Rau Trung Quốc “thay áo” Đà Lạt bán giá cao

Thứ Tư, 09/11/2016, 11:08
Lợi dụng cầu vượt quá cung, nhiều chủ vựa rau tại Đà Lạt và huyện Đơn Dương đã nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc về “thay áo” rồi lại tiếp tục đưa ra miền Trung hoặc miền Đông Nam Bộ tiêu thụ.

Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vừa trải qua những trận lũ lụt lịch sử; vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại rau nhiều nơi mất trắng hoặc năng xuất, sản lượng tụt giảm mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường vẫn rất lớn.

Lợi dụng điều này, nhiều thương lái tại Đà Lạt và vùng lân cận đã nhập nông sản Trung Quốc về thay đổi nhãn mác, bao bì rồi chuyển đi tiêu thụ với mác “rau Đà Lạt” thu lời.

Nông sản Đà Lạt tăng giá mạnh do khan hiếm hàng. Ảnh: CTV.

Ngày 7-11, những chiếc container chở đầy hàng nông sản Trung Quốc vẫn nặng nề “bò” về Chợ đầu mối nông sản Đà Lạt, cùng lúc đó, xe lạnh chở đầy rau của chủ các vựa rau nơi đây từ từ rời chợ tiến về TP Hồ Chí Minh hoặc vươn ra các tỉnh miền Trung tiêu thụ với thương hiệu “Rau Đà Lạt”.

Sẽ không có gì đáng nói nếu việc buôn bán, giao thương này diễn ra minh bạch, sòng phẳng. Một nhân viên quản lý Chợ nông sản Đà Lạt cho biết, rau cỏ Trung Quốc về chợ thương lái vẫn thừa nhận là rau Trung Quốc, có hóa đơn chứng từ nhưng khi tới tay người tiêu dùng thì rau Trung Quốc đã bị người bán lẻ “hô biến” thành rau Đà Lạt.

Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, tổng sản lượng rau của tỉnh trong mùa mưa này tụt giảm ít nhất 30% so với thời điểm chưa tới mùa mưa. Nguồn cung khan hiếm đã khiến các loại rau của Lâm Đồng trong những ngày gần đây tăng từ 50-300% so với thời điểm cách đây 2 tuần.

Lợi dụng cầu vượt quá cung, nhiều chủ vựa rau tại Đà Lạt và huyện Đơn Dương đã nhập khẩu hàng trăm tấn nông sản từ Trung Quốc về Lâm Đồng “thay áo” rồi lại tiếp tục đưa ngược ra miền Trung hoặc miền Đông Nam Bộ tiêu thụ.

Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Lâm Đồng, chỉ tính riêng Chợ đầu mối nông sản Đà Lạt, trong vòng 2 tuần qua các tiểu thương đã nhập về đây gần 200 tấn khoai tây Trung Quốc.

Qua kiểm tra, phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ các mẫu hàng kết quả vẫn trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là nông sản Trung Quốc rất dễ bị “hóa trang” thành nông phẩm Đà Lạt.

Cơ quan này chỉ kiểm tra, giám sát, phân biệt rạch ròi được sản phẩm Trung Quốc và Đà Lạt trong phạm vi Chợ đầu mối nông sản Đà Lạt, khi vận chuyển đi các nơi khác tiêu thụ thì không thể nào kiểm soát nổi.

Nông sản Đà Lạt tăng giá mạnh do khan hiếm hàng.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, tại huyện Đơn Dương, vùng chuyên canh rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng thời gian gần đây cũng đã xuất hiện nhiều tư thương nhập hàng container nông sản Trung Quốc, nhiều nhất là khoai tây, hành tây, cải thảo, hành tím…về thay đổi bao bì, nhãn mác rồi vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ dưới thương hiệu “Rau Đà Lạt”.

Anh N. V. T. (37 tuổi), người đang làm công cho một vựa chuyên cung cấp hành tây tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương cho biết, khoảng 3 tuần gần đây, cứ trung bình 4 ngày chủ cơ sở lại nhập về một container hành tây Trung Quốc với khoảng hơn 20 tấn.

Giá thực tế mua lại từ một công ty ở tỉnh Lào Cai vào khoảng 7.000 đồng/kg nhưng để “lách thuế”, các bên chỉ thống nhất ghi trong hóa đơn từ 1.700 - 3.000 đồng/kg.

Sau khi phân thành 3 loại (loại 1, 2 và 3), hành tây Trung Quốc sẽ được đóng vào bao bì mới, ghi nhãn mác, xuất xứ từ Đà Lạt rồi vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ với giá trung bình hiện nay là 16.000 đồng/kg.

Như vậy, chỉ qua khâu phân loại, đóng vào bao bì, nhãn mác mới có ghi “Xuất xứ Đà Lạt” hành tây Trung Quốc hiển nhiên được bán với giá cao tương đương với hành tây được sản xuất tại Đà Lạt.

Người tiêu dùng rất khó phân biệt được hàng Đà Lạt với hàng nông sản Trung Quốc. Do đó, khi tới tay người tiêu dùng, các tiểu thương bán lẻ luôn giới thiệu nông sản Trung Quốc là hàng Đà Lạt.  

Để chống gian lận thương mại, nhập nông sản Trung Quốc về “hóa trang” thành rau Đà Lạt rồi vận chuyển đi các nơi tiêu thụ, Chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng cho biết đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có Cảnh sát kinh tế Lâm Đồng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản nhập về từ Trung Quốc, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi “mặc áo”, biến nông sản Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt để qua mắt người tiêu dùng bán với giá cao.

Liên quan đến hành vi “thay áo” rau Trung Quốc thành rau Đà Lạt, như Báo CAND ngày 3-11 đã thông tin, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp các cơ quan chức năng tỉnh Lâm đồng và huyện Đơn Dương kiểm tra hành chính đột xuất DNTN Đài Xuân Ái, cơ sở kinh doanh tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương. Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện, thu giữ 60 tấn cải thảo, 2,5 tấn bắp sú và 1,5 tấn hành tím có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng không có tờ khai nhập khẩu.
Kim Ngân
.
.
.