Quyền và lợi ích của người gửi tiền tại Ngân hàng Xây dựng được đảm bảo

Thứ Tư, 04/02/2015, 11:45
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức phát đi thông báo về việc xử lý đặc biệt đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Thông cáo cho biết, ngày 31/1, đại hội cổ đông bất thường VNCB đã được tổ chức tại Long An để thông báo công khai về kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực và vốn điều lệ của ngân hàng, và thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Đại hội đồng cổ đông quyết nghị không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định.

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng, Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và nghị quyết của đại hội đồng cổ đông VNCB, NHNN đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/cổ phần. Theo đó, NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông  hiện hữu của ngân hàng này.

Việc NHNN mua lại VNCB được coi là tối ưu, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

“Với việc NHNN nắm quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và Ngân hàng Ngoại thương tham gia quản trị, điều hành VNCB, VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thành công phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Đồng thời, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB sẽ tiếp tục được đảm bảo theo quy định của pháp luật”, thông cáo viết.

Câu chuyện quốc hữu hóa với giá bằng 0 đồng/cổ phần của VNCB làm dấy lên nghi ngại về quyền lợi của các cổ đông đang nắm giữ cổ phần tại ngân hàng này. Tuy nhiên, theo số liệu doVNCB công bố, kể từ ngày 31/5/2013, khi Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) đổi tên thành VNCB, nhà băng này có tổng cộng 551 cổ đông, trong đó 6 cổ đông pháp nhân và 545 cổ đông thể nhân. Các cổ đông pháp nhân gồm 3 cổ đông thuộc Khối văn phòng Nhà nước; 1 cổ đông là tổ chức tín dụng, đó là Ngân hàng Agribank và 1 cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Lương thực Long An.

Về vốn điều lệ, theo thông báo của ngân hàng, từ tháng 6-2011 VNCB có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và từ 26/12/2013 được tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng. Trên thị trường từng có thông tin rằng VNCB đã bị âm vốn chủ sở hữu nên ngân hàng phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần này để bổ sung vốn. Nếu đó là thông tin chính xác thì việc NHNN mua lại cổ phần của VNCB với giá 0 đồng/cổ phần, các cổ đông vốn đã “tay trắng”, nên không còn gì để bị ảnh hưởng.

Trước đó, hồi cuối tháng 7/2014, VNCB cũng khiến thị trường ngân hàng “dậy sóng” khi cơ quan Cảnh sát điều tra bắt tạm giam và khởi tố đối với nguyên Chủ tịch HĐQT Phạm Công Danh, nguyên Tổng giám đốc Phan Thành Mai và ông Mai Hữu Khương, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn. Đầu tháng 12, cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bổ sung tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đối với 3 bị can trên. Đồng thời, khởi tố bổ sung đối với 6 bị can nguyên là cán bộ của VNCB trong vụ này.

Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, tiền thân là Ngân hàng TMCP nông thôn Rạch Kiến (tỉnh Long An), thành lập vào năm 1989. Năm 2007, ngân hàng tái cơ cấu, chuyển đổi từ mô hình ngân hàng nông thôn lên ngân hàng đô thị, đổi tên thành Ngân hàng TMCP Đại Tín – TrustBank. Ngày 23/5/2013, ngân hàng chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), mở rộng mạng lưới lên 112 điểm. Tổng số nhân sự của VNCB tính đến tháng 10/2013 là 1.500 người.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội cho rằng, việc NHNN mua lại VNCB, là một hình thức phá sản ngân hàng theo kiểu mới. Theo TS Kiên, không có chuyện cổ đông thiệt hại. Việc bán lại cho NHNN với giá 0 đồng, mà không phải chịu trách nhiệm hình sự là sự "may mắn" với các cổ đông này.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Ngân hàng Nhà nước mua VNCB là phương án tối ưu

Thưa ông, một ngân hàng có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ, bị mua lại với giá 0 đồng liệu có bất thường?

Nguyên nhân NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng là vì hiện nay, VNCB đã bị âm vốn, nghĩa là nợ xấu cao hơn vốn điều lệ. Tất nhiên, mức giá 0 đồng chỉ là mức giá ban đầu. Sau này, NHNN sẽ tính toán lại xem kết quả hoạt động của ngân hàng này thế nào, tài sản còn bao nhiêu, gồm những gì… để cân đối lại giá.

Việc NHNN mua lại VNCB có thể hiểu là phương án tối ưu, NHNN thể hiện trách nhiệm của mình với người gửi tiền: các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNBC sẽ tiếp tục được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Như vậy, cổ đông của VNCB sẽ trắng tay, thưa ông?

Như tôi đã nói, mức giá 0 đồng là mức giá ban đầu. Sau này, NHNN sẽ xem xét, tính toán lại, nếu vốn điều lệ vẫn âm thì đương nhiên, cổ đông sẽ mất trắng. Đó là rủi ro trong kinh doanh, các cổ đông sẽ phải chấp nhận. Còn phương án, vốn vẫn dư sau khi trừ các chi phí… thì NHNN sẽ tính toán phương án đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.

Theo ông, tại sao VNCB hoạt động không hiệu quả, nhưng NHNN lại không cho phá sản mà chọn phương án mua lại?

Hoạt động ngân hàng đặc thù hơn các lĩnh vực khác, vì nó là một hệ thống. Nếu một tổ chức tín dụng đổ vỡ, phá sản, cả hệ thống sẽ bị lung lay, gây bất ổn xã hội. Vì thế, trong bối cảnh hiện tại, việc NHNN mua lại VNCB được coi là tối ưu, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền, vừa ổn định hệ thống.

H.A.

PV
.
.
.