Phân chia lợi nhuận trong ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam không công bằng

Thứ Hai, 01/05/2017, 08:37
Những ngày gần đây, câu chuyện khủng hoảng giá thịt lợn đang trở lên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Từ Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đều đang tập trung đưa ra các giải pháp để cứu ngành chăn nuôi lợn, cũng là cứu người chăn nuôi thoát khỏi bờ vực phá sản.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cắt nghĩa nguyên nhân sâu xa cũng như những giải pháp trước mắt và lâu dài để tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi đang chứa nhiều rủi ro này.

Phóng viên: Thưa ông, thời điểm này, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại nhiều địa phương đã xuống tới 10.000 - 12.000 đồng/kg. Đây là mức giá “chua xót” với người chăn nuôi. Cắt nghĩa nguyên nhân liệu có phải do chúng ta đã tăng đàn quá vội vã và không cảnh báo cho người nông dân?

Ông Tống Xuân Chinh: Theo tôi, đánh giá về khủng hoảng, cần nhìn nhận một cách tổng thể. Năm 2016, chúng ta đã tăng tổng đàn lợn lên tới 29 triệu con, cộng thêm hệ số quay vòng của đàn lợn. Nên tổng lợn đưa vào giết mổ vào khoảng 51 triệu con, tính bình quân là trên 50kg hơi/người. Đây là số lượng thịt rất lớn.

Tình hình phát triển nóng của đàn lợn đã vượt khỏi sức tiêu thụ của thị trường trong nước. Trong khi vấn đề xuất khẩu chính thức thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn còn gặp nhiều khó khăn. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến đợt giảm giá sâu như vừa rồi.

Hiện nay chúng ta đang phải dựa vào số liệu thống kê của năm 2016, chia làm hai đợt là 1-4 và 1-10. Theo các chỉ số thống kê của năm 2016, đầu lợn đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm vừa rồi.

Cục Chăn nuôi là cơ quan chuyên môn và tham mưu cho Bộ NN&PTNT về lĩnh vực này. Bộ cũng đã có chỉ đạo rất sát sao. Tôi nói cụ thể, ngay tháng 12-2016, chúng tôi đã báo cáo với Bộ, và có công văn về hỗ trợ phát triển ổn định chăn nuôi lợn, trong đó đưa ra 8 giải pháp kiểm soát tốc độ phát triển đàn lợn quá nóng, và có gửi công văn cho các UBND xã phường, huyện, tỉnh thành. Nhưng tới được bà con vẫn còn một khoảng cách và thời gian nên dẫn tới chưa giải quyết được vấn đề.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phóng viên: Đã có nhiều hộ nông dân đang phải cho lợn “ăn” cả sổ đỏ của gia đình mình. Giá lợn xuống thấp, bán lỗ cũng không có người mua. Chúng ta sẽ phải hỗ trợ người nông dân thế nào đây, thưa ông?

Ông Tống Xuân Chinh: Mấy hôm nay Bộ NN&PTNT, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có chỉ đạo quyết liệt để có giải pháp cấp bách trước mắt cũng như giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng khủng hoảng giá lợn. Một trong những giải pháp Bộ đề xuất, đó là hỗ trợ giải quyết khó khăn cho bà con chăn nuôi, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi. Đó là khoanh nợ, giãn nợ các khoản vay của ngân hàng thương mại.

Đây là vấn đề ngoài phạm trù xử lý của Bộ NN&PTNT, do đó Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo và có đề xuất Chính phủ giải pháp này để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xử lý.Về áp giá trần, giá sàn mặt hàng thức ăn chăn nuôi, đây cũng là một giải pháp nhưng theo tôi không thể áp dụng cho toàn bộ các mặt hàng.

Về vấn đề hỗ trợ bà con, ngày 24-4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì họp với 10 doanh nghiệp lớn sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như chăn nuôi theo chuỗi. Đây là các doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực này tại Việt Nam. Đã có 5 công ty hưởng ứng kêu gọi của Bộ trưởng, giúp bà con nông dân.

Các doanh nghiệp này đã giảm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cho lợn là từ 200-300 đồng/kg, trong tháng 5 doanh nghiệp này sẽ giảm tổng khoảng 100 tỷ đồng cho bà con nông dân. Hy vọng thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ khó khăn với bà con nông dân.

Phóng viên: Chúng ta đang bàn những giải pháp “nóng” cấp bách để giúp người chăn nuôi vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, cũng cần nhắc đến chuyện phải cơ cấu lại ngành chăn nuôi lợn làm sao để có hiệu quả?

Ông Tống Xuân Chinh: Thật ra, việc phát triển ổn định chăn nuôi lợn ở Việt Nam không phải bây giờ chúng tôi mới đưa ra, mà đã được xây dựng cụ thể trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong hợp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Muốn giảm số lượng đầu lợn theo hướng bền vững, chất lượng thì phải giảm số đầu nái xuống, nâng cao hiệu quả chăn nuôi thông qua áp dụng khoa học kĩ thuật, chất lượng con giống.

Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo giảm đàn nái xuống từ năm 2016. Chúng tôi cũng biết giảm đàn nái xuống sẽ rất tốn kém cho bà con, mỗi con sẽ bị thiệt hại từ 20 – 30 triệu đồng, tuỳ quy mô. Nhưng với tổng đàn nái lớn như hiện nay sẽ gây gánh nặng cho thị trường. Chúng tôi cũng phấn đấu rà soát, giảm đàn nái đến năm 2019 khoảng 3 triệu con.

Để giảm đầu lợn nái còn xuất phát từ vấn đề tư duy, khoa học. So với chăn nuôi gà, chi phí cho 1kg thịt lợn đang cao hơn, cụ thể để con lợn tăng được 1kg phải chi từ 2,2 – 2,4kg thức ăn hỗn hợp tăng trọng, tuy nhiên với gà chỉ khoảng 1,9kg. Đặc biệt vấn đề xử lý môi trường chăn nuôi lợn còn khó hơn gà.

Cục Chăn nuôi cũng đã có nhiều khuyến cáo trước việc trong giai đoạn giá lợn hơi tăng cao, nhiều bà con đã không mua lợn giống để làm nái, mà sử dụng lợn thịt để chuyển sang làm nái, vì vậy chất lượng lợn nái sẽ kém. Do vậy, trong tình trạng khủng hoảng như thế này, bà con cũng phải chấp nhận rủi ro. Cần thực hiện kiểm soát đàn nái, nhất là các trang trại quy mô lớn, loại bỏ những con nái chỉ có 17 – 18 con cai sữa/năm để đưa vào những con có chất lượng tốt hơn từ 25 – 26 con cai sữa/năm.

Ngay cả những con lợn đẻ ra, nếu trọng lượng nhỏ, hoặc yếu bà con cũng phải mạnh dạn loại thải, vì sức tăng trưởng của nó rất thấp. Thực hiện giảm đàn nái xuống, thông qua đó cũng giảm tổng đàn lợn xuống. Trung bình nếu giữ nuôi một con lợn nái lại sẽ tốn 1 tấn thức ăn công nghiệp, quy ra sẽ biết tốn bao nhiêu tiền.

Để góp phần ổn định ngành chăn nuôi, tôi vẫn cho rằng doanh nghiệp có vai trò quan trọng nhất, giữ vị trí tiên phong góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, vì doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có kiến thức thị trường, kiến thức đầu tư, họ là người giúp hệ thống quản lý Nhà nước đưa chính sách đúng với tình hình thực tế, đưa chính sách về với nông dân.Trong cơ chế thị trường tự do, có những thời điểm chăn nuôi nông hộ phải co hẹp lại.

Đối với điều kiện nước ta hiện nay, chăn nuôi nông hộ vẫn rất quan trọng, tạo sinh kế, thu nhập cho nông dân. Về chiến lược lâu dài chúng ta phải làm tốt quy hoạch, nhưng điểm yếu của chúng ta là không giám sát được quy hoạch, quy hoạch trên giấy là nhiều, do đó bây giờ chúng ta phải rà soát lại quy hoạch, xác định được đâu là vùng trọng điểm chăn nuôi, ở đâu hạn chế, ở đâu cấm.

Chúng ta cũng phải hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức chuỗi liên kết nông dân, giải quyết đầu vào - đầu ra cho nông dân. Phát triển tổ đội sản xuất, và phải hoạt động dựa trên Luật Doanh nghiệp để tạo ra sân chơi bình đẳng, tạo động lực cao cho người sản xuất chăn nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Khi chuỗi giá trị vận hành khép kín từ trang trại đến bàn ăn, tôi tin chúng ta sẽ đủ năng lực để cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn có thể cạnh tranh ngoài nước.

Phóng viên: Khâu trung gian đang được nhắc tới như một nguyên nhân khiến việc dù bà con nông dân đang bán lợn với giá rẻ gần như rau, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua thịt giá cao. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

Ông Tống Xuân Chinh: Không phải đến giờ con lợn mới là điển hình của tình trạng này. Chúng ta đã có nhiều ví dụ điển hình ở hàng nông sản, như khi được mùa thì mất giá. Vấn đề đặt ra là ở Việt Nam, phân chia lợi nhuận trong ngành thịt lợn chưa công bằng, chưa kiểm soát được. Mặc dù bà con nông dân bán lợn rất rẻ, có thể xuống đến 10.000 đồng, 15.000 đồng/kg nhưng chúng ta vẫn phải mua thịt với giá không giảm nhiều sau khi đã thành phẩm, giá thành rơi vào các khâu trung gian rất lớn mà không đi trực tiếp vào người sản xuất ra sản phẩm ấy.

Chúng ta nên học tập mô hình Thái Lan, phải đưa ra tỉ lệ lợi nhuận cho chuỗi sản xuất thịt lợn như người sản xuất được hưởng không quá 70% giá trị gia tăng của sản phẩm, khâu trung gian được hưởng không quá 30%. Chúng ta có thể áp dụng để bình đẳng hơn chuỗi giá trị.

Phóng viên: Cảm ơn ông!

Ngọc Yến (thực hiện)
.
.
.