Làm dự án, phải tính toán rủi ro và những tác động lan tỏa

Chủ Nhật, 18/12/2016, 06:55
Trong khi câu chuyện đưa dự án thép Cà Ná vào quy hoạch còn chưa ngã ngũ với nhiều lo ngại về môi trường, về tác động xã hội..., mới đây, ông Trương Thanh Hoài – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, lại có những phát biểu gây tranh cãi như “thép nhất định phải làm”, hay chiến lược “nuôi” doanh nghiệp công nghiệp đầu tàu, “muốn cây lớn phát triển thì phải ngắt bỏ cây nhỏ”... 


Để có một góc nhìn khác về dự án thép Cà Ná và những vấn đề của ngành Thép, cùng cả chiến lược công nghiệp của Việt Nam, chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật của Báo Công an nhân dân đã có cuộc trò chuyện với TS Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.                     

PV: Thưa ông, gần đây, khi những tranh cãi về dự án thép Cà Ná lên cao, nhiều chuyên gia trong nước băn khoăn về việc thế giới đang bước vào cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam lại bước vào cách mạng công nghiệp lần thứ 2 với luyện kim, nhà máy thép tràn lan. Liệu rằng đây có phải là một hướng đi đúng?

TS Võ Trí Thành: Tôi không muốn nói một câu chuyện cụ thể, nhưng về nguyên tắc, khi xem xét một quyết định đầu tư của DN tư nhân, điều đầu tiên liên quan đến quyền kinh doanh và hiệu quả của họ: Nếu là kinh doanh có điều kiện, thì họ có thỏa mãn điều kiện hay không?

TS Võ Trí Thành.

Hiệu quả hay không là bài toán họ phải tính. Đấy là cách tiếp cận đối với một nền kinh tế thị trường, đặc biệt khi muốn chuyển sang một nền kinh tế thị trường thực sự và ngày càng thấy được vai trò vô cùng quan trọng của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, ba điều còn lại rất liên quan đến sự can thiệp của nhà nước, bên cạnh luật pháp.

Thứ nhất, nếu rủi ro của dự án lớn đến mức tác động của nó rất nhiều chiều cạnh, thì Nhà nước phải tính những phí tổn đó ai sẽ chịu. Mặc dù quyền của ông, hiệu quả của ông, thế nhưng giả sử ông đổ vỡ, có thể liên quan đến cả một vùng rộng lớn, liên quan đến không chỉ sản xuất kinh doanh, mà cả tài chính ngân hàng.

PV: Như ông có đề cập đến rủi ro lan tỏa đến hệ thống ngân hàng, thì nhiều người cũng đã phân tích, thực ra Hoa Sen không có đủ tiềm lực về vốn để thực hiện ngay cả giai đoạn đầu của dự án.

TS Võ Trí Thành: Về nguyên tắc, sống bằng nợ nần không phải tội lỗi. Tuy nhiên, đòn bẩy tài chính càng lớn, tức là vay nợ càng nhiều, thì hệ số an toàn thấp hơn, rủi ro cao hơn. Họ bảo vay tiền là vấn đề của họ, tôi làm tôi chịu. Nhưng có phải anh “chết” là xong đâu. Anh đi vay ngân hàng mấy nghìn tỷ, anh chết thì ngân hàng có sống không?

Nên quay trở lại vấn đề tôi đã nói, phí tổn rủi ro lan tỏa ai sẽ chịu? Anh thua anh mất thì rõ rồi, nhưng anh gây “rung lắc” đến hệ thống ngân hàng, thì Nhà nước phải xem xét.

PV: Vừa rồi ông Trương Thanh Hoài có trao đổi với báo chí và bày tỏ quan điểm: “Thép nhất định phải làm”, vì thế giới đã có phân chia lao động, Việt Nam không có công nghệ, không có vốn, thì phải chấp nhận làm một thứ công nghiệp có hàm lượng chất xám thấp. Ông có nhận định thế nào về quan điểm này?

TS Võ Trí Thành: Tôi rất không thích cách nói là “Việt Nam chọn”. “Việt Nam” cụ thể là ai? Nhà nước Việt Nam đã xác định rất rõ rồi: không kinh doanh những lĩnh vực mà tư nhân làm được. Nếu là tư nhân, thì hãy để thị trường quyết định, còn Nhà nước xem xét trên cơ sở cân nhắc lợi ích cộng đồng. 

Tất nhiên, Nhà nước còn làm chính sách, cung cấp thông tin, đưa cho doanh nghiệp lời khuyên. Một cái nữa là Nhà nước định hướng: Anh mà làm cái này thì tôi hỗ trợ, vốn, lãi suất, giảm thuế, đất đai... Nhưng cái định hướng đó đúng – sai thì còn rất tranh cãi, và trong lịch sử rất nhiều lựa chọn thất bại như mía đường, công nghiệp ôtô...

Nhà nước như một người tư vấn, dùng chính sách để định hướng. Còn cái định hướng ấy sai hay đúng, Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm. Tôi cũng không đồng ý cứ nói đến thép là kiên quyết lắc đầu. Không có gì là không thể, và cũng không có gì là “phải” cả.

PV: Lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng cũng chia sẻ quan điểm muốn xây dựng vài DN công nghiệp đầu tàu, và trong cuộc chơi đó, “để nuôi dưỡng cây to thì phải ngắt bỏ những cây nhỏ”…

TS Võ Trí Thành: Thứ nhất, phải hiểu thị trường là cạnh tranh, và quyền lựa chọn tham gia thị trường là quyền của tư nhân (tất nhiên nếu lĩnh vực ấy có điều kiện, thường liên quan đến môi trường, an toàn sức khỏe của con người, an ninh quốc phòng, lan tỏa rủi ro... thì phải tuân thủ những điều kiện nhà nước đặt ra).

Về nguyên tắc, phải giải tỏa mọi thứ, làm chi phí gia nhập thị trường rẻ để quyền kinh doanh lớn lên mới tạo ra cạnh tranh. Sự cạnh tranh tạo ra hiệu quả phân bổ tốt cho các nguồn lực. Đầu tiên phải nói vậy, chứ không phải mình cố tình tạo ra môi trường định hướng là thêm ông này thì ông kia phải hi sinh. 

Đấy là quá trình cạnh tranh của thị trường, quá trình lựa chọn của nhà đầu tư và người chơi trên thị trường. Chính vì vậy thế giới mới có những luật như Chống độc quyền, Việt Nam mới đang cố gắng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Khía cạnh thứ hai, tức là nội lực nhìn vào dài hạn, nước nào cũng cần những DN, thương hiệu có tên tuổi. Nhưng ở đây có hai vế. Một là DN lớn lên cơ bản không phải bằng nâng đỡ, mà bằng cạnh tranh. Tuy nhiên, thế giới không phải chỉ là cạnh tranh hoàn hảo.

Cách thức hỗ trợ để DN nội lớn mạnh được. Nhưng cái hỗ trợ đó phải đàng hoàng, minh bạch, và mang lại cơ hội cho tất cả những ai qua cạnh tranh mà vươn lên, chứ không phải tôi chọn ra trước 3 ông này và dồn sức “nuôi”.

Cho nên, tôi không thích cách nói, ông này ra rất nhiều ông nhỏ phải “cuốn” đi. Ông cứ tham gia thị trường, ông cứ cạnh tranh đi và đủ năng lực thì ông vươn lên vị trí dẫn đầu. Còn DN khác, cạnh tranh không được, thì hậu quả không thể tránh được là anh biến mất.

PV: Liên quan đến Hoa Sen và dự án Cà Ná, có một điều khiến dư luận phản ứng quá lên, đó là vấn đề cách làm khiến người ta đặt ra rất nhiều câu hỏi. Ngay cả một Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội cũng nói là, “tôi không hiểu về thép nên không biết có nên làm thép hay không”, nhưng họ tuyên bố làm hôm trước, vài hôm sau anh bổ sung ngay vào quy hoạch, khiến dư luận bất bình.

TS Võ Trí Thành: Rõ ràng, những sự cố vừa qua, hay gần đây TKV xin dừng sản xuất thép, vụ thép Thái Nguyên giai đoạn 3 đầu tư đắp chiếu... cả về hiệu quả, cả về tác động môi trường, cả về đắn đo trong sản xuất, chưa kể thực tế là Trung Quốc dư thừa thép... phản ứng của dư luận liên quan đến dự án này cũng có cả bằng chứng cộng với xúc cảm.

Về quy hoạch, Bộ Công Thương đã giải thích quy hoạch có từ trước rồi, giờ có một tư nhân cụ thể đặt vấn đề thì lại đưa vào. Nhưng tôi cho là gốc rễ quan trọng nhất không nằm ở chỗ ấy. Cái quan trọng nhất là quyền của DN, là đánh giá điều kiện, rủi ro, tác động lan tỏa, an ninh quốc phòng... Ra quyết định như thế nào, phải dựa trên kết quả đánh giá những góc cạnh đó.

PV: Ông đánh giá thế nào về quan điểm cho rằng, nền tảng xuất phát của Việt Nam thấp, chưa có vốn, công nghệ, thì lựa chọn công nghệ cao, công nghệ xanh là viễn tưởng, vẫn phải chọn một thứ công nghiệp vừa sức. Phải chăng Việt Nam không có cơ hội với công nghệ cao?

TS Võ Trí Thành: Dưới một khung thông tin rất đầy đủ (về chính sách, luật pháp, định hướng...), thì quyền là của tư nhân họ chọn. Nhà nước muốn làm công nghệ cao, nhà nước phải đầu tư, lan tỏa công nghệ ấy ra để mọi người được hưởng. Hoặc anh cung cấp thông tin là thế giới như thế đấy, các bạn trẻ hãy làm đi, nếu các bạn làm thì Nhà nước hỗ trợ thuế, vốn liếng...

Trong từng thời kỳ, nếu Nhà nước nghĩ đấy là một hướng nên đi, thì anh phải hỗ trợ - tức là anh lót một cái “ổ” êm hơn, làm một cái đường đẹp hơn ở chỗ ấy, còn quyền chọn cuối cùng vẫn là thị trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Hân (thực hiện)
.
.
.