sôi động cho các giao dịch M&A tại Việt Nam.

Không chỉ xác lập kỷ lục về giá trị, năm 2015 và nửa đầu năm 2016, đã xuất hiện các thương vụ M&A có chất lượng với quy mô tỷ USD, có tác động quan trọng đến nhiều ngành, nhiều thị trường và nền kinh tế nói chung.

Trong thập kỷ qua, hoạt động M&A nổi lên như 1 kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hoá các kênh thu hút vốn của nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc kinh tế, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

Qua các thương vụ M&A, năng lực quản trị của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã được nâng cao, có tính lan tỏa rộng dưới tác động tích cực của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, viễn cảnh hoạt động M&A vẫn được đánh giá là sáng sủa trong thời gian tới, với sự “lên ngôi” của một số lĩnh vực “hot” như năng lượng, ngân hàng, công trình hạ tầng, khách sạn - văn phòng…

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ KH&ĐT vừa thông báo, diễn đàn M&A 2016 sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 8, thu hút sự tham gia của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty chứng khoán, công ty cổ phần, đơn vị tư vấn, công ty luật, quỹ đầu tư phát triển.

 Năm 2016 đánh dấu một mốc phát triển quan trọng về hội nhập quốc tế khi Việt Nam kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định tự do song phương với EU, Hàn Quốc và một số nước, khu vực khác. Một tầm nhìn mới cho các DN và nhà đầu tư được xác định, đó chính là tầm nhìn khu vực trong một không gian mở. Khi đầu tư hoặc M&A vào một quốc gia ASEAN, nhà đầu tư đang tiếp cận một thị trường rộng lớn hơn với 600 triệu dân với lao động trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng mạnh.

Hai năm gần đây, hoạt động M&A diễn ra rất sôi động, trong đó, 60% thương vụ là giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước, với giá trị trung bình tương đối nhỏ - khoảng 5 triệu USD/vụ. Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm và thực hiện những vụ M&A có quy mô vốn lớn hơn, từ vài chục triệu USD đến hàng trăm triệu USD.

Những lĩnh vực được giới đầu tư quan tâm, thực hiện mua bán là bất động sản, dự án bán lẻ, hàng tiêu dùng, sản xuất thực phẩm - nước giải khát… Theo thống kê, kết quả M&A năm 2015 đạt giá trị 5,2 tỷ USD và đạt 3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Dự báo, tổng giá trị giao dịch các thương vụ M&A thành công trong năm nay sẽ vượt con số 6 tỷ USD và tiếp tục gia tăng trong các năm tới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, việc xoá bỏ các rào cản để thúc đẩy thị trường M&A phát triển lành mạnh, trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu và yếu tố thúc đẩy tái cấu trúc hiệu quả nền kinh tế, tái cấu trúc DN, góp phần bổ sung vốn cho nền kinh tế, thay đổi cung cách quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị của nhiều DN.

Do vậy, để hoạt động M&A ngày càng sôi động, góp phần tích cực vào việc bổ sung nguồn vốn cho nền kinh tế, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan đến kế toán, thủ tục, công chứng, bảo hiểm và dịch vụ pháp lý.

Về phía DN, kể cả DN Nhà nước đã cổ phần hóa cần làm tốt các yêu cầu về thông tin, báo cáo tài chính một cách chính xác, kịp thời để trở thành những “món hàng” hấp dẫn đối với giới đầu tư tài chính trong và ngoài nước.

Lưu Hiệp
.
.
.