Đi học Hàn Quốc...

Thứ Hai, 23/11/2015, 08:55
Dàn lãnh đạo VFF, VPF đang có chuyến công tác tại Hàn Quốc để thực hiện cái việc gọi là "nghiên cứu, học hỏi cách làm bóng đá chuyên nghiệp của người Hàn". Chuyến đi cũng trùng với thời điểm U.21 HA.GL vừa thua U.19 Hàn Quốc 0-1 tại giải U.21 Quốc tế Báo Thanh Niên.


Xem trận đấu của U.21 HA.GL với những tên tuổi như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Hồng Duy, Thanh Tùng... nhiều người đặt ra câu hỏi: lứa cầu thủ này học ai? Dĩ nhiên là học Arsenal với những "tiểu giáo viên" như Guillaume Graechen (người Pháp) được Học viện Arsenal toàn cầu cử sang. Ngay từ đầu, bầu Đức đã xác định là phải học kiểu làm bóng đá trẻ căn cơ, bài bản, và học cả triết lý kĩ thuật, giàu tính cống hiến của Arsenal.

Dĩ nhiên, đấy là một mục đích tốt, mang tầm chiến lược, nhưng có lẽ dần dần ông bầu gạo cội này cũng nhận ra Arsenal chủ yếu chỉ đào tạo tố chất kĩ thuật nhằm tìm ra những tiền đạo và tiền vệ công xuất sắc (cũng rất phù hợp với thể hình, thể lực của người châu Á), chứ không đào tạo một đội bóng tổng hợp với các vị trí cơ bản từ hàng phòng ngự đến hàng tiền vệ và hàng tấn công. Nói thế để thấy giữa việc khát khao đi học với việc đủ bản lĩnh và sự nhanh nhạy để nhận ra bản chất của sự học, xem mình quả tình được học những gì và nên tiếp tục vừa học vừa biến đổi những gì là một khoảng cách mà ở vạch xuất phát đầu tiên, không phải ai cũng có thể nhận ra.

Cựu trưởng giải người Nhật Tanaka Koji chỉ xuất hiện một mùa rồi thôi. Ảnh: H.M.

Vẫn liên quan đến chủ đề học, khi khoá VII VFF được thành hình, Chủ tịch Lê Hùng Dũng cùng PCT chuyên môn Trần Quốc Tuấn đã nêu cao lá cờ "học Nhật". Chúng ta học Nhật Bản một cách triệt để đến nỗi đã mời chuyên gia Nhật sang làm cố vấn cho ông Tổng giám đốc VPF Võ Quốc Thắng, rồi làm cả Trưởng BTC V.League, sau đó tiếp tục mời thầy Nhật cầm cả ĐTQG nam lẫn ĐTQG nữ. Nếu ông Tanabe, chuyên gia Nhật đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam đã không may mắc bệnh nan y, phải sớm về nước và bây giờ đã không còn tồn tại trên cõi đời này, thì ông Tanaka Koji - cựu trưởng giải V.League cũng chỉ có thể tại vị một mùa rồi thôi. Người ta không khó nhận ra, trên cương vị trưởng giải, một người Nhật Bản như ông Koji rất khó "ngửi" đúng, "ngửi" trúng, từ đó "kê đơn thuốc" hiệu quả cho những vấn nạn rất... bóng đá Việt Nam. Riêng hai ông thầy Nhật ở ĐTQG thì thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều phàn nàn về việc cả hai đều "ép" các cầu thủ đá kiểu 4-4-2 với những tình huống bóng bổng, bóng dài không thật phù hợp với nền tảng của chúng ta.

Rõ ràng, Nhật Bản là một trong những nền bóng đá mạnh nhất châu Á hiện thời. Nhưng không phải cứ học Nhật Bản theo kiểu "bê" một ê kíp chuyên gia - HLV Nhật Bản sang mình rồi đề nghị họ áp dụng "công nghệ Nhật" vào cái thực tiễn bóng đá và xã hội của mình là có thể thành công. Nói về câu chuyện đi học này, chính HLV trưởng ĐT nam Quốc gia Toshiya Miura đã từng kể lại: "Có một dạo, bóng đá Nhật Bản chủ trương học theo người Đức, nhưng rồi chúng tôi nhận ra mình khác người Đức, nên không thể học rập khuôn, máy móc được".

Bây giờ lại diễn ra chuyện các quan chức VFF, VPF sang học bóng đá Hàn Quốc. Và cứ với đà này, sẽ không bất ngờ nếu một lúc nào đó vẫn những quan chức này, những người mà một năm trước còn giương cao ngọn cờ "học Nhật" sẽ tiếp tục đi học những nền bóng đá A, B, C, D, Đ nào khác.

Nếu không nhận thức rõ chính mình, để nhìn ra những cái mạnh, cái yếu của riêng mình thì mọi sự học hành rập khuôn đều đẩy chúng ta vào bi kịch!

Số lượng và chất lượng 

Ở mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên, bóng đá Hàn Quốc chỉ xuất hiện 6 đội bóng - một con số quá ít, nhưng bù lại, đấy là 6 đội đáp ứng những điều kiện của bóng đá chuyên nghiệp một cách tối đa. Chính từ 6 đội ấy, bóng đá xứ Hàn phát triển dần, và luôn trở thành một trong những nền bóng đá hàng đầu châu lục như hiện nay. Ở ta thì V.League luôn có trên 10 đội, nhưng ai cũng hiểu trong số ấy chỉ có khoảng 4,5 đội là đủ tiềm lực chuyên môn và tài chính một cách thực sự. Thế mà khi một đội nào đó xin không dự giải, VFF, VPF lại cuống cuồng tìm cách đôn những đội hạng dưới lên thay, từ đó đẩy các đội này vào dạng "chín ép". Liệu sau chuyến đi học xứ Hàn, chúng ta có thay đổi cách làm chỉ chạy theo số lượng này không?

Một đặc điểm quan trọng khác của bóng đá Hàn Quốc là sự phát triển bóng đá học đường, với bằng chứng là đội tuyển sinh viên Hàn Quốc luôn có sức mạnh ngang ngửa các đội bóng chuyên nghiệp thực thụ tại châu Á. Còn bóng đá học đường ở Việt Nam vẫn là một khoảng trống mênh mông.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.