Vì sao các CLB Việt Nam hờ hững với AFC Cup?

Thứ Sáu, 17/05/2019, 08:18
Sau 5 năm, bóng đá Việt Nam mới thêm một lần góp mặt 2 đại diện ở AFC Cup. Đã hội nhập trở lại với bóng đá quốc tế từ lâu, nhưng thành tích của các CLB Việt Nam ở đấu trường châu lục vẫn gần như không có gì đáng kể. Đâu là nguyên nhân đằng sau sự thờ ơ đó?


Thể thức thi đấu "phân biệt đối xử"

B.Bình Dương chính là CLB Việt Nam có thành tích tốt nhất ở AFC Cup. 10 năm trước, họ từng lọt vào đến bán kết giải đấu. Dù không thể đi đến trận đấu cuối cùng, nhưng B.Bình Dương cũng làm bóng đá Việt Nam rạng rỡ khi chân sút Huỳnh Kesley Alves nhận danh hiệu Vua phá lưới AFC Cup 2009.

Một năm sau, SHB Đà Nẵng đã loại chính Bình Dương để lọt vào tứ kết AFC Cup. Ngoài ra, CLB Hà Nội cũng từng góp mặt ở tứ kết vào năm 2014.

Bình Dương là đội bóng Việt Nam thành công nhất ở AFC Cup.

Tuy nhiên, kể từ năm 2017, AFC đã gây khó dễ cho các CLB Đông Nam Á bằng việc thay đổi thể thức thi đấu. Trước đây, các CLB tham dự AFC Cup được "trộn lẫn" không phân theo khu vực để bốc thăm chia bảng, nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác. 36 đội chia thành 9 bảng, bao gồm: 3 bảng Tây Á, 1 bảng Trung Á, 1 bảng Nam Á, 1 bảng Đông Á và 3 bảng Đông Nam Á.

Sự phân chia đó được AFC giải thích là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các CLB tham dự AFC Cup. Vốn dĩ châu Á là một lục địa lớn, với 2 đầu châu lục lên đến hàng ngàn km, cũng như hệ thống giao thông không đồng bộ giữa các quốc gia...

Tuy nhiên, sự lý giải đó không thể ngăn được sự thật là AFC đang thực hiện hành vi phân biệt đối xử với các CLB Đông Nam Á khi bước vào vòng đấu loại trực tiếp.

Cụ thể hơn, từ năm 2016 trở về trước, các CLB Đông Nam Á vượt qua vòng đấu bảng AFC Cup sẽ vào thẳng vòng 1/8. Tuy nhiên theo thể thức mới, giờ đây 4 CLB Đông Nam Á (như năm nay gồm có CLB Hà Nội, B.Bình Dương, Ceres-Negros và PSM Makassar) sẽ phải đấu đá nhau ở "vòng chung kết khu vực ASEAN". Hà Nội đối đầu Ceres-Negros, còn B.Bình Dương đụng độ PSM Makassar ở bán kết để chọn ra 2 ứng viên lọt vào chung kết khu vực ASEAN.

Chỉ có đội vô địch ở vòng chung kết khu vực ASEAN mới được lọt vào vòng đấu loại tiếp theo có tên "vòng chung kết liên khu vực" bao gồm 3 đại diện từ Nam Á, Trung Á và Đông Á. Tương tự vòng chung kết khu vực ASEAN, vòng chung kết liên khu vực sẽ chia thành 2 cặp đấu bán kết. Đội vô địch vòng chung kết liên khu vực sẽ lọt vào chung kết AFC Cup để đấu với đội vô địch "vòng chung kết khu vực Tây Á".

Nói cách khác, trong trường hợp CLB Hà Nội hoặc B.Bình Dương muốn đi tới trận đấu cuối cùng ở AFC Cup, họ phải thi đấu thêm 4 vòng loại trực tiếp, tức 8 trận đấu cả thảy. Trong khi đó, CLB ở các khu vực còn lại chỉ phải chơi thêm 2 vòng loại trực tiếp để đến chung kết. Việc phải thi đấu với mật độ gấp đôi các CLB châu Á khác càng khiến các CLB Đông Nam Á khó có cơ hội vào sâu ở AFC Cup.

AFC lấy lý do "bóng đá Đông Nam Á có trình độ phát triển thấp hơn các khu vực khác" để gây khó dễ, nhưng thực chất họ tạo ra thể thức này để các đại diện Tây Á thuận lợi hơn trên con đường giành chức vô địch.

Kể từ khi AFC áp dụng thể thức mới, CLB Al-Quwa Al-Jawiya của Iraq đã vô địch AFC Cup 2 năm liên tiếp. Bên cạnh đó, các nhà vô địch khu vực Đông Nam Á đều bị loại sớm ngay từ bán kết vòng chung kết liên khu vực với tỷ số vô cùng cách biệt.

Năm 2017, Ceres-Negros (Philippines) để thua Istiklol (Tajikistan) với tổng tỷ số 1-5. Năm ngoái, Home United (Singapore) thua April 25 (CHDCND Triều Tiên) 1-11. Rõ ràng các CLB Đông Nam Á phải chịu nhiều thiệt thòi nhất khi thi đấu ở AFC Cup với thể thức mới oái oăm. Đó là lý do vì sao thành tích của họ gần đây cứ ngày càng thụt lùi.

Hỗ trợ nhỏ giọt

Bên cạnh việc phải chịu thiệt thòi vì thể thức thi đấu, các CLB Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung không nhận được nhiều hỗ trợ từ AFC khi thi đấu ở đấu trường châu lục. AFC chỉ cấp 40.000USD tiền phí đi lại cho mỗi trận đấu trên sân khách, hoàn toàn không có tiền thưởng sau mỗi trận đấu bất kể thắng thua. Trong trường hợp vô địch vòng chung kết khu vực, đội giành chiến thắng mới nhận được thêm 100.000USD.

Tuy nhiên, số tiền trên chỉ là muối bỏ bể, và đúng là nó chỉ mang tính "hỗ trợ" chứ không thể khỏa lấp chi phí đi lại, chưa kể tới phí lưu trú khách sạn. Đó là chưa kể nếu điểm đến không có chuyến bay thẳng từ Việt Nam, các CLB V.League sẽ phải bay quá cảnh nhiều chặng, đồng nghĩa với việc mất thêm nhiều thời gian, thể lực giảm sút. Điều kiện đi lại khó khăn, cộng thêm khoản tiền thưởng kém hấp dẫn là lý do khiến các CLB Việt Nam thường tỏ ra thờ ơ với đấu trường AFC Cup.

Mùa này, CLB Hà Nội và B.Bình Dương đã gây bất ngờ khi cùng nhau lọt vào vòng loại trực tiếp ở AFC Cup. Tuy nhiên chặng đường sắp tới sẽ rất khó khăn. Họ sẽ phải đối đầu với các CLB Đông Nam Á ở "vòng chung kết khu vực ASEAN", rồi tiến tới "vòng chung kết liên khu vực" nếu muốn nghĩ tới trận chung kết trước một đối thủ Tây Á. Hai đội có quyền mơ về chức vô địch bởi trong lịch sử AFC Cup từng có một đội Đông Nam Á lên ngôi. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của CLB Malaysia có tên Johor Darul Ta'zim (vô địch năm 2015) trước khi có thể thức thi đấu mới.

Trụ cột của Hà Nội và Bình Dương cày ải trên 3 mặt trận

Vòng chung kết khu vực ASEAN sẽ bắt đầu vào giữa tháng 6. Điều đó cũng có nghĩa ngay sau khi King's Cup khép lại, các trụ cột góp mặt ở ĐT Việt Nam của CLB Hà Nội và B.Bình Dương sẽ phải tiếp tục cày ải ở V.League và AFC Cup. Ở lần tập trung ĐTQG gần nhất, B.Bình Dương có 2 cái tên là Tiến Linh và Hồ Tấn Tài, còn CLB Hà Nội có tới 7 người: Văn Hậu, Duy Mạnh, Đức Huy, Quang Hải, Hùng Dũng, Thành Chung, Văn Đại.

2 trận bán kết lượt đi vòng loại khu vực ASEAN chưa ấn định ngày chính thức, nhưng sẽ tiến hành từ ngày 17 đến 19-6. Một tuần sau đó là trận lượt về. Cuối tháng 7 - đầu tháng 8 là thời điểm diễn ra 2 lượt trận chung kết khu vực. Đó cũng là lúc V.League bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. CLB Hà Nội và B.Bình Dương khó có thể đạt thành tích tốt nếu họ để cầu thủ tiếp tục căng sức trên nhiều mặt trận như vậy.

Cẩm Chi
.
.
.