11 tỷ USD kiều hối chảy vào đâu?

Thứ Năm, 18/12/2014, 14:08
Chỉ 15% trong tổng số 11 tỷ USD kiều hối được chảy vào sản xuất kinh doanh, trong khi đó, tới 34% kiều hối được người Việt Nam chi cho tiêu dùng. Đó là số liệu được Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố chiều 17/12 tại Hà Nội.

Theo số liệu thống kê, năm 2011, lượng kiều hối về Việt Nam là 9 tỷ USD, năm 2012 là 10 tỷ USD, năm 2013 là 11 tỷ USD. Năm 2014, dự kiến kiều hối đạt khoảng 12-13 tỷ USD. Với tốc độ kiều hối ngày càng tăng, đây thực sự là một nguồn lực rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế. Dòng kiều hối về nước ta đã trải qua các giai đoạn tăng trưởng cao trong giai đoạn 2000- 2007 và sụt giảm trong giai đoạn 2007-2017, với tổng mức giá trị dao động tương đương gần 8% GDP cả nước.

Kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định nền kinh tế vĩ mô. Trong giai đoạn 2007-2013, tổng kiều hối vào là nguồn vốn lớn thứ hai tại Việt Nam, sau vốn FDI đã thực hiện, và lớn hơn cả vốn phát triển chính thức ODA đã giải ngân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2004-2006, kiều hối là nguồn vốn lớn nhất của đất nước. Bên cạnh đó, kiều hối tại Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp các khoản thâm hụt tài khoản vãng lai quốc gia bằng cách hấp thu nguồn thâm hụt thương mại khổng lồ (đặc biệt là trước năm 2012) và bù đắp vào các khoản thâm hụt thu nhập đầu tư.

Nhiều người Việt Nam sử dụng kiều hối vào tiêu dùng

Kiều hối đã giúp Việt Nam tích trữ ngoại hối, nhất là trong 2-3 năm vừa qua. Kiều hối không tiềm ẩn rủi ro như vốn FDI, ODA có thể đem đến như phụ thuộc chủ quyền hoặc các can thiệp mang động cơ chính trị của các nhà tài trợ. Ngoài ra, kiều hối còn là nguồn vốn quan trọng của Việt Nam trong việc tăng tiết kiệm, đầu tư, giảm gánh nợ, giúp cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia và nâng cao tính bền vững của nợ nước ngoài.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tỷ trọng người nhận kiều hối có mục đích sử dụng như sau: Chi tiêu hằng ngày (35,4%), sản xuất và kinh doanh (15,9%), tiết kiệm (11,7%), chữa bệnh (10,1%), mua sắm vật dụng lâu bền/xây dựng, sửa chữa nhà cửa (8,1%), giáo dục (7,5%), trả nợ (7,1%),... Tỷ trọng người nhận kiều hối vào mục đích chi tiêu hằng ngày là lớn nhất, trong đó, tỷ trọng này ở TP HCM chiếm 44-45% tổng tiền kiều hồi trong 3-5 năm gần đây.

Tuy nhiên, với tỷ trọng lên tới 34% dành cho tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng nguồn kiều hối đang bị sử dụng lãng phí. Về vấn đề này, TS Võ Trí Thành cho rằng thực ra, trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế đang giảm sút, tư nhân kích thích tiêu dùng cũng là tăng cơ hội cho sản xuất kinh doanh. Còn về việc đầu tư vào sản xuất kinh doanh, vấn đề quan trọng nhất phải là niềm tin về ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh chưa có kênh đầu tư tốt, thì việc đưa kiều hối vào tiêu dùng là tương đối tích cực.

Đáng chú ý hơn, ngoài 11 tỷ USD chính thức, hiện vẫn còn khoảng 25% kiều hối khác đang chảy về Việt Nam bằng con đường phi chính thức, tương đương với khoảng hơn 2,5 tỷ USD. Lý giải điều này, TS Võ Trí Thành cho rằng nguyên nhân là phí chuyển tiền còn quá cao. “Tuy nhiên, theo tôi, cái gì cũng có tính hai mặt. Dù mất thêm phí chuyển tiền, nhưng đảm bảo, còn đi theo con đường phi chính thức, tính rủi ro sẽ rất cao”, TS Thành khuyến cáo.

Lệ Thúy
.
.
.