Du khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng mạnh

Thứ Năm, 13/04/2017, 09:03
Mức độ an ninh và an toàn của Việt Nam được xếp hạng 57, góp phần làm cho điểm đến du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Đặc biệt, thị trường khu vực Đông Bắc Á tăng trưởng mạnh, trong đó 4 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam: Trung Quốc (tăng 64%), Hàn Quốc (tăng 29%), Đài Loan (tăng 22%), Nhật Bản (tăng 5%)

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa ban hành Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 vào cuối quý I - 2017. Theo đánh giá của các chuyên gia WEF, du lịch Việt Nam đã có cải thiện nhất định về thứ bậc trên bảng xếp hạng, từ thứ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017.

Theo báo cáo, các yếu tố nổi trội tạo nên năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam bao gồm tài nguyên tự nhiên (hạng 34), tài nguyên văn hóa (hạng 30) và sức cạnh tranh về giá (hạng 35). Việt Nam có tiến bộ đáng kể đối với chỉ số nhân lực và thị trường lao động (hạng 37, tăng 18 bậc so với năm 2015). Việt Nam cũng thể hiện sự cải thiện mạnh mẽ đối với năng lực và mức độ sử dụng công nghệ thông tin (hạng 80, tăng 17 bậc so với năm 2015).

Đồng thời, sự phát triển liên tục của nền kinh tế khiến du lịch công vụ ngày càng phát triển (tăng 3 bậc). Mức độ an ninh và an toàn của Việt Nam được xếp hạng 57, góp phần làm cho điểm đến du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.

Điều đó được khẳng định qua con số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I-2017 đạt hơn 3,2 triệu lượt, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016.

Đặc biệt, thị trường khu vực Đông Bắc Á tăng trưởng mạnh, trong đó 4 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam: Trung Quốc (tăng 64%), Hàn Quốc (tăng 29%), Đài Loan (tăng 22%), Nhật Bản (tăng 5%).

Khách du lịch từ Hồng Kông tăng 36% nhưng giá trị tuyệt đối còn hạn chế (gần 9.200 lượt). Khách du lịch quốc tế từ Đông Bắc Á đạt hơn 1,8 triệu lượt, chiếm 57% tổng lượng khách du lịch tế, so với 53% cùng kỳ năm 2016.

Ảnh mang tính chất minh họa.

Tổng cục Du lịch cho rằng, nguyên nhân tăng trưởng đối với thị trường Trung Quốc là do điểm đến Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của khách du lịch Trung Quốc, sự liên kết giữa thị trường, các hãng hàng không và điểm đến ngày càng chặt chẽ khiến việc tổ chức khai thác thị trường hiệu quả hơn và một số diễn biến trong quan hệ quốc tế có lợi cho du lịch Việt Nam.

Đối với thị trường Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản, điểm đến Việt Nam ngày càng được biết đến thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá và giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa với Việt Nam, góp phần gia tăng khách du lịch đi lại nhiều lần.

Thực trạng khai thác, phục vụ và quản lý thị trường khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đang đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch một số vấn đề cần có biện pháp xử lý, cụ thể như: Phải có các quy định, hướng dẫn, quản lý chặt chẽ và cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước về thuế và thị trường.

Ở góc độ tăng cường hội nhập quốc tế, năm 2017 được lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc xác định là năm Hợp tác Du lịch ASEAN-Trung Quốc. Các nước ASEAN đều xác định Trung Quốc là thị trường quan trọng, có tiềm năng lớn; tuy nhiên đều thống nhất cần có sự trao đổi để giải quyết các vấn đề đặt ra.

Từ ngày 6 đến 15-4, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tham dự chương trình Đoàn xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Du lịch TP Hồ Chí Minh tại Nhật Bản do đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu.

Trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển hết sức tốt đẹp, ngành du lịch giữa hai quốc gia nói chung cũng như giữa TP Hồ Chí Minh và Nhật Bản nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, Nhật Bản luôn nằm trong top 3 thị trường trọng điểm đón khách TP Hồ Chí Minh và trong năm 2016, tổng số lượt khách du lịch Nhật đến TP Hồ Chí Minh tăng 8% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 51% so với cả nước.

Để đẩy mạnh du lịch TP Hồ Chí Minh đến nước bạn, Sở Du lịch phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư ITPC tổ chức thực hiện chuỗi sự kiện diễn ra từ ngày 10 đến 14-4. Nổi bật là hai hoạt động chính tại thành phố Osaka gồm: Tổ chức gian hàng quảng bá du lịch TP Hồ Chí Minh tại Trung tâm Internation House; Hội nghị “Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Du lịch TP Hồ Chí Minh” tại Khách sạn New Otani Osaka. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng triển khai các chương trình ký kết biên bản ghi nhớ thoả thuận hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Nagano và thành phố Osaka.

Q.Nga

L.Hiệp
.
.
.