Trái cây đồng bằng sông Cửu Long: Nâng chất để xuất ngoại

Có thương hiệu cũng gặp khó - Kỳ 2

Thứ Bảy, 15/07/2017, 08:29
Thực tế, hiện đã có nhiều loại trái cây đã được chứng nhận VietGAP, nhưng hiện nay lại không có kinh phí tái chứng nhận trở lại. Tình trạng này cũng xảy ra tại Vĩnh Long, nhiều mô hình được chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP đang lâm vào bế tắc.

Theo Quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung ở Nam Bộ đến năm 2020 được Bộ NN&PTNT phê duyệt, thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt là 12 loại cây ăn quả chủ lực trồng tập trung ở khu vực này. Thực tế, hiện đã có nhiều loại trái cây trong nhóm này đã được chứng nhận VietGAP, nhưng hiện nay lại không có kinh phí tái chứng nhận trở lại. Tình trạng này cũng xảy ra tại Vĩnh Long, nhiều mô hình được chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP đang lâm vào bế tắc.

Đạt GAP rồi… không bán được!

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu quy hoạch xây dựng ngành hàng trái cây chủ lực trồng tập trung ở Nam Bộ theo hướng sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2020, 100% sản phẩm trái cây chủ lực trồng tập trung đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, trong đó, trên 50% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP. 

Tại ĐBSCL, diện tích trồng cây ăn trái tập trung chủ yếu ở 8 tỉnh ven và giữa sông Tiền, sông Hậu (85%), nhiều nhất là Tiền Giang, Vĩnh Long, tiếp đến là Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh và TP Cần Thơ. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích cây ăn trái được chứng nhận GAP ở các tỉnh phía Nam chưa nhiều, khu vực ĐBSCL chỉ có chưa tới 1% trên tổng diện tích hơn 300.000 ha. Bên cạnh đó, những nơi đạt chứng nhận GAP lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Ông Trần Vĩnh Trung (ngụ xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) đang chăm sóc vườn bưởi da xanh của gia đình. Ảnh: Sĩ Nguyên

Tiền Giang có vùng trồng trái cây với diện tích 73.000 ha, với sản lượng 1,3 triệu tấn/năm. Tỉnh đã xác định 7 loại cây ăn trái chủ lực, quy hoạch phát triển, như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, dứa (khóm) Tân Phước, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công. 

Theo các nhà vườn, việc đạt được tiêu chuẩn GAP rất “gian nan” nhưng giá bán sản phẩm chưa ổn định. Hà Lan và Anh là 2 thị trường xuất khẩu chính của vú sữa Lò Rèn, nhưng mỗi lần xuất số lượng rất khiêm tốn. Trong năm 2008-2009, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang) chỉ xuất được khoảng 10 tấn khi có giấy chứng nhận GlobalGAP. Năm 2012, HTX chỉ thu hoạch được hơn 5 tấn vú sữa và vì không bảo quản được lâu nên trong năm này, vú sữa Lò Rèn không xuất ra nước ngoài được.

TS Nguyễn Văn Hoà, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) phân tích: “ĐBSCL có nhiều loại trái cây đạt chứng nhận theo yêu cầu của các thị trường nước ngoài nhưng đa số những mô hình này chỉ vài chục ha nên sản lượng không nhiều và không liên tục trong năm. Nếu làm GlobalGAP thì chỉ được chứng nhận trong 1 năm nhưng kinh phí lớn, đây là trở ngại cho nhiều nhà vườn khi kinh phí còn hạn hẹp”. 

Ông Hoà cho rằng, Việt Nam có làm chứng nhận VietGAP, giá thấp hơn so với GlobalGAP nhưng quy trình làm không khác nhiều nên nhà vườn có thể thực hiện. “Sofri đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ từ 50-70% kinh phí cho các HTX làm chứng nhận. Những HTX này muốn phát triển lâu dài phải liên kết nhiều người, nhiều nhóm, có diện tích lớn để cung ứng cho thị trường số lượng nhiều”, TS Nguyễn Văn Hoà nói.

Năng động tìm lối ra

Với diện tích trái cây trên 300.000 ha, ĐBSCL có nhiều giống trái cây bản địa ngon nổi tiếng như: xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Chín Hóa, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, quýt hồng, sa pô lồng mứt… ĐBSCL còn là vùng trồng trái cây chủ lực cung cấp trái cây cho nhiều tỉnh, thành trong nước, đóng vai trò quan trọng trong cung cấp trái cây nguyên liệu cho xuất khẩu tươi và chế biến. 

Các loại trái cây như xoài, nhãn, thanh long, bưởi, chuối, khóm… được thị trường ưa chuộng, kể cả xuất khẩu. Trái xoài (trong đó giống xoài cát Hòa Lộc, cát chu) đang được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc ưa thích. Thanh long, nhãn, chôm chôm đã xuất khẩu sang Mỹ với sản lượng gia tăng qua qua từng năm. Bưởi da xanh, bưởi Năm Roi đang được các thị trường châu Á có nhu cầu nhập khẩu dạng tươi và chế biến giảm thiểu (múi bưởi)… 

Tại Đồng Tháp, năm 2015, xoài Cát Chu chính thức có mặt tại hệ thống siêu thị AEON của Nhật Bản và được đón nhận. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến nhà vườn đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu xuất khẩu. 

Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thành Tài phấn khởi, chất lượng xoài Cát Chu đã được thế giới thừa nhận và nông dân vào HTX, THT trồng theo tiêu chuẩn an toàn, có lợi nhuận 150-200 triệu đồng/ha/năm. Đồng Tháp đang nỗ lực vận động nông dân liên kết với HTX, THT để vươn lên làm ăn lớn và có nguồn hàng dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rất lớn của doanh nghiệp.

Đồng thời, liên kết với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ mở rộng vùng chuyên canh, nâng cao giá trị trái xoài Cát Chu, đặc sản của Đồng Tháp. 

Các chuyên gia đánh giá, tiềm năng trái cây ĐBSCL trong cung cấp nguồn hàng xuất khẩu còn lớn, không chỉ phục vụ các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn xuất đi các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Một số mô hình liên kết hình thành ở ĐBSCL, như HTX xoài Tân Thuận Tây (tỉnh Đồng Tháp) đã và đang liên kết với Công ty Long Uyên để cung ứng - tiêu thụ xoài. HTX chôm chôm Bình Hòa Phước (tỉnh Vĩnh Long) liên kết với Công ty rau quả Mê Kông, Công ty Thịnh An để cung ứng - tiêu thụ chôm chôm, HTX Hòa Lộc liên kết cung ứng - tiêu thụ xoài với một số công ty ở TP Hồ Chí Minh… để tiêu thụ xoài.

Các loại trái cây sản xuất tại các HTX có liên kết với các công ty này được sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc GlobalGAP. Tuy nhiên, hiện nay các mô hình liên kết này hiện có rất ít ở ĐBSCL, mặt khác không có tính bền vững cao, doanh nghiệp vẫn loay hoay bài toán nguyên liệu chất lượng cao, nông dân băn khoăn đầu ra bấp bênh. 

Các mô hình HTX, THT trồng cây ăn quả ra đời ở ĐBSCL tương đối trễ (chủ yếu sau năm 2006). Nhiều mô hình mang tính hình thức, chưa thực sự là một HTX/THT marketing trái cây để hỗ trợ nông dân trong khâu tiêu thụ. Các HTX/THT thiếu kỹ năng kinh doanh, thiếu vốn kinh doanh. 

Ông Cao Văn Hoá, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: “Nhiều HTX khi được chứng nhận Global GAP nhưng hết thời hạn thì không làm nữa. Tỉnh đang củng cố lại các HTX, hỗ trợ cho nhà vườn xây dựng mô hình hiệu quả. Tất cả phải liên kết, không liên kết không được”.

Bốn mùa cây trái sum suê

PGS.TS. Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, phân tích: Điều kiện khí hậu của ĐBSCL và kinh nghiệm sản xuất của nhà vườn rất tốt. Đây là một lợi thế rất lớn, cần khai thác tối đa. Ví dụ như: cam, quýt, bưởi ở ĐBSCL cho trái quanh năm. Ở miền Bắc và các nước như Trung Quốc, Nhật chỉ cho trái từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Chôm chôm và sầu riêng có thể cho trái vào mùa khô tháng 12, tháng 1 và tháng 2. Còn ở nhiều nước Đông Nam Á, loại trái cây này chỉ cho trái vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 8. Nhãn ở miền Bắc hay Trung Quốc chỉ có trái vào tháng 7 và tháng 8, còn nhãn ở miền Nam có trái quanh năm. Xoài cát Hòa Lộc trước đây chỉ cho trái vào tháng 4 đến tháng 6, còn hiện nay hầu như có quanh năm. 

“Đây là những ưu thế của trái cây ĐBSCL mà ngay cả miền Đông Nam bộ cũng không làm được. Nhờ vậy, trái chôm chôm ĐBSCL đã có đóng góp vào việc xuất khẩu, cạnh tranh với trái cây nhiệt đới Thái Lan và năm gần đây ở thị trường Mỹ”.

VĂN VĨNH
.
.
.