Phó Chủ tịch tài chính VFF: Còn ai muốn “ôm rơm rặm bụng”?

Thứ Năm, 27/06/2019, 08:27
Một lần nữa vị Phó Chủ tịch tài chính, người lo “cơm áo gạo tiền” cho VFF, lại là đề tài thu hút sự chú ý của dư luận.

Sau 6 tháng làm việc không có hiệu quả, ông Cấn Văn Nghĩa đã từ chức và để lại phía sau chiếc ghế nóng bậc nhất trong các vị trí lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Đáng nói hơn, sự việc này xảy ra vào đúng thời điểm VFF đang đàm phán hợp đồng với HLV Park Hang-seo. 

Doanh nhân hay là không?

Vị trí Phó Chủ tịch chuyên trách mảng tài chính được xem là chính thức ra đời vào nhiệm kỳ 5 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (6-2005 – 2009), các nhiệm kỳ trước đó của VFF không phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phó chủ tịch.

Người đầu tiên nhận trách nhiệm này là ông Lê Hùng Dũng, lúc đó đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank. Ông Dũng tái đắc cử vị trí này vào nhiệm kỳ 6 và đến nhiệm kỳ 7, ông trở thành Chủ tịch của LĐBĐ Việt Nam.

Dấu ấn của ông Lê Hùng Dũng trong những năm đương nhiệm khá lớn. Vị Phó Chủ tịch tài chính nhiệm kỳ 5 và 6 của VFF ấp ủ giấc mơ phát triển bóng đá Việt Nam theo đường hướng của Nhật Bản và ký một loạt thỏa thuận hợp tác với JFF (Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản). Việc ông Toshiya Miura trở thành HLV trưởng ĐT Việt Nam giai đoạn 2014-16 cũng nằm trong kế hoạch này.

Người tiếp quản vị trí của ông Lê Hùng Dũng chính là ông Đoàn Nguyên Đức, hay như chúng ta vẫn quen gọi là “bầu Đức” của Hoàng Anh Gia Lai.

Là một doanh nhân có tiếng trên thương trường, bầu Đức cũng thể hiện sự quyết đoán trên cương vị của mình tại VFF. Hai đời HLV ĐTQG sau Miura là Hữu Thắng và đặc biệt là Park Hang-seo gần như do “một tay” bầu Đức mời về.

Những thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam suốt 2 năm qua dưới sự dẫn dắt của chiến lược gia Hàn Quốc có công lao lớn của ông Đoàn Nguyên Đức khi ngoài việc sang tận Hàn Quốc thuyết phục Park Hang-seo, ông còn trực tiếp bỏ tiền túi ra để trả lương cho nhà cầm quân này.

Với vị trí Phó Chủ tịch tài chính, việc người đảm trách là một doanh nhân mang lại rất nhiều ưu thế. Họ có những mối quan hệ rộng rãi trong giới doanh nghiệp, dễ dàng “kêu gọi Mạnh Thường Quân”.

Chính ông Đoàn Nguyên Đức là người kết nối VP Milk trở thành nhà tài trợ cho V.League từ năm 2017 đến nay. Trong điều kiện khó khăn, tiềm lực kinh tế mạnh của họ cũng là nguồn hỗ trợ rất đắc lực cho VFF, đơn cử như chuyện bầu Đức chi tiền túi ra để trả lương cho HLV Park Hang-seo. Gần như ngay sau khi ông chủ HAGL rút lui, VFF lập tức phải đối mặt với bài toán khó giải khi muốn gia hạn hợp đồng và nâng lương cho vị chiến lược gia Hàn Quốc.

Ông Lê Hùng Dũng và ông Đoàn Nguyên Đức - các cựu Phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF.

Chọn mặt gửi vàng

Tất nhiên một vị phó chủ tịch tài chính thạo việc kinh doanh sẽ đem lại nhiều lợi ích cho VFF, nhưng mặt khác, nếu người đảm nhận vai trò đó không có một sự hiểu biết nhất định về bóng đá cũng như những đặc thù của môi trường bóng đá Việt Nam thì rất có thể quá trình công tác cũng không đạt được hiệu quả tốt nhất.

Quay trở lại thời điểm bầu Đức ký hợp đồng với Park Hang-seo, đó là lúc mà VFF đang cân nhắc giữa nhiều bản CV được gửi đến. Thế rồi “đùng một cái”, bức ảnh các lãnh đạo VFF chụp cùng Park Hang-seo trong buổi ký hợp đồng tại Hàn Quốc xuất hiện trên mặt báo như… sự đã rồi.

VFF sau đó “chữa cháy” khi nói rằng việc ký kết với chiến lược gia Hàn Quốc “đúng quy trình”. Mặc dù vậy, ai cũng hiểu rằng mọi thứ đều do bầu Đức sắp xếp từ đầu đến cuối và các lãnh đạo khác của VFF có rất ít vai trò trong việc đưa thầy Park đến Việt Nam.

Nói gì thì nói, kẻ mạnh vẫn là kẻ nắm túi tiền! Một vị phó chủ tịch tài chính lấn át cả chủ tịch là con dao hai lưỡi với VFF. Sự quyết đoán của bầu Đức trong việc mời HLV Park Hang-seo đã đem đến những thành công rực rỡ nhưng hãy đặt giả thuyết rằng mọi sự diễn ra ngược lại, không biết “quả bóng trách nhiệm” sẽ được chuyền vào chân ai?

Nhưng một người có chuyên môn mà thiếu năng lực làm kinh tế thì cũng không thể ngồi vào vị trí này. Ông Cấn Văn Nghĩa, người vừa từ chức PCT tài chính, từng chiến thắng 3 doanh nhân khác trong đại hội nhiệm kỳ 8.

Ông cựu giám đốc Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình tuyên bố sẽ đem về cho VFF 400 tỷ trong 4 năm nhiệm kỳ nhưng sau 6 tháng công tác, ông Nghĩa không trực tiếp đem được một bản hợp đồng lớn nào về!

Lựa chọn ra một người vừa có tầm nhìn chuyên môn, vừa có năng lực kinh tế rõ ràng là mục tiêu của đại hội bất thường của VFF sẽ diễn ra để bầu phó chủ tịch tài chính mới.  Dĩ nhiên công việc này không hề đơn giản dù hồ sơ của các ƯCV đều rất đẹp. 

Có thể kể đến những cái tên sáng giá như ông Trần Anh Tú (Chủ tịch HĐTQ Công ty VPF), ông Nguyễn Hoài Nam (Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam), ông Lê Văn Thành (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ  Công ty CP thể thao Động Lực)...

Vị PCT tài chính mới của VFF sẽ phải bước ngay vào công việc với nhiệm vụ đầu tiên là giải được bài toán trả lương cho HLV Park Hang-seo. Một bài “kiểm tra năng lực” rất chất lượng và thiết thực!

Kết thúc đại hội nhiệm kỳ 8 tới nay, VFF thu về khoảng 140 tỷ thì 90% trong số đó là nhờ những mối quan hệ của ông Trần Quốc Tuấn, người đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn.

Ông Cấn Văn Nghĩa, PCT phụ trách tài chính, không trực tiếp đưa được về một bản hợp đồng tài trợ nào cho VFF. Bên cạnh đó, ông Nghĩa còn đang phải chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (KLHTTQGMĐ) trong thời gian ông làm giám đốc từ 2009-2018.

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, KLHTTQGMĐ đã cho thuê đất ngắn hạn khi chưa nhận được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ VH-TT&DL và Bộ Tài chính. Trong quá trình cho thuê, các hợp đồng cho thuê chưa thực hiện đấu giá, công khai mức giá theo quy định. Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Khu liên hợp trả lại 22 tỷ vào ngân sách nhà nước nhưng cho đến nay vẫn chưa thu hồi được đồng nào.

Cẩm Chi
.
.
.