Mặt bằng lãi suất năm 2015 sẽ giảm

Thứ Bảy, 03/01/2015, 13:34
Suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế, câu chuyện lãi suất cao luôn là nỗi ám ảnh với nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một trong những “tội đồ” chính gây ra khủng hoảng cho nền kinh tế. Bước sang năm 2015, một tín hiệu lạc quan - đó là mặt bằng lãi suất dự báo sẽ tiếp tục giảm.

Theo quyết định mà Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình ký về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ, bắt đầu từ 1/1/2015, mức lãi suất cho vay tối đa đối với các dự án vay thuộc chương trình cho vay thí điểm, được điều chỉnh giảm 0,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn.

Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 7% xuống còn 6,5%/năm, lãi suất trung hạn giảm từ 10% xuống 9,5%/năm, lãi suất dài hạn từ 10,5% xuống còn 10%/năm. Đối với những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ có thời gian vay trên 12 tháng (nhưng không quá 18 tháng), mỗi khâu đều dưới 12 tháng, và khách hàng cam kết trả một phần nợ sau mỗi khâu của chuỗi, thì NH thương mại xem xét áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng.

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối tháng 11/2014, tổng số vốn các NH cam kết cho vay thí điểm, phục vụ phát triển nông nghiệp đạt khoảng 7.320 tỷ đồng. Trong đó, riêng đợt 3 ký ngày 5/11/2014, các NH đã cam kết cho vay hơn 4.600 tỷ đồng.

Và mới đây, NHTMCP Quốc dân (NCB) cũng vừa công bố sẽ tài trợ vốn vay ngắn hạn với tổng giá trị lên đến 980 tỷ đồng cho dự án cánh đồng mẫu lớn của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Lộc Anh (Đồng Tháp).

Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay nên rút ngắn xuống 4 - 5%.

Vì đến thời điểm này, hầu hết các hợp đồng tín dụng được ký kết đầu tháng 11/2014 mới bắt đầu vào giai đoạn giải ngân, một số hợp đồng ký kết trước đó cũng mới chỉ giải ngân được một phần, trong khi từ 1/1/2015, dư nợ thực tế sẽ phải áp dụng mức lãi suất mới. Như vậy, tổng cộng lại, ngay trong những tháng đầu năm 2015 ít nhất sẽ có khoảng 5.000 tỷ đồng vốn cho vay theo chuỗi được điều chỉnh giảm lãi suất.

Ngoài ra, sẽ có 3 chương trình tín dụng đặc thù là: chương trình cho vay theo chuỗi; chương trình cho vay theo chuỗi phục vụ xuất khẩu; chương trình cho vay với các dự án nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, được giảm lãi suất từ 0,5-1%/năm, đang được NHNN triển khai. Với đà “mở hàng” này, câu chuyện lãi suất cho vay sẽ đồng loạt giảm lại một lần nữa được kỳ vọng. Điều này hoàn toàn có cơ sở, vì nếu phân tích kỹ hơn trong tương quan với chỉ số lạm phát năm 2014 thì cơ hội để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên toàn hệ thống NH là khả thi.

Bên cạnh đó, thực tế cuối năm 2014, một loạt NH cũng đã có động thái hạ lãi suất huy động. Đây là cơ sở để các nhà băng giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên nói riêng, cũng như lãi suất đẩy vốn ra nền kinh tế nói chung.

Theo dự kiến sơ bộ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra thì lạm phát 2015 có thể ở mức 4%. Cơ quan này cũng cho rằng lạm phát năm 2015 có thể ở mức thấp chính là cơ hội để tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Theo đó, nếu lãi suất cho vay giảm 1% sẽ có tác động tổng hợp tới nền kinh tế, làm GDP năm 2015 tăng thêm khoảng 0,45% và lạm phát giảm khoảng 0,76%.

Cũng nhận định mặt bằng lãi suất trong năm 2015 sẽ giảm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hiện tại, trần lãi suất tiền gửi cho đến 6 tháng là 5,5%, kéo xuống từ mức gấp đôi 12-14% từ cách đây 3, 4 năm. “Vậy chúng ta sẽ đi về đâu với lãi suất trong năm tới? Dự báo của tôi là ít nhất lãi suất sẽ giảm thêm 0,5 hoặc 1%, nếu chỉ số lạm phát ở mức 3% - 4%, vì nếu lạm phát là 4%, thì khi lãi suất kéo xuống 4,5%, chúng ta vẫn có lãi suất thực dương, đó là cái NH mong muốn, vì NH chỉ lo lãi suất thực âm, khi đó người dân sẽ rút tiền đi đầu tư các kênh khác, nhưng tôi cho rằng lạm phát ở mức thấp nên lãi suất sẽ còn kéo xuống mức thấp nữa”.

Mặc dù theo lý thuyết, lãi suất huy động giảm sẽ kéo lãi suất cho vay giảm. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia kinh tế, tỷ lệ lãi suất cho vay ra nền kinh tế giảm bao nhiêu, mới là điều đáng được quan tâm nhất. Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) thì điều quan trọng là phải kéo hẹp khoảng cách giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động.

Lệ Thúy
.
.
.