Xử lý nợ xấu:

Ngân hàng đau đầu vì tài sản thế chấp

Thứ Sáu, 19/06/2015, 08:32
Với nỗ lực đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% cuối năm 2015, ngành Ngân hàng đang quyết liệt thông “cục máu đông” làm tắc nghẽn dòng vốn của nền kinh tế. Tuy nhiên, xử lý nợ không hề đơn giản, trong đó, khoảng 70% rào cản xử lý nợ xấu là do vướng mắc pháp lý, đặc biệt là quá trình xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Theo báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình gửi các đại biểu Quốc hội, sau 3 năm thực hiện (2012-2014), tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012 đã được NHNN báo cáo với Bộ Chính trị và Chính phủ khi xây dựng Đề án xử lý nợ xấu.

Chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn với những nỗ lực của từng tổ chức tín dụng (TCTD) nói riêng và hệ thống ngân hàng cũng như toàn nền kinh tế nói chung...

Tiến độ tốt, kế hoạch thể hiện quyết tâm cao, nhưng thực tế, công tác xử lý nợ xấu không hề đơn giản. Trong quá trình xử lý nợ xấu của mình, một trong những vấn đề khiến cho các nhà băng đau đầu là xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Vấn đề xử lý tài sản đảm bảo trở nên nóng hơn bao giờ hết trong cuộc hội thảo xử lý nợ xấu diễn ra gần đây.

Nhiều ngân hàng đang nỗ lực khắc phục hậu quả từ nợ xấu.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho rằng, nợ xấu không phải do ngân hàng gây ra, không phải do NHNN, ngân hàng thương mại. Nợ xấu là do hậu quả của nền kinh tế, do khách hàng, do doanh nghiệp gây ra, và ngân hàng là nạn nhân.

Theo ông Đức, khoảng 70% rào cản xử lý nợ xấu là do vướng mắc pháp lý. “Luật chúng ta càng nhiều càng rối, nó như mớ bòng bong, khiến khách hàng vay nợ chây ỳ. Đơn giản là càng chây ỳ càng có lợi, khách hàng vay ngân hàng khi nợ xấu 15, 20, có khi 30%/năm, nhưng nếu cứ chây ỳ thì chắc chắn ngân hàng sẽ phải miễn giảm lãi. Thậm chí khách hàng chây ỳ đến khi có quyết định của tòa án, bởi lúc ấy nghĩa vụ lại nhẹ nhàng đơn giản nhất, chỉ có 9%/ năm. Quyết định của tòa án có giá trị pháp lý cao như vậy rồi mà người đi vay vẫn tìm mọi cách chây ỳ, do có lợi hơn nên người ta sẽ ứng xử như thế” - luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Bởi vậy, vị chuyên gia này cho rằng giải quyết nợ xấu không phải chỉ cho ngân hàng mà cả nền kinh tế, nếu chỉ TCTD sẽ không giải quyết được mà phải có sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị.

Song, trước những vướng mắc này, nói về triển vọng xử lý nợ xấu, luật sư Đức cho rằng, nợ xấu được coi như một loại hàng hóa đặc biệt đang tồn kho, muốn xử lý triệt để thì phải có thị trường, điều mà từ trước đến nay dường như chưa có. Bởi lẽ, thị trường sản xuất kinh doanh, bất động sản chưa phục hồi nên cánh cửa của thị trường nợ chưa mở ra.

Trong khi nhà đầu tư trong nước kiệt quệ, thì nhà đầu tư nước ngoài dù muốn vào cũng không thấy triển vọng nhiều ngoài hệ thống rào cản pháp lý. Vì vậy, có thể trên sổ sách, tình hình xử lý nợ xấu đang tốt nhưng bản chất vấn đề lại là câu chuyện khác.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng thông tin thêm: “Trong số 13.500 án dân sự liên quan tới TCTD, tới nay mới xử lý được 300 án. Nhiều lãnh đạo ngân hàng nói rằng đã quá mệt mỏi và không đủ sức đi kiện. Vì từ khi khởi kiện tới khi thi hành án cũng phải 1 - 2 năm, thậm chí 10 năm. Như vậy, chỉ cần xử được 1 nửa số án dân sự còn tồn đọng đã có thể xử lý được một nửa nợ xấu ngân hàng”.

Từ phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bà Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng Thư ký cho biết: “Một vấn đề khác khiến nợ xấu khó giải quyết ở các ngân hàng là sự vào cuộc của các cơ quan liên quan. Trường hợp các TCTD thấy khách hàng có dấu hiệu tẩu tán tài sản thì được yêu cầu cơ quan chức năng như Công an, phường, xã vào cuộc. Tuy nhiên, những cơ quan này chỉ giúp đỡ “trong phạm vi quyền hạn” còn cụ thể ra sao thì không rõ ràng”.

Để giải quyết được mâu thuẫn luôn tồn tại giữa ngân hàng với khách hàng chậm trả nợ, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Đã đến lúc luật pháp và hành pháp phải xoay chiều cho phù hợp với nguyên lý của nền kinh tế thị trường. Đó là phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, thay vì con nợ. Tức là bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay, hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ”.

Lệ Thúy
.
.
.