Để du lịch ĐBSCL thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ Tư, 05/04/2017, 17:49
Ngày 5-4, tại TP Cần Thơ, Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL), tổ chức Hội nghị công bố và triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-11-2016 tại quyết định 2227/QĐ-TTg.


Trong năm 2016, vùng ĐBSCL đón trên 7,6 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 900.000 lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt 9.700 tỷ đồng (tăng 12,4% so với năm 2015). 

Theo dự đoán, đến năm 2020, ĐBSCL sẽ đón 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 30,2 triệu lượt khách nội địa; năm 2025 đón 4,9 triệu lượt khách quốc tế, 37,55 triệu lượt khách nội địa và đến năm 2030 đón được 6,4 triệu lượt khách quốc tế, 45,4 triệu lượt khách nội địa. 

Giá trị tổng thu từ du lịch của vùng ĐBSCL chiếm 12% của cả nước vào năm 2020 và tăng lên 16% vào năm 2030.

Tại hội nghị, các đại biểu đại diện cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL báo cáo những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức của từng địa phương; đề xuất những giải pháp, kiến nghị để ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng, trở thành ngành kinh tế chủ lực… 

Vùng ĐBSCL sẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết: 

“Để ngành du lịch vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ, tương xứng với thế mạnh, tiềm năng, chúng ta cần phải tạo sự đồng thuận cao. Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể, chuyên sâu nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của vùng. Sắp tới, tại các vùng du lịch sẽ có Cơ quan điều phối để thực hiện, tổ chức liên kết liên vùng, liên khu vực, nâng cao vai trò của công tác xã hội hóa trong việc phát triển du lịch. Tạo ra cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch. Cam kết cùng nhau tổ chức các sự kiện, lễ hội tạo nên sức hút cho du lịch của vùng”…

Trần Lĩnh
.
.
.