Giảm tối đa thủ tục cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Thứ Sáu, 03/04/2015, 10:57
Tại nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016 do Chính phủ vừa ban hành đầu tháng 3, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là cắt giảm mạnh thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục thuế, hải quan.

Đây cũng chính là một phần nội dung tại buổi tọa đàm trực tuyến “Đột phá thủ tục quản lý chuyên ngành với hải quan” do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức ngày 2/4 tại Hà Nội, với sự tham dự của đại diện Tổng cục Hải quan, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, chuyên gia tư vấn về hải quan để làm rõ các vấn đề về thủ tục hải quan.

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn về hải quan, dự án quản trị Nhà nước nhằm phát triển toàn diện thủ tục hải quan cho biết, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2014, có 34% hàng hóa xuất nhập khẩu phải làm thủ tục quản lý chuyên ngành.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ hàng nhập khẩu cao gấp đôi, khoảng 60-70%, khiến luồng hàng trong quá trình thủ tục thông quan tăng lên. Do đó, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn trong thủ tục hải quan.

Ông Bình cho biết, hiện, một số vướng mắc nổi lên trong quản lý chuyên ngành hải quan là tình trạng trùng lặp về quản lý; chưa có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành; tồn tại khá nhiều giấy tờ, chủ yếu là thủ công; các cơ quan chưa kết nối với nhau, đặc biệt là hải quan; phí kiểm tra chất lượng hàng hóa (có nơi tính theo mẫu hàng, có nơi tính theo khối lượng, khiến cho chi phí của DN tăng cao).

Không những thế, những vướng mắc của doanh nghiệp không được giải quyết ngay do các cơ quan quản lý chậm cũng khiến cho DN gặp nhiều khó khăn.

Nhấn mạnh đến các giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bà Lê Như Quỳnh, Phó Trưởng ban Cải cách Hải quan (Tổng cục Hải quan) nhấn mạnh, thời gian qua, ngành Hải quan đã rất quyết liệt và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: đảm bảo giảm thời gian làm thủ tục hành chính; nâng cao mức độ tự động hóa; triển khai các phương pháp ứng dụng hải quan hiện đại; giảm rủi ro; đẩy mạnh hoạt động kiểm soát hải quan.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đẩy mạnh ứng dụng các phương thức quản lý hải quan hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác hiện đại hóa hải quan; đẩy mạnh thực hiện kỷ cương hành chính; đồng thời, yếu tố con người cũng được ngành Hải quan chú trọng, để xây dựng được đội ngũ các cán bộ thực hiện nhiệm vụ hải quan hạn chế thấp nhất những vấn đề mang tính tiêu cực…

Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu: Năm 2015, phấn đấu thực hiện thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu; 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu; năm 2016 là 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.

Lưu Hiệp
.
.
.