Ông Miura "binh" kiểu gì?

Thứ Ba, 29/12/2015, 09:10
Nhà cầm quân người Nhật từng khó chịu ra mặt khi bị báo giới cật vấn quanh chuyện "quân Hoàng Anh trong lòng Đội tuyển", nhưng trước cái biểu ngữ trên sân Gò Đậu (Bình Dương), đòi ông phải thay đổi lối chơi của ĐT U.23 theo chiều hướng kỹ thuật, thậm chí đề nghị ông "hãy về Nhật Bản làm HLV" thì ông lại nhẹ nhàng đáp lại: "Chúng tôi sẽ trả lời bằng kết quả thực tế trên sân cỏ".

Không thể nói ông Miura không biết tiếng Việt nên không hiểu những biểu ngữ và cả những la ó của một bộ phận khán giả trên sân Gò Đậu dành cho mình (trận giao hữu cách đây ít lâu, U.23 Việt Nam hoà Bình Dương 1-1), cũng không thể nói ông không thấy khán giả ồ lên vỗ tay khi Công Phượng "xé" bài bằng những pha bóng kỹ thuật, giàu tính cống hiến, thay vì cứ nhất nhất đá theo kiểu... chọc sâu chạy dài. 
Nhưng trước toàn thể giới phóng viên sau đó, ông vẫn một mực tin vào quan điểm của mình, rằng: "Mọi người cứ nói cầu thủ Việt Nam giàu kỹ thuật, nhưng so với những đối thủ ở VCK U.23 châu Á sắp tới như Jordan, UAE, Australia thì kỹ thuật của ta khó sánh bằng. Nếu chọn kiểu đá kỹ thuật, rườm rà trước những đối thủ như thế, tôi nghĩ là thật khó gây đột biến".

Những lần tập trung ĐTVN và ĐT U.23 Việt Nam trước đây, ông Miura gọi phần lớn các cầu thủ cơ bắp để thực hiện lối chơi cơ bắp của mình. Nhưng vấn đề là lần này, ông đã quay sang chọn quân Hoàng Anh Gia Lai làm nòng cốt (9 cầu thủ), và ai cũng nghĩ rằng với những cầu thủ kỹ thuật ấy, ông sẽ xoay sang chơi nhỏ, nhuyễn, mang màu sắc cống hiến nhiều hơn. Thế mà...

Ông Miura đang đi nước "độc"? Ảnh: H.M.

Hôm qua, ngồi trao đổi với tân Chủ tịch Hội đồng HLV QG Nguyễn Sỹ Hiển được nghe ông Hiển phân tích: "Dưới thời Miura, có nhiều cầu thủ bị chấn thương, và ông ấy luôn nghĩ rằng nguyên nhân nằm ở vấn đề thể lực, dinh dưỡng và cả việc các cầu thủ không được các CLB chủ quản chăm bẵm tốt. Tuy nhiên, trường hợp chấn thương của Trọng Đại - một cầu thủ giàu triển vọng của CLB Viettel lại cho tôi một cái nhìn khác: ông Miura không nắm bắt được thực trạng tập luyện của các cầu thủ ở cấp CLB, và dường như cũng không có nhu cầu tham khảo HLV trưởng các CLB về điều này. Thế nên giáo trình và cường độ tập luyện ở CLB với ĐT là rất vênh nhau".

Vẫn theo ông Hiển, không phải đợi tới lúc này, trước đó ông đã nhiều lần lên tiếng về việc cầu thủ Việt Nam rất khó đá kiểu bóng dài bóng bổng. Ông còn viện dẫn lại cái lần ĐTVN được dẫn dắt bởi thầy Anh Conlin Murphy (SEA Games năm 1997), và chơi theo đúng tư tưởng tấn công biên - tạt cánh - đánh đầu của người Anh, nhưng càng chơi càng cho thấy sự thiếu hiệu quả, nhưng ý kiến của ông đã không được lắng nghe, tiếp nhận một cách kịp thời.

Bây giờ, trong bối cảnh mà hợp đồng giữa Miura với VFF chỉ còn khoảng 3 tháng, cái bối cảnh mà VCK U.23 châu Á giống như một canh bạc cuối của Miura thì chắc chắn nhà cầm quân người Nhật càng có nhiều lý do để lái đội tuyển theo cách tính và niềm tin riêng của mình. Và ông hiểu, một kết quả tốt ở giải đấu này sẽ là điều kiện tối quan trọng để VFF gia hạn hợp đồng mới với ông.

Ở thời điểm hiện tại, chẳng nhẽ không thể làm gì ngoài việc cứ ngồi đó chờ đợi và cầu nguyện vào những những đường binh riêng của một ông thầy quyết tâm chơi canh bạc cuối?

Khá giống trường hợp Weigang

Trước thềm Tiger Cup (tiền thân của AFF Suzuki Cup) năm 1996, VFF quyết định sau giải đấu sẽ cách chức HLV trưởng ĐTVN Weigang vì những bất đồng tiềm ẩn trước đó giữa hai bên. Nhưng vấn đề là Tiger Cup ấy ông Weigang đã bất ngờ giúp ĐT đoạt HCĐ, và thế là sau đó VFF rơi vào thế... buộc phải gia hạn hợp đồng.

Trở lại với trường hợp Miura, trong khi VFF chỉ giao nhiệm vụ cho ĐT U.23 Việt Nam là một trận thắng  thì riêng ông lại đề ra chỉ tiêu: "Phải vào tứ kết". Có lẽ, nếu ĐT vào được tứ kết thì cái thế của Miura với bóng đá Việt Nam nhiều khả năng sẽ đảo chiều! Cứ chờ xem sao.

Ngọc Anh 

Diệp Xưa
.
.
.