Để “dọc ngang thông suốt”!

Thứ Năm, 12/05/2022, 04:55

Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII là việc thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. “Nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nêu trong Đề án chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác PCTN, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!” – Tổng Bí thư khẳng định.

Trước đó, thực hiện Chương trình công tác năm 2022 và Kết luận tại phiên họp thứ 21 của BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực, Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực. Đề án có sự kế thừa kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020 và xuất phát từ những yêu cầu đặt ra đối với công tác PCTN, tiêu cực trong tình hình mới. Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn về PCTN, tiêu cực. Đồng thời gửi xin ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương và các thành viên BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực để tiếp thu, hoàn thiện Đề án.

Để “dọc ngang thông suốt”! -0

Tuy chưa chính thức có chủ trương chung nhưng đến nay đã có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập BCĐ để tham mưu cho tỉnh uỷ, thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác này (gồm Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hoà). Qua góp ý xây dựng Đề án, tất cả 63/63 tỉnh uỷ, thành uỷ nhất trí với chủ trương thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực.

Thực tiễn, việc thành lập và hoạt động của BCĐ về PCTN cấp tỉnh đã từng được triển khai ở nước ta. Năm 2006, BCĐ Trung ương về PCTN được thành lập và là cơ quan trực thuộc Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, có chức năng chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN trong phạm vi cả nước. Năm 2007, các BCĐ về PCTN cấp tỉnh được thành lập theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN (năm 2007) và Nghị quyết số 294A/2007/UBTVQH12, ngày 27/9/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, hoạt động của BCĐ Trung ương về PCTN trong giai đoạn này còn nhiều hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Hoạt động của BCĐ cấp tỉnh còn lúng túng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; chưa phát huy tốt vai trò phối hợp hoạt động của các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án ở địa phương trong PCTN; chưa kịp thời chỉ đạo cơ chế xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Nguyên nhân của tồn tại này có nhiều, trong đó đáng chú ý là cơ cấu thành phần trong BCĐ, trưởng BCĐ. Khi thành lập bộ máy BCĐ cấp tỉnh thì chủ tịch UBND tỉnh là trưởng BCĐ, một số phó chủ tịch và trưởng ban, ngành cấp tỉnh là thành viên. Điều này khiến hiệu lực, hiệu quả không cao, trong đó có hiện tượng “đá bóng kiêm thổi còi” bởi chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh là bộ máy hành pháp, khó đảm bảo tính khách quan, vô tư. Nhiều địa phương nảy sinh tình trạng cát cứ, từ chỗ BCĐ đốc thúc chống tham nhũng, có khi lại trở thành “cản trở”.

Trong thực tế, không ít chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh bị xử lý hình sự về hành vi tham nhũng, ở một số vụ án họ là vai trò chủ mưu. Vậy khi những người này “dính chàm” mà họ là trưởng BCĐ hay thành viên BCĐ thì quá khó để BCĐ thực sự “chỉ đạo” chống tham nhũng, tiêu cực!

Do vậy, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (năm 2012) đã quyết định tổ chức lại BCĐ về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, chuyển đổi mô hình BCĐ trực thuộc Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu sang mô hình trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu. Hội nghị cũng quyết định không tổ chức BCĐ tỉnh, thành phố về PCTN.Tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN và có trách nhiệm phối hợp với BCĐ Trung ương về PCTN khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương. Mục đích của sự thay đổi này nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN, tăng cường tính độc lập tương đối của BCĐ với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong công tác đấu tranh PCTN.

Từ khi thành lập BCĐ Trung ương về PCTN theo mô hình mới đến nay, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó khẳng định, việc thành lập BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Gần đây, BCĐ được bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực, bên cạnh nhiệm vụ PCTN.

Tuy nhiên, việc không có BCĐ cấp tỉnh cho thấy “lỗ hổng” mà BCĐ cấp Trung ương khó thể bao quát hết. Việc kiện toàn bộ máy BCĐ cấp tỉnh là yêu cầu khách quan và điều quan trọng là triển khai mô hình tương ứng với cấp Trung ương. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương và để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của BCĐ đối với việc thực hiện các nhiệm vụ PCTN, tiêu cực, BCĐ cấp tỉnh nên có thành phần gồm trưởng ban là bí thư tỉnh, thành ủy. Các phó trưởng ban là phó bí thư thường trực; trưởng ban nội chính, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy; giám đốc công an tỉnh, thành phố. Trưởng ban nội chính là phó trưởng ban thường trực ban chỉ đạo. Các ủy viên ban chỉ đạo là lãnh đạo cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố, gồm: Trưởng ban tuyên giáo, chánh văn phòng tỉnh ủy, thành ủy; chánh án TAND, viện trưởng VKSND, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự, giám đốc sở tư pháp, chánh thanh tra, chủ tịch UBMTTQ, phó trưởng ban nội chính. BCĐ cấp tỉnh sẽ chịu sự chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của BCĐ Trung ương, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trong thực hiện nhiệm vụ.

Đăng Minh
.
.
.