Nhà bán lẻ nước ngoài đang khai thác thị phần còn bỏ ngỏ tại Việt Nam

Chủ Nhật, 25/06/2017, 07:59
Giữa tháng 6-2017, thị trường bán lẻ Việt Nam lại “dậy sóng” khi tiếp tục đón nhận thêm một thương hiệu tên tuổi lớn của thế giới trong lĩnh vực bán lẻ. 

Mặc dù chỉ mới “bung” cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam trong chuỗi cửa hàng tiện lợi, nhưng bước đầu 7-Eleven (Nhật Bản) đã “hút” rất đông người tiêu dùng (NTD) đến mua sắm, do khai thác sâu thị phần mà các nhà bán lẻ trong nước còn bỏ ngỏ...

Trong nhiều năm qua, Liên hiệp HTX Thương Mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam đã rất thành công với đa dạng các hệ thống phân phối như: siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi Co.op Food, trung tâm thương mại Sense City, khu phức hợp SC Vivo City, kênh mua sắm qua truyền hình HTV Co.op... Mở rộng thị phần, gần cuối năm 2016, Saigon Co.op tiếp tục phát triển mô hình kinh doanh mới - cửa hàng Co.op Smile, giống như mô hình siêu thị mini.

Khách hàng mua sắm rất đông tại 7- Eleven.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, năm 2016, thị trường bán lẻ trong nước chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của các tập đoàn bán lẻ quốc tế, và xu hướng mua bán - sáp nhập cũng diễn ra mạnh mẽ. Điều này đã tác động đến thị phần của hàng Việt. Với ý nghĩa bảo vệ hàng Việt không chỉ ở kênh hiện đại, trong khi đa số người dân ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn đi mua sắm ở chợ, cửa hàng tạp hóa.

Do đó, Saigon Co.op đã nghiên cứu cho ra đời mô hình mới, nhằm hiện đại hóa cửa hàng bách hóa truyền thống với tên gọi “cửa hàng Co.op Smile”, với mục đích đưa hàng Việt len lỏi đến những khu vực đông dân cư, đến tận ngõ ngách ở các vùng ngoại, nội thành để phục vụ NTD”.

xcTheo đó, các cửa hàng Co.op Smile có diện tích kinh doanh từ 20m2 - 200 m2 đặt tại những khu dân cư nội, ngoại thành với số lượng mặt hàng kinh doanh từ 1.500 - 2.000 (tùy diện tích điểm bán). Mô hình cửa hàng Co.op Smile không chỉ “lên đời” các cửa hàng tạp hóa có sẵn, mà còn vận động người dân (bỏ vốn 300 – 700 triệu đồng) và các bạn trẻ khởi nghiệp (không cần vốn, chỉ cần có lòng đam mê) tham gia. Những phần còn lại, Saigon Co.op sẽ hỗ trợ. Cuối năm 2016, có 12 cửa hàng Co.op Smile được triển khai thí điểm và theo kế hoạch, đến cuối năm 2017 sẽ có 200-300 cửa hàng Co.op Smile trên toàn quốc.

Tuy nhiên, mặc dù rất đa dạng hệ thống phân phối, nhưng nhìn chung các hệ thống phân phối của Saigon Co.op có thế mạnh là kinh doanh các ngành hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu trong cuộc sống như: thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc, thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng... Trong khi đó, mảng ẩm thực chưa được chú ý khai thác.

Tương tự, Vingroup với tham vọng trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, Vingroup đã mua lại hàng loạt chuỗi bán lẻ như Ocean Mart, MaxiMark, Vinatexmart và Apphanam để phát triển những siêu thị và cửa hàng tiện lợi của riêng mình. Hiện, Vingroup đã có hơn 900 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc và có kế hoạch mở hơn 1.000 cửa hàng trong năm 2017-2018.

Mặc dù phát triển mạnh về số lượng cũng như độ bao phủ, nhưng các điểm bán này cũng chưa chú trọng nhiều đến mảng ẩm thực, thức ăn chế biến sẵn. Kể cả một số nhà bán lẻ đã “cắm rễ” tại thị trường Việt Nam cũng chưa khai thác sâu vào thị phần này và đây chính là “khoảng trống”. Vì thế,  khi cửa hàng tiện lợi đầu tiên 7-Eleven “bước chân” vào Việt Nam tập trung “đánh” vào khoảng trống này, ngay lập tức được đông đảo NTD, chủ yếu là giới trẻ háo hức săn đón.

Theo ghi nhận của PV, ngay trong ngày khai trương, hàng trăm người xếp hàng dài trước cửa hàng tiện lợi 7-Eleven (trong tòa nhà Saigon Trade Center, quận 1, TP Hồ Chí Minh) để chờ đợi được mua sắm. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù không quá tải như trong ngày khai trương nhưng cửa hàng lúc nào cũng đông người mua hàng.

Mặc dù lần đầu tiên bước chân vào Việt Nam, nhưng nhà bán lẻ này rất am hiểu thị trường địa phương và đặc biệt là hiểu luôn sở thích của NTD. Điều đó thể hiện qua việc 7-Eleven đã “thiết kế” riêng cho thị trường Việt thực đơn với hơn 100 món ăn tươi. Đặc biệt, có nhiều món ăn thuần Việt như bánh mì, xôi, gỏi cuốn, bánh cuốn, bún thịt nướng, hột vịt xào me, thịt kho trứng, bò kho rau củ, đậu hủ xào bắp non, xíu mại, gà xé phay, rau xào,… được đóng hộp sẵn trưng bày trên kệ với giá chỉ từ 15.000 - 50.000 đồng và nhiều loại nước trái cây lạnh giá 15.000 - 18.000 đồng/ly.

Có thể thấy, 7-Eleven đã tạo sự khác biệt với các hệ thống bán lẻ khác bằng các sản phẩm ẩm thực đa dạng, giá cả bình dân nhưng chất lượng an toàn, hợp vệ sinh, nên đã đáp ứng nhu cầu ăn uống của giới trẻ. Ngoài thức ăn tươi, 7-Eleven cũng kinh doanh rất nhiều mặt hàng thiết yếu như các siêu thị khác. Được biết, 7-Eleven nổi tiếng là chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất trong lịch sử thế giới. Cuối năm 2016 đã góp mặt tại 17 quốc gia cùng 61.500 điểm bán hàng trên toàn thế giới. Nhà bán lẻ này bày tỏ tham vọng muốn tấn công thị trường Việt Nam khi tuyên bố sẽ mở khoảng 300 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang hấp dẫn trở lại. Năm 2017, Việt Nam tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 về chỉ số bán lẻ toàn cầu. Năm 2016, tổng doanh số bán lẻ cả nước tăng 10,2% so với năm 2015. Chính vì vậy, việc các đại gia bán lẻ như 7-Eleven “nhảy vào” là điều dễ hiểu.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam đánh giá, dù việc xâm nhập của 7-Eleven có thể khiến nhiều người trong giới bán lẻ, đặc biệt là kinh doanh mô hình cửa hàng tiện lợi lo lắng. Nhưng đây cũng là cơ hội cho các DN nội đổi mới, cải tiến để sẵn sàng đón đầu làn sóng từ các đối thủ ngoại.

Thúy Hà
.
.
.