Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế

Thứ Sáu, 02/12/2016, 09:21
Ngày 5-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1726 phê duyệt “Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế”, một đề án có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế nói chung, nhất là đối với ngân hàng, doanh nghiệp và người dân.



Là một ngân hàng với lịch sử gần 30 năm phát triển, không chỉ khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank còn thể hiện sự nỗ lực đi đầu trong phát triển sản phẩm dịch vụ tiện ích, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.

Trên nền tảng công nghệ hiện đại, mạng lưới rộng lớn nhất với hơn 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch có mặt khắp mọi vùng miền, huyện đảo trên cả nước, Chi nhánh tại Campuchia, quan hệ đại lý với gần 1.000 ngân hàng ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ… đến nay, Agribank cung cấp ra thị trường hơn 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng, trong đó có 46 sản phẩm cấp tín dụng, 40 sản phẩm huy động vốn, 16 sản phẩm thanh toán trong nước, 31 sản phẩm thanh toán quốc tế, E-Banking… 

Trong số đó, nhiều sản phẩm dịch vụ đã trở thành thế mạnh, đặc trưng riêng có của Agribank như: Huy động vốn, thanh toán biên mậu, nộp thuế điện tử, kiều hối, thẻ, mobile banking…

Với mục tiêu đầu tư phát triển “Tam nông” luôn là ưu tiên hàng đầu, Agribank đang hướng đến cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm dịch vụ đối với khách hàng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn như: Cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, cho vay theo các chương trình tín dụng… 

Cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng và kênh phân phối đa dạng.

Đồng thời, Agribank đẩy mạnh phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ (SPDV) ngân hàng điện tử đáp ứng thị hiếu của người dùng như: A Transfer Service (Cho phép khách hàng thực hiện giao dịch chuyển khoản hoặc thanh toán bằng tin nhắn SMS tại bất kỳ nơi nào có phủ sóng viễn thông di động); 

A PayBill (Cho phép khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán hóa đơn bằng tin nhắn SMS); 

Agribank Emobile Banking (Cho phép khách hàng thực hiện nhiều dịch vụ về tài chính ngân hàng như: Chuyển khoản trong hệ thống Agribank, nạp tiền điện thoại trả trước, mua thẻ game, thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn, nộp tiền ví điện tử Vnmart… và các dịch vụ phi tài chính ngân hàng như: Trao đổi thông tin, thông tin vé máy bay, quản lý đầu tư, tra cứu thông tin…); 

SPDV Thẻ (Thẻ ghi nợ nội địa, Thẻ lập nghiệp, Thẻ liên kết thương hiệu, Thẻ ghi nợ quốc tế, Thẻ tín dụng quốc tế dành cho cá nhân, dành cho công ty…)...

Song song với phát triển SPDV tiện ích, hiện đại đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, để tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng SPDV, Agribank phát triển nhiều kênh phân phối. 

Bên cạnh kênh phân phối trực tiếp hơn 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, Agribank tập trung phát triển nhiều kênh phân phối khác dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại như 2.500 ATM (nhiều nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại), 14.000 EDC/POS, Internet Banking, kết nối thanh toán với khách hàng (CMS) và hệ thống gần 1.000 ngân hàng đại lý tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kết quả triển khai Đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2013- 2015 cho thấy, hoạt động phát triển SPDV là một trong những điểm nhấn quan trọng mà Agribank đạt được. Doanh thu dịch vụ của Agribank tăng 13%, vượt mục tiêu Đề án tái cơ cấu đề ra tăng từ 10 - 12%/năm; tỷ lệ thu ngoài tín dụng đạt trên 10%, cao nhất từ trước tới nay. 

Có thể khẳng định rằng, mọi nỗ lực của Agribank trong phát triển SPDV đã đưa Agribank trở thành ngân hàng thương mại (NHTM) tiên phong trong quá trình triển khai Đề án Thanh toán không dùng tiền tại Việt Nam.

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai trong toàn ngành Ngân hàng về thực hiện “Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế” do ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới đây, Phó Tổng Giám đốc Agribank Phạm Đức Tuấn đề xuất NHNN, các NHTM nên lưu tâm đối với việc mở rộng mạng lưới, sắp xếp mạng lưới phù hợp để đảm bảo nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ ngân hàng. Qua đó để thấy rõ sự quyết tâm vào cuộc cùng ngành Ngân hàng của Agribank.

Thực tế, Chương trình hành động giai đoạn 2016- 2020 của Agribank xác định rõ, đối với hoạt động phát triển SPDV, Agribank xác định tăng cường huy động vốn, cung cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế gắn với phát triển, đa dạng hóa SPDV, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư, hỗ trợ phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Trong đó, Agribank chú trọng khâu đột phá chiến lược trong nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tài chính; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng SPDV dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến; phát triển, mở rộng các kênh phân phối SPDV tới khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, đổi mới quy trình giao dịch, tạo điều kiện bình đẳng cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân tiếp cận vốn tín dụng và sử dụng các SPDV ngân hàng…

H.A.
.
.
.