Doanh nghiệp muốn “cởi”, đại diện người tiêu dùng lo quá thoáng

Thứ Bảy, 15/04/2017, 08:27
Trái lại với đại diện doanh nghiệp lo nhà nước quản quá chặt về giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) lại lo ngại cơ chế quá thoáng.

Được xây dựng trong thời gian gấp rút để hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sau khi Thủ tướng cho phép bỏ trần, ngày 14-4, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi hội thảo đầu tiên lấy ý kiến về dự thảo Thông tư mới do Bộ này xây dựng. Tuy mới là những góp ý ban đầu, các ý kiến tại hội thảo vẫn cho thấy những quan điểm khác nhau từ góc nhìn của nhà quản lý, doanh nghiệp và đại diện người tiêu dùng.

Kiên trì trong việc kiến nghị Chính phủ Việt Nam bỏ trần giá sữa từ lâu, ông Gellért Horváth, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) một lần nữa nhận định: Môi trường kinh doanh trong nước còn nhiều trở ngại đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành sữa và dinh dưỡng. Việc nhà nước can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các biện pháp hành chính - như áp đặt giá bán tối đa đã đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và tham gia các hiệp định thương mại tự do. 

Từ các góc độ khác nhau, quan điểm về quản lý giá sữa còn nhiều mâu thuẫn.

Cũng theo ông này, thị trường các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi ở Việt Nam “hiện hết sức cạnh tranh”. 

“Trên thị trường có hơn 900 sản phẩm khác nhau, chia thành 3 phân khúc cao cấp, trung bình và bình dân. Theo công ty AC Nielsen vào tháng 7-2015, giá sữa trung bình ở phân khúc cao cấp tại Việt Nam tương đồng với giá sữa cao cấp tại các quốc gia trong khu vực có điều kiện kinh tế và đặc tính thị trường tương đương như Malaysia, Thái Lan và Phillipines với mức độ khác biệt chỉ là 1%” – ông Horváth nhấn mạnh.  

Dù cho biết mới được tiếp cận dự thảo, chưa có thời gian nghiên cứu kỹ, đại diện EuroCham cũng đã “có một số quan ngại ban đầu đối với 4 nội dung”: Cơ chế phê duyệt đối với thủ tục kê khai giá rất giống với thủ tục đăng ký giá; Cơ chế thông báo giá; Giá bán lẻ khuyến nghị và mối liên hệ với các loại giá áp dụng trong thủ tục kê khai giá và đăng ký giá; Thủ tục và phạm vi công bố thông tin về hệ thống phân phối.

Trái lại với đại diện DN lo nhà nước quản quá chặt, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) lại lo ngại cơ chế quá thoáng. 

“Có một thời kỳ giá sữa tăng ko kiểm soát được nên Bộ Tài chính mới áp giá trần, chúng tôi hết sức ủng hộ, nhờ đó giá sữa được “kìm cương”. Cái này đúng theo luật giá vì sữa cho trẻ dưới 6 tuổi nằm trong danh mục bình ổn giá. Áp giá trần thì cũng là cực chẳng đã, biện pháp bình ổn giá thì bỏ, nhưng không có nghĩa là ta bỏ các “vũ khí” mà ta đã được trang bị. Bộ nhận trách nhiệm quản lý mặt hàng này là Bộ nhận trách nhiệm trước người dân làm sao để giá sữa được bình ổn bằng các công cụ, thậm chí cả biện pháp hành chính” – ông Hùng bày tỏ.

Ông Vũ Ngọc Quỳnh – Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam nêu quan điểm: “Trong mấy năm giá sữa “nhảy múa” - nhảy lên chứ không nhảy xuống, nay thị trường tạm ổn thì phải phân tích nguyên nhân: Do thị trường điều chỉnh hay do biện pháp quản lý giá nên bình ổn thì mới có biện pháp tiếp theo một cách bền vững. Đấy là quan điểm của chúng tôi”. Bên cạnh đó, ông Quỳnh cũng bày tỏ quan ngại về việc quản lý giá cả trong chuỗi phân phối của DN. “Có mấy ông lớn, chúng ta lôi tuột vào quản lý thì dễ rồi, nhưng đặc trưng của Việt Nam là sản xuất nhỏ, về đến các tỉnh là có vấn đề. Nhà nước quản lý không tốt thì DN sản xuất nhỏ, các cửa hàng bé sẽ loạn giá... phá đi tính nghiêm túc của chính sách mà thông tư đã đặt ra”. 

Tuy nhiên, đại diện của Phòng Bảo vệ người tiêu dùng – Cục Quản lý cạnh tranh lại cho rằng vấn đề này không đáng ngại.

Với những quan điểm còn rất trái ngược, ngày 18-4 tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo tại TP Hồ Chí Minh để lấy ý kiến đóng góp của DN và những người quan tâm. Cuộc hội thảo này được cho rằng sẽ có nhiều tranh luận quyết liệt hơn vì các DN có thêm thời gian nghiên cứu các quy định trong dự thảo.

Vũ Hân
.
.
.