Trước thực tế hàng ngàn hécta diện tích vú sữa Lò Rèn bị đốn bỏ:

Lo ngại “biến mất” một loại trái ngon đặc sản nổi tiếng của miền Tây

Thứ Tư, 05/07/2017, 09:52
Những năm gần đây, hiện tượng thối rễ và khô cành xảy ra trên cây vú sữa Lò Rèn nên nhiều nhà vườn quyết định chặt bỏ. Nhiều người lo ngại, diện tích vú sữa Lò Rèn đang giảm mạnh và được thay thế bằng những cây trồng khác sẽ làm mất đi thương hiệu loại trái cây đặc sản không chỉ riêng của Tiền Giang, mà của cả miền Tây.


Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, đến cuối năm 2016, diện tích trồng vú sữa toàn tỉnh còn hơn 3.100ha, giảm khoảng 800ha. Vú sữa được trồng tập trung ở các huyện như: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và TP Mỹ Tho… với năng suất là 24,4 tấn/ha, sản lượng 65.815 tấn.

Hiện có 2 giống vú sữa được trồng phổ biến là vú sữa Lò Rèn (chiếm 84,9% diện tích) và vú sữa vỏ màu nâu (khoảng 15% diện tích). Châu Thành là địa phương có diện tích trồng vú sữa lớn nhất (2.589ha), nhưng đến nay diện tích này giảm đến khoảng 1.000ha so với năm 2013.

Người dân cưa bỏ cây vú sữa để chuyển sang cây trồng khác.

Tại nhiều xã của huyện Châu Thành (như: Vĩnh Kim, Bình Trưng, Kim Sơn, Bàn Long, Mỹ Long, Long Tiên) và huyện Cai Lậy, người dân không còn mặn mà với cây vú sữa. Bởi, tuổi thọ của cây vú sữa có xu hướng giảm mạnh do già cỗi sau khi trồng từ 6 đến 10 năm.

Tại huyện Châu Thành, cả ngàn ha vú sữa bị đốn hạ. Bệnh thối rễ, khô cành hoành hành nhưng nhà vườn chưa có giải pháp phòng, chống hữu hiệu. Việc trồng lại cây vú sữa Lò Rèn trên vườn cũ lại không hiệu quả đã gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho vùng trồng tập trung.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, năm 2016, diện tích vườn cây vú sữa Lò Rèn của xã khoảng 300ha, nhưng đến tháng 6-2017 thì diện tích này đã giảm mạnh. Không chỉ ở xã Vĩnh Kim, tình trạng này cũng xảy ra hầu hết ở các xã: Song Thuận, Long Hưng, Bàn Long và Bình Trưng. Đây là những xã nằm trong vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn của Châu Thành.

Nông dân Nguyễn Văn Dũng (ngụ ấp Mỹ, xã Kim Sơn) cho biết, năm 2016, hai công vườn vú sữa Lò Rèn 20 năm tuổi của gia đình bán được hơn 40 triệu đồng. Nhưng năm 2017, diện tích này bị khô lá, trơ cành nên gia đình phải đốn, trồng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn như: bưởi, sầu riêng... Tương tự, bà Ngô Thị Xuân (ngụ xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành) phản ánh, trước đây với 7 công vú sữa Lò Rèn mang lại thu nhập ít nhất 100 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, hiện vườn vú sữa của gia đình bị thối rễ, khô cành và giá giảm mạnh nên thu nhập chỉ còn một nửa. Gia đình bà Xuân cũng như nhiều nhà vườn khác phải thuê người đến cưa cành, đốn bỏ những cây suy kiệt. “Cây vú sữa Lò Rèn khoảng 4 năm trở lại đây thường xuyên bị thối rễ, cây không còn hiệu quả kinh tế. Cây trồng sau 5 năm tuổi thì bị bệnh, giảm năng suất và không có cách chữa trị…”, bà Xuân nói.

Đi dọc theo các tuyến đường giao thông nông thôn, tiếng máy cưa hoặc những đống củi vú sữa chất dài bên đường chờ thương lái đến mua. Từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, hiện tượng này càng trở nên phổ biến.

Tại các vùng trồng vú sữa tập trung của 2 huyện Châu Thành và Cai Lậy, người dân thuê nhân công đến cưa, chặt bỏ vú sữa, thay thế bằng loại cây trồng khác. Ông Cao Văn Hóa, quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, vú sữa Lò Rèn là một trong 7 loại trái cây đặc sản của Tiền Giang đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.

Loại trái cây này cũng được Chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP bởi Tổ chức SGS (New Zealand) và được cấp mã Code nhà đóng gói cho thị trường Mỹ bởi cơ quan USDA Office (Bộ Phát triển nông nghiệp Mỹ). Ba năm trở lại đây, giá vú sữa sụt giảm đáng kể (giảm đến 50% so với trước đó). Lợi nhuận trồng vú sữa không cao, bệnh thối rễ, khô cành hoành hành nên phần lớn nhà vườn không còn quan tâm đến cây trồng này. Vì vậy, người dân mạnh tay đốn bỏ vú sữa để trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến diện tích vú sữa giảm mạnh là do hạn mặn và công tác đầu tư cho hệ thống tưới tiêu chưa được quan tâm đúng mức. Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết, mùa khô năm 2016, nước mặn đã xâm nhập sâu vào các kênh mương nội đồng. Trong mương vườn trồng vú sữa Lò Rèn, độ mặn phổ biến 1,5g/lít, trong khi ngưỡng để cây không bị ảnh hưởng là dưới 1g/lít.

Trước tình hình diện tích cây vú sữa giảm mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã chỉ đạo các địa phương, ngành nông nghiệp khẩn trương tìm giải pháp phục hồi vườn cây đặc sản này. Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND huyện Châu Thành, Viện Cây ăn quả miền Nam, Trường ĐH Cần Thơ tổ chức hội thảo tìm giải pháp và đang làm quy trình khôi phục, phát triển cây vú sữa Lò Rèn. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp về việc nông học, thuỷ lợi nhằm cải tại đất liếp trồng, tăng cường phân bón hữu cơ, áp dụng triệt để quy trình quản lý bệnh thối rễ, chết cành, vệ sinh vườn trồng, nguồn nước tưới...

Theo ThS Nguyễn Thành Hiếu, Viện Cây ăn quả miền Nam, vú sữa Lò Rèn là một trong những chủng loại trái cây đặc sản, có lợi thế cạnh tranh cao. Tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương, cần có những giải pháp căn cơ, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển bền vững. Cùng với đó là tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nhà vườn để quản lý dịch bệnh hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định.

Văn Vĩnh
.
.
.