Công nghệ ngoại giải mã những trận đấu 'có mùi': Dễ việt vị

Thứ Năm, 28/01/2016, 08:14
Thông tin Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) bắt tay với Sportradar từ mùa giải này để ngăn ngừa, phòng chống tiêu cực trong các trận đấu tại V.League khiến những người thực sự am tường bóng đá Việt Nam phải đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của một "công nghệ ngoại" ở một môi trường thuần nội.

Sportradar là đối tác chiến lược với Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF), Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) và hàng loạt liên đoàn bóng đá quốc gia phát triển trên thế giới từ rất lâu. Thông qua sự vào cuộc của Sportradar cũng đã có những chỉ số, những trận đấu bất thường được chỉ ra. Cụ thể, Sportradar phân tích các dữ liệu cá cược bóng đá để xem một trận đấu nào đó có tỉ lệ bất thường hay không, và có những nguồn tiền bất thường, khả nghi "đánh độ" một trận đấu hay không. Ở những nước có cá cược bóng đá hợp pháp, và người cá cược công khai "đặt cửa" thì các phân tích của Sportradar có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên với những nền bóng đá mà tình trạng cá cược, cá độ không thông qua những tỉ lệ kèo công khai, cũng không thông qua một nguồn tiền - một nguồn tài khoản công khai thì cách làm của Sportradar rất khó phát hiện "con bệnh" đến nơi đến chốn.

Bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2014, khi ĐT Việt Nam thua đau và thua lạ ĐT Malaysia 2-4 ngay trên sân nhà Mỹ Đình (lượt đi thắng 2-1 trên sân khách) khiến Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phải đặt ra câu hỏi: "Có mùi gì không?" thì chính Sportradar cũng đã vào cuộc, dựa trên hợp đồng hợp tác với AFF. Và câu trả lời của Sportradar về trận đấu này là: không có gì! Cũng từ câu trả lời của Sportradar mà các quan chức AFF tin rằng trận đấu này diễn ra, kết thúc một cách hoàn toàn trong sáng.

Tuy nhiên, nếu lấy cách làm, cách phân tích các dữ liệu cá cược công khai của Sportradar áp vào những trận đấu thực sự "có mùi" của bóng đá Việt Nam trước đây sẽ thấy cách làm này rất dễ rơi vào trạng thái... việt vị. 

Đơn cử như AFC Cup 2014, khi nhiều cầu thủ Ninh Bình đồng loạt làm độ, và sau đó bị đưa ra toà thì đấy hoàn toàn là độ "chui", chứ không thông qua những kênh, những mạng mà Sportradar có thể căn cứ vào đó để phân tích. Trước đó, vụ cầu thủ Đồng Nai làm độ trong trận gặp Quảng Ninh cũng diễn ra tương tự.

Vậy nên việc VPF hợp tác với Sportradar một mặt cho thấy khát vọng và quyết tâm chống tiêu cực rất lớn của đơn vị tổ chức, điều hành V.League, nhưng mặt khác, cũng phải thấy với những đặc tính rất riêng của bóng đá Việt Nam thì việc chỉ bắt tay với Sportradar là chưa đủ.

Cầu thủ Ninh Bình từng làm độ không qua mạng kiểm soát của Sportradar. Ảnh: H.M.

Nhìn lại ngày mới thành lập VPF, ông Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên (người sau này xộ khám vì chuyện làm ăn ngoài bóng đá) đã quyết định chống tiêu cực bằng cách phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện những cuộc điều tra âm thầm, bí mật. Và kết quả điều tra khi ấy ấn tượng đến mức bầu Kiên từng chỉ thẳng một vài ông bầu khẳng định việc "các ông vẫn cho tiền, làm hư trọng tài" mà các ông bầu vẫn không thể mảy may phản ứng. Hồi ấy bầu Kiên còn "ròng" theo một câu bất hủ, khiến nhiều ông bầu, nhiều lãnh đạo đội sợ tím tái: "Chuyện từ hôm nay về trước thì cho qua, nhưng từ nay về sau, nếu ai còn làm như vậy sẽ bị xử lý đến nơi đến chốn". Vẫn thời điểm đó, qua công tác điều tra âm thầm, đã có không dưới 5 trọng tài bị nhận diện là "có mùi" và tất cả những người này cũng đã bị xử lý bằng cách không được mời điều khiển các trận đấu tiếp theo.

Trở lại với những vấn đề thời sự của VPF với ông tân tổng giám đốc trẻ tuổi, giàu tham vọng Cao Văn Chóng hiện nay, mong là bên cạnh việc hợp tác với một công ty uy tín, chuyên nghiệp trong lĩnh vực phòng chống tiêu cực như Sportradar thì VPF cũng không bỏ qua những kênh quan trọng khác.

Rất có thể chính những kênh ngoài Sportradar mới giúp VPF phát hiện ra những "con bệnh" đặc thù.

Diệp Xưa
.
.
.