Được xem trực tiếp thể thao là không dễ

Thứ Bảy, 02/04/2016, 16:39
Những giải thể thao trong nước, trong một số môn, nhiều người hâm mộ rất muốn theo dõi. Vì lý do khoảng cách địa lý, phương thức truyền hình trực tiếp là cách hiệu quả nhất để khán giả có thể tiếp cận với các giải đấu. Thế nhưng, câu chuyện bản quyền truyền hình luôn là đề tài nóng.


Lúc được lúc không

Những môn thể thao được chờ xem nhiều nhất ở Việt Nam hiện tại (ngoài bóng đá) có bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt. Giải bóng chuyền VĐQG 2016 (bắt đầu thi đấu từ ngày 2-4) là mùa giải rất lâu sau nhiều năm trở lại đây, ngay ở vòng 1, tại các điểm thi đấu là Yên Bái và Hải Dương, có truyền hình trực tiếp. 

Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC) tham gia tường thuật ở Yên Bái còn Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tường thuật tại Hải Dương. Đấy là tin vui cho người hâm mộ. Trong khoảng 5, 6 năm trước, việc giải bóng chuyền VĐQG được tường thuật trực tiếp là hãn hữu. Nói thẳng, liên đoàn bóng chuyền rất sẵn lòng mở cửa mời các đài ký kết tường thuật trực tiếp (tất nhiên, chi phí bản quyền là rất ít). Tuy nhiên, ít đơn vị mặn mà làm giải. VTC từng ký hợp đồng với gói làm trực tiếp 5 mùa giải cho liên đoàn bóng chuyền nhưng vì những khó khăn kinh tế, có thời điểm họ đã không thể đồng hành. Người hâm mộ bóng bàn lại càng mong được xem tường thuật trực tiếp các giải trong nước, đặc biệt là giải VĐQG.

Bản quyền truyền hình luôn là điều rất “nhạy cảm” khi nói tới. 

Nhiều năm trở lại đây, người hâm mộ không nhiều cơ hội được xem trực tiếp trên truyền hình các giải bóng bàn trong nước. Nếu không muốn nói, các nhà đài làm tường thuật trực tiếp đã hiếm vô cùng. Cầu lông và quần vợt trong một số năm nhất định, đơn vị truyền hình cáp của VTV đã tổ chức tường thuật trực tiếp vài giải. Mừng cho người hâm mộ được xem. Tuy nhiên, trong sự vận động chung ở tất cả các môn thể thao tại Việt nam, số môn và số giải được tường thuật trực tiếp là ít. 

Trước đây, đã có phong trào các đài truyền hình đứng ra tổ chức các giải thể thao, một cách làm có thể đáp ứng được hai tiêu chí gồm tài trợ và phát sóng. Điển hình trong số này là giải đua xe đạp cúp Đài truyền hình TPHCM rất truyền thống (giải này sắp diễn ra vào ngày 10-4 tới đây). Nhưng lúc này, việc tìm được nhà tài trợ bắt đầu khó do bối cảnh kinh tế khó khăn nói chung. Ngoài ra, để tường thuật trực tiếp một giải đấu, các đài truyền hình phải bỏ ra chi phí nhiều từ kỹ thuật tới huy động con người đi thực hiện.

Bóng đá là sự mở đường

Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) trong giai đoạn ra mắt 2010 đã hướng mũi nhọn làm về chương trình thể thao. Họ đã nhắm vào việc mua bản quyền truyền hình giải vô địch bóng đá quốc gia (V-League) trong thời hạn 20 năm. Hợp đồng đã được thương thảo với liên đoàn bóng đá Việt Nam tuy nhiên, điều này đã không thành hiện thực. 

Điểm lại câu chuyện của AVG để thấy, một số kênh truyền hình tư nhân đã hình thành nhận thức cho người làm truyền hình và cả người xem rằng sẽ có lúc nếu muốn theo dõi trực tiếp phải sử dụng truyền hình trả tiền. Tất cả điều hiểu, sự thích nghi và phù hợp phải tùy thuộc theo từng hình thái khác nhau.

Bây giờ, V-League đang được trực tiếp trên rất nhiều kênh sóng vào những ngày cuối tuần có thi đấu. Khán giả Việt Nam đã được mãn nhãn xem trực tiếp gần như đầy đủ các trận trong một vòng đấu. Bản quyền truyền hình trực tiếp được chi trả ra sao? Theo tìm hiểu, chi phí bản quyền truyền hình là có. Để phù hợp đôi bên, nhà đài khi truyền hình trực tiếp sẽ trả chi phí bằng hình thức phát quảng cáo những nhà tài trợ của giải đấu. Như thế, hình thức chi phí được hiểu như là sự trao đổi và không phải trả bằng tiền mặt. 

Trên thế giới, chi phí bản quyền truyền hình là phần thu đáng kể để một đội bóng hay một đội tuyển thể thao quốc gia gia tăng ngân quỹ. Ở thể thao chúng ta, những đội thể thao kiếm thêm được tiền từ bản quyền truyền hình gần như chưa thể. Duy nhất chỉ bóng đá triển vọng nhất tìm thêm tiền qua bản quyền truyền hình. Thành công hay không lại phụ thuộc vào người xem và cách thực hiện thu phí của những nhà đài.

Nóng với cuộc chiến đàm phán mua bản quyền EPL

Đơn vị nào sẽ mua được bản quyền truyền hình giải bóng đá ngoại hạng Anh (EPL) trong 3 năm sắp tới 2016-2019 đang nóng lên tại Việt Nam lúc này. Hiện đang là thời điểm mà MP&Silva (công ty bán bản quyền EPL tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương) chính thức rao giá và tìm đơn vị mua EPL 2016-2019 tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, khúc mắc lớn nhất chính là Truyền hình số vệ tinh VSTV (K+) đã gửi văn bản (trong ngày 31-3) đến Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) để tái khẳng định quan điểm muốn VNPayTV để các đơn vị có nhu cầu mua bản quyền EPL được tự chủ đàm phán. K+ muốn chủ động đàm phán để mua EPL. Tuy nhiên, VNPayTV chỉ đồng ý việc thương thảo và mua EPL do Ban đàm phán do mình ủy quyền thực hiện. 

Ban đàm phán đại diện cho nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình gồm VTV, VTV Cab, Công ty VTC Dịch vụ Truyền hình số (VTC Digital), SCTV, K+, AVG, VNPT Media, Viettel, FPT và VTC (thuộc VOV). Trong việc thương thảo mua EPL giai đoạn 20-16-2019, Ban đàm phán thể hiện rõ quan điểm là mua toàn bộ các trận đấu của giải EPL (không độc quyền); mức giá không vượt quá 20% tổng mức giá bản quyền giai đoạn 2013-2016; Ban đàm phán là đơn vị duy nhất đàm phán với MP&Silva về bản quyền. 

Văn bản của K+ đưa lý do rất cụ thể đó là “Sau hơn 5 tháng hợp tác và kiên nhẫn chờ đợi, chúng tôi nhận thấy phương án mua chung là khó khả thi, và cách thức thực hiện của hiệp hội quá rủi ro. Chúng tôi hiểu rõ là hiệp hội không thể chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh và thiệt hại cho doanh nghiệp và người hâm mộ do chậm trễ hoặc không mua được bản quyền”. 

Nghĩa là, đơn vị này không thể chờ đợi Ban đàm phán do thời gian làm việc chưa thấy một tiến triển mới nào. Đồng thời, đơn vị này khẳng định, EPL có tính chất khác với những giải như World Cup, Olympic hay EURO. Họ có chiến lược kinh doanh của mình và trong tường hợp không đảm bảo được việc kinh doanh đó thì ai sẽ giúp đỡ mình. 

Trong khi đó, MP&Silva cũng thể hiện không mặn mà trong sự thúc giục của Ban đàm phán phải đi đến một cuộc gặp gỡ làm việc. Được biết, mùa giải từ 2013-2016, phí bản quyền đã bán tại Việt Nam là hơn 30 triệu USD.

D.P.

Diệu Phương
.
.
.