Xung quanh câu chuyện “búp bê Nga” Maria Sharapova dính doping:

Ý thức nghề quyết định hành động

Thứ Năm, 10/03/2016, 08:24
Câu chuyện quần vợt thế giới với Maria Sharapova dính doping vẫn chưa hết nóng hổi. Liên hệ về quần vợt Việt Nam, chúng ta không bao giờ mong ngày nào đó có VĐV nổi tiếng sẽ thú nhận như vậy. Tất cả nằm ở ý thức công việc thể thao mình đang làm...

Muốn kiểm tra phải phụ thuộc tài chính

Trao đổi với ông Đoàn Quốc Cường (Trưởng bộ môn quần vợt – Tổng cục TDTT) nhân câu chuyện tay vợt nữ Maria Sharapova vừa thú nhận sử dụng chất cấm trong thi đấu thể thao (doping), ông chia sẻ: “Đây là một thông tin bất ngờ với nhiều người mê quần vợt. Tất nhiên, trên thế giới từng có trường hợp VĐV nổi tiếng không qua được mẫu thử doping. Thế nhưng, trong thể thao hiện đại, khi một người xinh đẹp và có sức hút thành tích như Sharapova mà dính doping đúng là tiếc”. 

Trở lại với câu chuyện quần vợt Việt Nam, đặt câu hỏi đã bao giờ có VĐV dính doping hay ít nhất VĐV của ta từng phải tham gia cuộc thử sau thi đấu hay chưa, ông Cường bảo từng có VĐV của chúng ta được yêu cầu thử sau thi đấu. Tuy nhiên, mẫu thử là trong sạch, không có chất cấm trong thể thao.

Trường hợp ông Cường nhắc tới là tay vợt Hoàng Thành Trung. Năm 2012, đội quần vợt nam Việt Nam dự Davids Cup ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sau thi đấu thì ban tổ chức yêu cầu lấy mẫu thử một VĐV và Thành Trung là người đã cho mẫu thử.

Đến bây giờ, trong tất cả các giải thi đấu ở trong nước, quần vợt Việt Nam chưa một lần làm công tác kiểm tra doping. Mấu chốt của việc không làm thử doping là vì tiền ít. Một mẫu thử nếu lấy xong sẽ phải chuyển tới những phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn của Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) cấp chứng chỉ tại châu Á. 

Với Việt Nam, nơi gần nhất là Trung Quốc. Một mẫu như vậy mất tiền từ 200 đến 300 USD. Chi phí tính ra bằng tiền thì nhiều thật nên bộ môn quần vợt (Tổng cục TDTT) hoặc Liên đoàn quần vợt Việt Nam khi tổ chức giải đều không đưa việc thử doping là cần thiết. 

Chúng ta đã tổ chức các giải thuộc hệ thống Challenge ở Việt Nam nhưng, “rất ít khi Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF) có lấy mẫu thử VĐV ở giải do ta tổ chức. Tính từ trước đến nay, trong nhiều lần giải Challenge tổ chức tại Việt Nam thì tôi nhớ chỉ một lần có lấy mẫu thử nhưng kết quả hoàn toàn âm tính”, ông Đoàn Quốc Cường cho biết.

Maria Sharapova dám nói ra sự thật là điều không mấy ai làm được.

Bài học cho VĐV

Trên góc độ nhà quản lý, nhiều người tin rằng, những trường hợp nổi tiếng thế giới của làng quần vợt bị phát hiện dùng chất cấm hoặc thú nhận dùng chất cấm là tấm gương để VĐV trẻ không mắc sai lầm. 

“Hiện tại chúng ta có nhiều VĐV trẻ đang trưởng thành hơn nên họ sẽ ý thức được về sự nghiệp. Với thể thao, tất cả muốn nói có dùng doping hay không phải qua máy kiểm tra mẫu thử mới khẳng định chính xác. Nhưng tôi tin, các cháu VĐV trẻ của chúng ta đều không làm điều này”, vị trưởng bộ môn nói thêm. 

Với quần vợt nữ Việt Nam, lúc này, người nổi bật nhất là tay vợt Việt kiều Lian Trần. Cô gái mới 14 tuổi của quần vợt TP Hồ Chí Minh vừa tạo bước ngoặt lịch sử cho bản thân với ngôi vô địch đơn nữ (nội dung trên 18 tuổi) tại giải vô địch quốc gia nữ 2016 bế mạc ngày 8-3 vừa qua. Nhìn Lian Trần thi đấu, người trong giới đều tấm tắc ở sự chỉn chu, tác phong khá chuyên nghiệp. 

Một điều mà cô gái trẻ cùng người cha Trần Thế Thắng hướng tới cao nhất từ ngày trở về Việt Nam thi đấu là một lần được khoác lên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia. 

“Tôi đánh giá, sự chuyên nghiệp trong tập luyện, thi đấu của hai chị em Lian Trần, Demi Trần ngay từ nhỏ ở Hà Lan giúp các cháu ý thức được sự trong sạch ở thi đấu thể thao. Các quốc gia phát triển đều có môi trường tốt phát triển nhưng họ giáo dục tư tưởng VĐV ngay từ tấm bé nhằm không sai lầm”, ông Cường phân tích.

Năm 2015, Lian Trần vào chung kết chỉ giành ngôi á quân. Sau một năm, cô gái trẻ vẫn miệt mài thi đấu và có chức vô địch năm 2016 đầy tự hào. Những VĐV trẻ triển vọng như vậy chắc chắn rất ý thức nghề nghiệp mình đang đeo đuổi. 

Quần vợt nữ Việt Nam tính dài hơi hơn bằng việc đồng ý cho những tay vợt Việt kiều nước ngoài về thi đấu. Ít nhất, họ tạo được một tác phong chuyên nghiệp trong chuyên môn cũng như ý thức cao về chất cấm ở thể thao. Tất nhiên, trong câu chuyện về sử dụng chất cấm, bằng cảm quan chuyên môn và sự lọc lõi trong nghề, nhiều HLV và người làm quần vợt biết giới hạn của VĐV là ở đâu. Vì thế, nếu có người trót “dính chàm” thì khó giấu được. Dù trên công khai, mọi trường hợp chỉ là... nghi án.

Martina Hingis từng bị cấm thi đấu

Chắc chắn, Maria Sharapova sẽ bị cấm thi đấu với sự vụ doping trên. Tuy nhiên, nhiều báo giới nước ngoài đã phân tích rằng nếu vẫn giữ được động lực và khát khao thi đấu khi án phạt hết hạn thì Sharapova vẫn có thể trở lại đỉnh cao. 

Tiền lệ trước có cựu số 1 nữ thế giới Martina Hingis (Thụy Sĩ) từng bị cấm thi đấu 2 năm sau khi mẫu thử của cô dương tính với một chất kích thích chuyển hóa từ cocaine vào năm 2007 trong cuộc kiểm tra doping của ITF. 

Sau án phạt, Hingis đã trở lại thi đấu tốt. Hiện tại cựu nữ tay vợt số 1 thế giới này đã không còn thi đấu các nội dung đơn mà chuyển qua đánh đôi trong nhiều giải quốc tế trên thế giới. Đấy là trường hợp về nữ rất nổi tiếng của quần vợt quốc tế đã bị cấm vì dương tính với doping. 

Ngoài họ, các nam đồng nghiệp có không ít người “dính chàm” như Agassi, Marin Cilic, Gasquet. Chia sẻ về thú nhận của Maria Sharapova, tay vợt nữ số 1 thế giới Serena Williams đánh giá đó là một quyết định dũng cảm và trân trọng khi người đồng nghiệp dám nói ra sự thật.                                                      

D.P.

Diệu Phương
.
.
.